Bạn có khả năng ra nước ngoài làm việc không?
Bạn muốn ra nước ngoài, thay đổi môi trường làm việc và vươn tới mục tiêu cao, xa hơn. Hãy xem xét những lời khuyên dưới đây trước khi đưa ra quyết định.
Xem lại phẩm chất, tính cách của bản thân
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm làm việc với các đối tác nước ngoài, tính cách, phẩm chất của bạn là yếu tố quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá khả năng làm việc ở nước ngoài của bạn. Tom Cooper , giám đốc điều hành của EAP tại Cleveland Clinic chia sẻ:
Cởi mở, dễ thích nghi là một trong những phẩm chất cần thiết nếu bạn muốn ra nước ngoài làm việc - (Ảnh minh họa)
“Nếu bạn là một người cởi mở, ham học hỏi, thích nghi nhanh; khéo giao tiếp và có tinh thần đồng đội; mặt khác bạn hiểu rõ thế mạnh, sức ảnh hưởng của mình và biết cách tập trung vào nó, bạn sẽ thành công khi làm việc ở nước ngoài.
Một khi bạn “bắt kịp dòng chảy”, bạn sẽ dễ dàng đối phó với các vấn đề phát sinh. Bạn nên kiên nhẫn, thoải mái hơn nếu bạn mơ hồ và gặp khó khăn trong thời gian đầu. Mặc dù văn hóa phương Tây thường ưu tiên tính cá nhân, văn hóa phương Đông hay chú trọng đến các yếu tố tập thể, dần dần theo thời gian, bạn sẽ quen được với môi trường mới và nhận được sự ủng hộ từ mọi người xung quanh”.
Lập bảng câu hỏi
Hãy tìm hiểu mọi vấn đề ở nước bạn đang muốn tới làm việc và cân nhắc kỹ lưỡng: tôn giáo, thực phẩm, phương tiện giao thông, chi phí đi lại. Sau khi nghiên cứu kỹ càng, bạn có thể thảo luận cùng với bạn bè, người thân. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên và cơ hội mà bạn không ngờ tới.
Bạn cũng nên lập một bản nghiên cứu tương tự về môi trường làm việc hiện tại của bạn và so sánh xem chuyển ra nước ngoài có thực sự tốt cho bạn hay không.
Dựa vào bản năng
Nếu có thể, hãy đến thăm nơi bạn dự định chuyển tới làm việc và tự mình trải nghiệm cuộc sống ở đó. Khi nói chuyện với những người dân và tìm hiểu văn hóa cũng như cách làm việc ở đó, bạn sẽ tự quyết định được đó có thật sự là nơi dành cho mình hay không.
Nếu có điều kiện, bạn hãy đến thăm nơi bạn định chuyển tới trước khi quyết định - (Ảnh minh họa)
Cân nhắc đến gia đình của bạn
Khi bạn sang nước ngoài làm việc, bạn cần phải cân nhắc tới gia đình của bạn. Gia đình của bạn có đi theo bạn hay không? Vợ/ chồng của bạn sẽ làm gì? Con bạn sẽ đi học ở đâu... là những chuyện bạn cần nghĩ tới.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, gia đình là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công trong sự nghiệp. Một cuộc hôn nhân ổn định, gia đình êm ấm với các thành viên yêu thương nhau sẽ là hậu phương vững chắc giúp bạn tiến lên trong công việc.
Khi bạn nghĩ đến chuyện chuyển sang nước ngoài làm việc, bạn cần xem xét đến ý kiến của các thành viên trong gia đình, liệu họ có phù hợp, thích nghi được với môi trường mới hay không. Nếu người bạn đời của bạn cũng cởi mở và dễ thích nghi, việc chuyển sang nước ngoài sống và làm việc sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn.
Xác định rõ những thăng trầm trong tương lai
Không phải cứ bước chân ra nước ngoài là cuộc đời của bạn sẽ toàn những nốt thăng và không có nốt trầm. Thời kỳ đầu tiên, trong một vài tuần, bạn sẽ có một “kỳ trăng mật” rất vui vẻ ở đất nước mới. Tuy nhiên, sau một thời gian, bạn sẽ gặp phải vài cú sốc văn hóa khiến bạn chán nản.
Bạn nên tìm hiểu rõ những khác biệt trong văn hóa, cơ chế, chính sách ở đất nước mới để có thể chuẩn bị trước tinh thần và đón nhận những khó khăn với tư tưởng thoải mái, cởi mở hơn.
Bạn nên xác định trước những khó khăn mình sẽ gặp phải, đừng nghĩ rằng cứ sang nước ngoài là sẽ một bước lên tiên - (Ảnh minh họa)
Đào sâu mục đích thực sự của bạn
Nếu sự thay đổi này hoàn toàn vì một lý do tích cực như môi trường tốt hơn, học hỏi được cái mới,… thì cuộc ra đi của bạn sẽ mang tới những thành công nhất định. Nhưng rất nhiều người rời bỏ quê nhà chỉ để chạy trốn những vấn đề cá nhân (hôn nhân, trầm cảm, khó khăn về tài chính).
Thực tế, những vấn đề này sẽ không được giải quyết khi bạn chuyển sang một đất nước khác, thậm chí có thể trầm trọng hơn bởi những thách thức, khó khăn bạn phải gánh chịu thêm ở môi trường không quen thuộc.
Dưới đây là ba lý do tích cực, đúng đắn thường thấy khi mọi người có ý định chuyển sang nước ngoài để làm việc:
- Nâng cao tay nghề bằng cách trải nghiệm cách làm việc ở đất nước khác, học hỏi cái mới
- Mang những kinh nghiệm, kiến thức đặc sắc của bạn truyền dạy cho bạn bè quốc tế.
- Thực hiện một chuyến phiêu lưu đến các miền đất mới, vừa làm việc vừa du lịch.