Bài đồng dao "Rồng rắn lên mây" quen thuộc với bao thế hệ tuổi thơ: Nội dung đằng sau vô cùng đáng sợ, đến người lớn cũng nổi da gà?

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Một bài đồng dao gắn liền với bao thế hệ nhưng lại có cách lý giải khiến người lớn cũng phải nổi da gà.

Đa số người Việt Nam đều từng ít nhất một lần nghe qua bài đồng dao Rồng rắn lên mây. Với đám trẻ con, đây đơn thuần chỉ là một bài đồng dao dễ nhớ dễ thuộc, không mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Nhưng khi thử tìm hiểu và việc lý giải lời bài đồng dao, những câu chuyện rùng rợn được mở ra khiến nhiều người tự hỏi liệu đây có phải là một bài ca trẻ em đơn thuần?

Bài đồng dao "Rồng rắn lên mây" quen thuộc với bao thế hệ tuổi thơ: Nội dung đằng sau vô cùng đáng sợ, đến người lớn cũng nổi da gà? - Ảnh 1.

Đa số người Việt Nam đều từng ít nhất một lần nghe qua bài đồng dao Rồng rắn lên mây.

Đây là một trò chơi theo nhóm, các người chơi được phân vai và phải thực hiện vai chơi của mình trong sự phối hợp với người khác. Một người đứng riêng ra làm thầy thuốc, những người còn lại sắp hàng một, tay người sau nắm vạt áo người trước hoặc đặt trên vai của người đứng trước. Sau đó cả chuỗi người này bắt đầu lượn qua lượn lại như con rắn, vừa đi vừa hát: "Rồng rắn lên mây/ Có cây núc nác/ Có nhà điểm binh/ Hỏi thăm thầy thuốc/ Có nhà hay không?".

Người đóng vai thầy thuốc trả lời: "Thầy thuốc đi chơi (hay đi làm việc gì đó, vì như đi chợ, đi câu cá, đi vắng nhà…)". Cả nhóm lại tiếp tục đi và hát. Đến khi thầy thuốc trả lời "Có!" thì diễn ra cuộc đối đáp giữa hai bên. Thầy thuốc (A) hỏi: Rồng rắn đi đâu? Người đứng làm đầu của "rồng rắn" (B) trả lời: Đi lấy thuốc chữa bệnh cho con. A: Con lên mấy? B: Con lên một. A: Thuốc chẳng hay. B: Con lên hai. A: Thuốc chẳng hay…

Cứ thế cho đến khi B đáp "Con lên mười" thì A bảo "Thuốc hay vậy". Kế đó, thầy thuốc đòi hỏi: Xin khúc đầu. B: Những xương cùng xẩu. A: Xin khúc giữa. B: Những máu cùng me. A: Xin khúc đuôi. B: Tha hồ mà đuổi.

Bài đồng dao "Rồng rắn lên mây" quen thuộc với bao thế hệ tuổi thơ: Nội dung đằng sau vô cùng đáng sợ, đến người lớn cũng nổi da gà? - Ảnh 2.

Đây là một trò chơi theo nhóm, các người chơi được phân vai và phải thực hiện vai chơi của mình trong sự phối hợp với người khác.

Đến đây thì thầy thuốc phải tìm cách đuổi bắt cho được người cuối cùng (khúc đuôi) trong hàng rồng rắn. Người đứng đầu dang hai tay, cố ngăn không cho thầy thuốc bắt được cái đuôi, cả mình rồng rắn cũng uốn éo, luồn lách, né tránh sao cho cái đuôi của mình không bị thầy thuốc vồ được. Nếu thầy thuốc bắt được người cuối cùng thì người đó phải ra thay làm thầy thuốc. Nếu rồng rắn bị đứt ngang giữa chừng lúc đang giằng co thì tạm ngừng để nối lại và tiếp tục trò chơi.

Có phải chỉ là một trò chơi đơn thuần?

"Rồng rắn lên mây" là trò chơi gắn với đồng dao nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp. Tuy nhiên, có giả thuyết về ý nghĩa của bài đồng dao này cho rằng, Rồng rắn lên mây chính là nói về hiện tượng trùng tang. Hiện tượng này là quan niệm dân gian, khi một gia đình có người nhà mất đúng vào các giờ trùng, rơi vào kiếp sát (Dần, Thân, Tỵ, Hợi), thì những người thân của người đã khuất sẽ "đi theo" cho đến khi số người mất đủ 3, 5, 7 hoặc 9 người.

Câu hát "Rồng rắn lên mây, có cây núc nác" được cho là mô tả khung cảnh cúng giải trùng của người Việt Nam xưa. Cả nhà nối đuôi nhau đi quanh nấm mồ của người đã khuất, cây núc nác là đồ dùng không thể thiếu mỗi khi cúng trùng tang. Liệu giả thuyết này có chính xác?

Bài đồng dao "Rồng rắn lên mây" quen thuộc với bao thế hệ tuổi thơ: Nội dung đằng sau vô cùng đáng sợ, đến người lớn cũng nổi da gà? - Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội từng giải thích về ý nghĩa của các câu từ trong bài đồng dao: "Rồng rắn lên mây thường người ta đi quanh nơi cúng, mộ... Cây núc nác là một trong những cái không thể thiếu khi người ta thực hành các nghi lễ, đặc biệt là nghi lễ trùng tang, giải hạn... Bởi vì cây núc nác có một chất trong đó, nó có thể đánh sạch mọi thứ. Cho nên ngày xưa Nguyễn Trãi viết: "Tả lòng thanh, vị núc nác". Tả là rửa đi cho lòng xanh sạch. "Có nhà điểm binh" thì thầy cúng bao giờ cũng có thao tác điểm binh. Tùy theo tuổi của thầy tử vi, có thầy có 12 quân, có thầy có 24 quân, có thầy 72 quân...

"Xin thuốc" bởi vì thầy cúng ngày xưa ngoài cúng ra người ta cho bùa, cho ngãi, cho thuốc. Hỏi những câu này là hỏi rất chú trọng ở trong tục trùng tang. Người ta kết những đoàn người đi vòng quanh mộ theo ngược chiều kim đồng hồ. Sau khi điểm binh xong rồi thì người ta gọi hồn. Và một người đại diện hồn thì được thầy cúng dặn là hỏi gì cũng chối. Ví dụ hỏi nhà ở đâu thì trả lời: "Nhà tôi ở dưới cây dâu/ Ở trên cây khế biết đâu mà tìm". Hỏi biết ai không, trả lời không biết. Hỏi có mấy con, trả lời không có con nào. Hỏi có bà con thân thuộc, trả lời không bà con thân thuộc. Tại sao lại vậy? Vì theo quan niệm nếu anh khai ra thì sau đó hồn trùng tang sẽ về bắt người", nhà nghiên cứu cho biết.

Chia sẻ