Bạn biết gì về chiếc bánh Trung thu và muôn vẻ Tết Trung thu khắp thế giới?

Nguyễn Mai,
Chia sẻ

Tết Trung thu đang đến rất gần. Hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc và sự phát triển của chiếc bánh Trung thu và Tết Trung thu từ cổ tới kim.

Lịch sử 3.000 năm của bánh Trung thu từ nguồn gốc 'bánh Taishi'

Lịch sử bánh Trung thu lâu đời, tới 3.000 năm ở Trung Quốc. Tiền thân của bánh Trung thu là bánh Taishi xuất hiện vào thời nhà Thương (thế kỷ 17 TCN – năm 1046 TCN) và nhà Chu (năm 1027 TCN – năm 256 TCN). Tới thời nhà Hán (năm 202 TCN – năm 220 SCN), Zhangqian - người được phái đi sứ mệnh ngoại giao đến miền Tây Trung Quốc - đã mang về hạt vừng và quả óc chó. Sau đó, hạt vừng và quả óc chó được sử dụng làm nhân của bánh Trung thu. Người thời đó gọi là bánh Hủ. 

Tương truyền rằng tục ăn bánh Trung thu vào Tết Trung thu chính thức bắt đầu từ thời nhà Đường (năm 618 - năm 907). Vào thời Bắc Tống (năm 960 - năm 1127), loại bánh này trở nên phổ biến trong hoàng cung. Vào cuối triều đại nhà Nguyên (năm 1271 - năm 1368), bánh Trung thu đã được phổ biến rộng rãi cho người dân. Thời nhà Minh (năm 1368 - năm 1644) và nhà Thanh (năm 1644 - năm 1911) bánh Trung thu đã trở thành một thói quen ăn uống phổ biến của người Trung Quốc.

 - Ảnh 1.

Những chiếc bánh Trung thu nhân trứng muối và các loại hạt ngũ cốc

Bánh tròn được ăn vào Tết Trung thu từ thời nhà Đường (năm 618 - năm 907)

Vào thời nhà Đường, Hoàng đế Đường Thái Tông đã ra lệnh cho một vị tướng tên là Li Jing dẫn quân đi chinh phục Turk, một quốc gia ở phía Bắc. Vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, Li Jing chiến thắng trở về. Hoàng đế ăn mừng chiến thắng của Li Jing và quân đội. Có một thương nhân từ Tây Tạng đã tặng một số bánh hình tròn cho hoàng đế để chúc mừng chiến thắng. Hoàng đế đã rất vui khi nhận được món quà này và giới thiệu những chiếc bánh tròn cho thần dân của mình. Sau đó, những chiếc bánh tròn trở nên phổ biến cả trong cung đình và dân chúng. Người ta ăn loại bánh này vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. 

Trong lịch sử bánh Trung thu, chúng ta cũng không thể không nhắc đến Quý phi Dương Ngọc Hoàn của một vị hoàng đế nhà Đường là Lý Long Cơ. Người ta cho rằng chính Dương Quý phi đã đặt tên cho chiếc bánh tròn là "bánh Trung thu".

Bánh Cung đình có trước thời nhà Tống (năm 960 - năm 1279)

Vào thời Bắc Tống (năm 960 - năm 1127), bánh Trung thu được gọi là "Bánh cung đình" và không chỉ phổ biến trong cung đình mà còn trong dân gian. Sau này, người ta gán cho nó ý nghĩa sum họp, thể hiện những lời chúc sum họp gia đình tốt đẹp và cũng là nỗi nhớ bạn bè sâu sắc. Bản ghi chép về các ký tự "bánh Trung thu" lần đầu tiên được thấy trong một cuốn sách của triều đại Nam Tống (năm 1127 - năm 1279). Đây là bằng chứng văn bản quan trọng trong lịch sử bánh Trung thu.

Ăn bánh Trung thu trở nên phổ biến vào thời nhà Minh (năm 1368 – năm 1644)

Có một ghi chép chi tiết về món bánh Trung thu từ thời nhà Minh: "Tết Trung thu là vào ngày 15 tháng 8 âm lịch, và mọi người tổ chức sum họp gia đình bằng cách ăn bánh Trung thu". Qua ghi chép, có thể thấy việc ăn bánh Trung thu trong ngày Tết Trung thu đã trở nên ngày càng phổ biến trong dân gian ở Trung Quốc.

Bánh Trung thu tự làm ở triều đại nhà Thanh (năm 1644 - năm 1911)

Theo lịch sử bánh Trung thu, ăn bánh Trung thu vào Tết Trung thu đã trở thành một phong tục phổ biến rộng rãi vào thời nhà Thanh, và có nhiều ghi chép lịch sử hơn về bánh Trung thu. Vào thời điểm đó, bánh Trung thu chủ yếu là bánh được mỗi gia đình tự làm. Nhiều sách ghi lại quá trình làm bánh Trung thu bằng bột mì, các loại hạt, đường và mỡ lợn.

Muôn vàn kiểu dáng bánh Trung thu

 - Ảnh 2.

Bánh Trung thu được chế biến tại một nhà hàng ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: New York Times

Tác giả sách dạy nấu ăn Betty Liu lớn lên trong một khu phố ở bang California, Mỹ với nhiều tiệm bánh Trung Quốc, nhưng chừng đó hương vị cũng không đủ để làm thỏa mãn cơn thèm bánh Trung thu của chị.

Chị nói: "Hầu hết họ chỉ bán bánh Trung thu kiểu Quảng Đông đúc cổ điển". Cha mẹ của chị Liu đến từ Thượng Hải, nơi những chiếc bánh Trung thu có dạng hình tròn và dẹt, nhân thịt lợn ngon ngọt. Bánh Trung thu Quảng Đông lại là loại bánh ngọt hình cầu tròn với nhiều lớp vỏ mềm, dẻo và dai.

Khi chị Liu đăng những hình ảnh về bánh Trung thu nhân thịt lợn trên tài khoản Instagram của mình, mọi người đã nhận xét rằng chị đang nhầm lẫn tên gọi mặc dù đó là công thức từ mẹ chị - người dựa trên ký ức về những món bà đã từng ăn khi còn sống ở Trung Quốc. Chị cho hay: "Tôi nhận được một vài nhận xét như: 'Đây không phải là bánh Trung thu. Đừng gọi chúng là bánh Trung thu. Có lẽ họ chỉ quen với phong cách bánh Quảng Đông".

 - Ảnh 3.

Những chiếc bánh Trung thu tráng men mặn này, theo công thức của Betty Liu, được nhồi với thịt lợn xay - Ảnh: New York Times

Mặc dù có nhiều biến thể bánh Trung thu theo từng khu vực trên khắp Châu Á, nhưng nhiều người quen thuộc nhất với các kiểu lặp lại của người Quảng Đông vì những tiệm bánh châu Á đầu tiên ở ngoài Trung Quốc là do người Quảng Đông mở ra.

Vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, bánh Trung thu "được biết đến như một món quà". Đó là những chia sẻ của ông Max Wong, giám đốc điều hành của Kee Wah Bakery, một doanh nghiệp ở Hong Kong (Trung Quốc) được thành lập vào năm 1938 và hiện sản xuất hơn 10 triệu chiếc bánh Trung thu mỗi năm. Trước đó, bánh nướng Trung thu chỉ được bán trong dịp Tết Trung thu mà thôi. 

Vào thời điểm rằm tháng Tám âm lịch, bánh Trung thu sẽ được dùng để làm đồ cúng dâng lên Mặt trăng. Tuy nhiên, khi Hong Kong (Trung Quốc) trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào những năm 1960, bánh Trung thu đã được thương mại hóa và lưu hành rộng rãi, được đóng gói trong bao bì công phu và được tặng cho khách hàng và bạn bè trong cả năm chứ không chỉ riêng dịp rằm tháng Tám.

 - Ảnh 4.

Ông Max Wong, giám đốc điều hành của Kee Wah Bakery, một doanh nghiệp ở Hong Kong (Trung Quốc) sản xuất hơn 10 triệu chiếc bánh Trung thu mỗi năm - Ảnh: New York Times

Mặc dù phiên bản bánh Trung thu Quảng Đông có thể là phiên bản quốc tế được biết đến nhiều nhất, nhưng không có tiêu chuẩn đánh giá nào cho loại bánh ngọt này. Chị Dong Meihua, một người dân sinh sống ở vùng nông thôn phía Tây Nam Trung Quốc, chia sẻ: "Chúng tôi thêm giăm bông vào nhân. Đó là một đặc sản của Vân Nam". Chị Dong, người sản xuất các video nấu ăn được biết đến rộng rãi trên YouTube với tên Dianxi Xiaoge (Điền Tây Tiểu Ca), làm bánh Trung thu nhân thịt nguội với mật ong. Những chiếc bánh được nướng trong lò than. Chúng có độ dẻo và tròn như những quả cầu vàng.

Ông Chong Suan, chủ sở hữu của Chuan Ji Bakery ở Singapore, thể hiện sự thành kính của mình trong những ngày lễ bằng cách bọc các loại nhân như dưa và hạt vừng, hẹ tây, đường hoa hồng, chanh và vỏ cam trong một lớp vỏ mỏng, sau đó nhẹ nhàng ép vào một chiếc khuôn gỗ chạm khắc thủ công. Ông nói: "Nó giống như một chiếc bánh quy". Ông thừa hưởng công thức nấu ăn đã có 95 năm từ bà của mình, người di cư đến Singapore vào những năm 1920 từ Hải Nam, Trung Quốc.

 - Ảnh 5.

Người thợ làm bánh Kristina Cho đã truyền tải một tinh thần xa hoa truyền thống bằng cách nhồi vào những chiếc bánh Trung thu của mình nhân hạt dẻ cười và mật ong - Ảnh New York Times

Còn Kristina Cho, một blogger và tác giả sách dạy nấu ăn người Mỹ gốc Hoa, đã biến tấu chiếc bánh Trung thu với nhân là hạt dẻ cười nghiền nát và mật ong, bọc trong lớp vỏ bánh đúc kiểu Quảng Đông. Đúng ra là nhân hạt dẻ cười nhưng giá thành hạt dẻ cười khá cao, nên những đầu bếp như chị Cho đã lựa chọn một loại hạt khác thay thế.

Như vậy là bánh Trung thu đã tiếp tục phát triển với các thế hệ kế tiếp và được chu du khắp các lục địa.

Lễ hội Trung thu trên khắp thế giới

Tết Trung thu là ngày lễ quan trọng thứ hai sau Tết Nguyên đán với nhiều nước châu Á và cộng đồng gốc Á. Lễ được tổ chức theo cách riêng của mỗi quốc gia, cộng đồng.

Trung Quốc

 - Ảnh 6.

Người dân Trung Quốc có phong tục thả đèn trời nhân dịp Trung thu.

Có thể nói rằng Tết Trung thu là một trong những lễ hội quan trọng nhất ở Trung Quốc. Các gia đình quây quần bên nhau vừa ngắm trăng vừa ăn bánh Trung thu và bưởi.

Các hoạt động vui chơi khác bao gồm đoán câu đố trên đèn lồng, thả đèn trời, uống một vài ly rượu thơm hoặc ngắm thủy triều ở các vùng ven biển.

Nhật Bản

 - Ảnh 7.

Bánh Tsukimi Dango truyền thống của người Nhật Bản

Người Nhật Bản cũng tổ chức Tết Trung thu vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Ở Nhật Bản, nó được gọi là Lễ hội Tsukimi hoặc Otsukimi.

Truyền thống hàng thế kỷ ở Nhật Bản là tổ chức Tiệc tri ân Mặt trăng, nơi khách đến nhà chơi có thể thưởng thức món bánh gạo nếp ngon gọi là Tsukimi Dango trong khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Mặt trăng.

Vào đêm lễ hội, họ dâng bánh Tsukimi Dango, trái cây, rượu và khoai môn lên Mặt Trăng để cầu mong một mùa màng bội thu. Những ngôi nhà của người Nhật sẽ được trang trí bằng cỏ pampas màu trắng bạc, được cho là biểu tượng của Thần Mặt Trăng - người canh giữ mùa màng. Người ta cũng tin rằng cỏ pampas có thể xua đuổi tà ma.

Mặc dù thế hệ trẻ không còn duy trì tất cả những phong tục này nữa, nhưng nó vẫn được thực hiện ở một số vùng của đất nước hoa anh đào.

Hàn Quốc

 - Ảnh 8.

Bánh gạo Songpyeon

Tết Trung thu ở Hàn Quốc là một sự kiện lớn của đất nước. Còn được gọi là Ngày Lễ Tạ ơn hoặc Chuseok, người dân tận hưởng kỳ nghỉ ba ngày và họ có cơ hội trở về quê để thăm gia đình.

Trong dịp sum họp gia đình, mọi người sẽ thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh gạo Songpyeon, bánh Hangwa, súp khoai môn và rượu gạo.

Các gia đình cũng tranh thủ dọn dẹp phần mộ của tổ tiên. Có nhiều chương trình giảm giá trong thời gian diễn ra lễ để mọi người có thể mua sắm làm quà.

Những món quà này thường là những mặt hàng cần thiết như dầu ăn, dụng cụ nấu ăn, thực phẩm hữu cơ và các sản phẩm dinh dưỡng như nhân sâm Hàn Quốc.

Thái Lan

Theo truyền thuyết Thái Lan, tám vị thần bất tử đã đến thăm Cung điện Mặt Trăng để gửi những chiếc bánh hình quả đào và lời chúc mừng sinh nhật đến Nữ thần Nhân từ Quan Âm vào đêm Trung thu.

Vì vậy, một trong những thực phẩm phổ biến trong lễ kỷ niệm là bánh hình quả đào. Các gia đình cũng tụ tập để cầu trăng, thưởng thức bữa ăn ngon cùng nhau và trao nhau những lời chúc an khang. Người dân cũng ăn và tặng bánh Trung thu hoặc trái cây, đặc biệt là bưởi tròn, cho gia đình và bạn bè.

Philippines

Trong Tết Trung thu, nhiều nơi được trang trí bằng những chiếc đèn lồng và biểu ngữ. Bạn cũng có thể tìm thấy rất nhiều hương vị bánh Trung thu ở hầu hết các cửa hàng.

Một sự kiện lớn khác là các cuộc diễu hành múa rồng, cuộc diễu hành quần áo truyền thống của Trung Quốc, cuộc diễu hành đèn lồng và cuộc diễu hành xe hơi sang trọng.

Việt Nam

 - Ảnh 9.

Bánh nướng, bánh dẻo là món không thể thiếu trên mâm cỗ Trung thu của người Việt Nam

Tết Trung thu ở Việt Nam lấy trẻ nhỏ làm trung tâm. Vào ngày đó, các bậc cha mẹ sẽ tặng cho con mình những món đồ chơi, món ăn vặt yêu thích để làm quà.

Trong khi người lớn thưởng thức bánh Trung thu, trẻ em được vui chơi với những chiếc đèn lồng hình cá chép và đèn ông sao.

Ngoài ra còn có các buổi biểu diễn múa lân và múa rối nước cho mọi người thưởng thức. Bên cạnh đó, người dân địa phương có thể tham gia các cuộc thi để xem ai là người làm ra những chiếc đèn lồng đẹp nhất.

Hong Kong (Trung Quốc)

Người Hong Kong tổ chức Tết Trung thu một ngày sau ngày chính thức để họ có thể ngủ tiếp sau một đêm vui chơi. Tương tự như Malaysia và Singapore, người dân địa phương thích ăn và tặng bánh Trung thu, chơi đèn lồng và xem múa lân hoặc múa rồng.

Tuy nhiên, một số gia đình tổ chức tiệc nướng trong các buổi đoàn tụ gia đình và họ cũng mời bạn bè đến dùng bữa. Để chiêm ngưỡng trăng tròn, một số người dân địa phương sẽ đến Bến du thuyền Kai Tak, khu vườn trên cao lớn nhất ở Hong Kong. Họ cũng có thể thưởng thức cảnh đẹp của Cảng Victoria từ vị trí thuận lợi đó.

Đài Loan (Trung Quốc)

 - Ảnh 10.

Những khuôn bánh chạm khắc tỉ mỉ được dùng để làm bánh Trung thu

Cũng giống như người Hong Kong, người Đài Loan (Trung Quốc) rất thích tổ chức tiệc nướng trong lễ kỷ niệm Tết Trung thu. Người Đài Loan cũng thích ăn bánh Trung thu và bưởi.

Người dân địa phương thậm chí có thể có một vài vòng Cá cược Bánh Trung thu. Trò chơi được cho là được phát minh bởi Zheng Chenggong, một vị tướng nổi tiếng đã tái chiếm Đài Loan từ tay người Hà Lan.

Trò chơi được chơi với sáu viên xúc xắc và ai nhận được con số tốt sẽ giành được một số bánh Trung thu. Một phong tục phổ biến trong giới nông dân là cầu nguyện Tudigong cho một mùa thu bội thu. 

Trung thu năm COVID-19 thứ hai

Sau nhiều thế kỷ, dù hình dáng và mùi vị chiếc bánh Trung thu có thay đổi nhưng nó vẫn là thứ quà để mọi người tặng cho nhau mỗi dịp Trung thu về. Đã hai năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người chọn lựa cách tự làm bánh Trung thu tại nhà, thay vì đổ xô đến các cửa hàng bánh để mua như trước kia. Tuy nhiên, những tiệm bánh Trung thu nổi tiếng đã kịp cập nhật dịch vụ đặt hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà.

Mùa Trung thu năm nay, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, nhất là những địa phương vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trung thu năm nay có lẽ vẫn chưa là Tết Đoàn viên với nhiều gia đình, nhưng họ vẫn có thể dành cho nhau sự quan tâm ngọt ngào như chính chiếc bánh này với niềm tin và hy vọng dịch bệnh đến một ngày sẽ qua đi.

Chia sẻ