Bài thơ trong sách Ngữ Văn lớp 12 khiến học sinh phân tích hết nước mắt, chính tác giả giải thích ý nghĩa mới biết bị lừa vố to!
Những phân tích của thế hệ sau có thực sự là suy nghĩ của tác giả không nhỉ?
Chương trình Ngữ Văn lớp 12 đưa vào giảng dạy rất nhiều bài thơ ấn tượng. Một trong số đó chính là bài "Đàn ghi ta của Lor-ca", sáng tác bởi nhà thơ Thanh Thảo. Bài thơ này từng nhiều lần xuất hiện trong các đề thi tốt nghiệp, thi đại học các năm.
Được biết bài thơ rút trong tập "Khối vuông ru-bích" là một trong những sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của ông. Tác phẩm được viết theo thể thơ tự do, mang phong cách tượng trưng – siêu thực. Nhan đề bài thơ đã nhắc tới cây đàn ghi ta, một loại nhạc cụ của đất nước Tây Ban Nha. Còn Lor-ca là nhà thơ, người nghệ sĩ với khao khát cách tân nền nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên ông bị bọn phát xít bắn chết, một cái chết bi thương và đầy đau đớn.
Nhà thơ Thanh Thảo đã viết bài thơ để bày tỏ tấm lòng tưởng nhớ, xót thương với người nghệ sĩ bạc mệnh. Đây cũng là một trong những tác phẩm để lại nhiều cảm xúc nhất cho học sinh, giáo viên khi phân tích. Nếu đã từng đọc bài thơ này, ắt hẳn bạn không thể nào quên câu thơ cuối bài: Li-la li-la li-la...
Đây là câu thơ từng khiến nhiều giáo viên, học sinh bùng nổ cảm xúc khi phân tích. Hầu hết các giáo viên và những tài liệu văn học đều cho rằng đoạn điệp khúc "Li-la li-la li-la" chứa một thông điệp, nỗi niềm mà nhà thơ Thanh Thảo muốn gửi tới độc giả.
Một tài liệu văn học trên mạng phân tích như sau: "Li-la li-la li-la như một chuỗi nốt đàn buông do người đệm đàn (ghi ta) lướt qua hàng dây để kết thúc phần dạo, đánh dấu khoảng ngắt cho người hát chính thức bắt lời trình diễn ca khúc. Và thi phẩm cũng kết thúc bằng sự trở lại của chuỗi âm thanh ấy. Nó tựa những tiếng đàn đêm cuối cùng nhằm tạo những dư âm sau khi lời hát đã ngừng. Đấy chẳng phải là một lối phối âm quen thuộc trong diễn tấu ca khúc sao? Mà cũng có thể hình dung nó như tiếng huýt sáo ngẫu hứng của người ca sĩ trên nền nhạc khi diễn tấu. Ngẫu hứng mà đầy xao xuyến. Khi âm thanh gây niềm xao xuyến thì tự nó cũng chất chứa thi vị chứ sao!
Song, nếu chỉ có thế, thì việc phỏng âm nhạc ấy bất quá, cũng chưa đi xa hơn bao nhiêu một trò trang sức hoa mĩ. Về nghĩa, lila lại chính là một loài hoa có màu tím ngát rất được người phương Tây ưa chuộng: Hoa lila – tức hoa tử đinh hương. Chuỗi âm thanh kế tiếp gợi hình ảnh những tràng hoa chuỗi hoa bật tím liên tiếp. Đó là những đoá hoa người đời, người thợ thầm kính viếng hương hồn Lor-ca hay chính là ngàn muôn đoá hoa của sự sống đang nảy nở từ cái chết đau thương của nhà thi sĩ, thể hiện sức sống bất diệt của những giá trị chân chính trên cõi đời này?
Có thể là thế này, có thể là thế kia, mà có lẽ là cả hai. Vì thế, chính cái chuỗi âm thanh ngỡ không đâu ấy lại chứa đựng rất nhiều cảm thương, niềm tin và lòng ngưỡng mộ sâu kín của người viết. Thiếu ý nghĩa của một thi ảnh, chuỗi li la kia khó vượt qua một trò diễn âm thanh cầu kì".
Đoạn phân tích trên khiến bất cứ ai đọc xong cũng bồi hồi, cảm động và khâm phục ý tứ sâu xa mà tác giả đã gài gắm trong lời thơ. Nhưng mà khoan! Có chắc là đây thực sự là suy nghĩ của tác giả không nhỉ? Câu trả lời là "Không" nhé quý vị.
Trong một lần phỏng vấn với báo chí, khi được hỏi "Việc kết thúc bài thơ bằng những từ tượng thanh "lila lila lila" mô phỏng tiếng đàn có dụng ý nghệ thuật gì?", nhà thơ Thanh Thảo thắng thắn chia sẻ: "Thú thật, khi viết, tôi cũng không có ý đồ nghệ thuật gì, bởi những từ tượng thanh này chợt đến, có lẽ là từ vô thức của tôi, và tôi viết ra như thế thôi. Tất cả những gì chúng ta phân tích về bài thơ, đều đến sau khi bài thơ đã hoàn chỉnh. Còn trong khi sáng tác, thì tôi nghĩ, không nhà thơ nào "nhằm mục đích" gì cả. Sướng thì viết, thế thôi!".
Sự thật thú vị này có lẽ khiến không ít học sinh ngã ngửa...