Băn khoăn về chuyện ngồi nhiều bị vô sinh

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Đối với cả 2 giới, ngồi lâu, liên tục trong nhiều ngày kèm theo ít vận động là việc không nên vì nó có thể tăng nguy cơ vô sinh.

Chào bác sĩ, em năm nay 28 tuổi, là nhân viên văn phòng. Tôi kết hôn được 2 năm nhưng chưa có em bé. Tôi đã đi khám thì cả hai đều bình thường. Chúng tôi đã thử các biện pháp hỗ trợ như canh trứng, kích trứng... nhưng vẫn không hiệu quả. Tôi nghĩ tôi bị vô sinh nguyên nhân có thể do tôi ngồi quá nhiều mà ít vận động (tính ra tôi làm công việc văn phòng đã được 6-7 năm, ngày nào cũng ngồi nhiều, thậm chí ngồi cả tối khi về nhà). 

Bác sĩ cho tôi hỏi, ngồi quá nhiều có dẫn đến khó có con không? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi! Tôi xin nói thêm là chồng tôi cũng ngồi rất nhiều do đặc thù công việc. Tôi xin cảm ơn bác sĩ! (T. Phương)

Trả lời:

Bạn T. Phương thân mến!

Đối với cả 2 giới, ngồi lâu, liên tục trong nhiều ngày kèm theo ít vận động là việc không nên vì nó có thể gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe, bao gồm cả những ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh.

ngồi nhiều có thể tăng nguy cơ vô sinh ở hai giới
Ngồi lâu, liên tục trong nhiều ngày, ít vận động là việc không nên vì nó có thể tăng nguy cơ vô sinh. Ảnh minh họa

Đối với nam giới, ngồi nhiều, nhất là ngồi trên ghế đệm có thể khiến tăng nhiệt độ ở "vùng kín", gây nóng tinh hoàn, ảnh hưởng đến bộ máy sản xuất tinh trùng. Khi tinh hoàn nóng hơn mức bình thường, khả năng sinh tinh sẽ giảm đi. Những người có thói quen ngồi bất động, hai chân khép lại hoặc bắt chéo quá lâu, mặc quần lót quá chật... sẽ càng gây ra những ảnh hưởng xấu đến tinh trùng. Nếu ngồi ở các tư thế trên, trong một giờ, nhiệt độ của tinh hoàn có thể tăng lên 2-3 độ C so với bình thường. Trong khi đó, chỉ cần tăng thêm 1 độ C là khả năng sản xuất tinh trùng đã giảm mất 40%.

Còn đối với nữ giới, ngồi lâu một chỗ, ít vận động cũng không có lợi cho sức khỏe. Khi bạn ngồi trên ghế, cơ thể gấp khúc, hông thắt chặt, xương sống gần như cứng lại khiến cho máu khó lưu thông. Lúc này, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là vùng chậu và vùng chi dưới. Do đó, hệ thống sinh sản của người phụ nữ cũng bị ảnh hưởng theo.

Ngoài ra, đối với cả 2 giới, ngồi lâu, ngồi nhiều còn có thể ảnh hưởng tới chức năng của não, tim mạch, thậm chí tăng nguy cơ đông máu. Thói quen ngồi lâu cũng khiến các enzym đốt cháy chất béo trong cơ thể giảm đáng kể.

Trở lại vấn đề khó có con của vợ chồng bạn, bạn nên động viên để chồng mình cũng đi khám thì mới có nhiều cơ hội tìm ra nguyên nhân hiếm muộn do đâu. Ngoài ra, qua mô tả của bạn thì thấy vợ chồng bạn đang có thói quen sinh hoạt chưa tốt. Cả hai nên dành thời gian để nghỉ ngơi, vận động, hạn chế tình trạng ngồi quá nhiều để giữ gìn sức khỏe nói chung, tăng cường sức khỏe sinh sản nói riêng.

Vợ chồng bạn nên tới các cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa để được thăm khám, đánh giá đúng nguyên nhân hiếm muộn và có biện pháp điều trị thích hợp.

Chúc vợ chồng bạn sớm có em bé!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:suckhoe@afamily.vn.


Chia sẻ