4 thứ bố mẹ càng mạnh tay "chịu chi" bao nhiêu con càng phát triển đúng tiềm năng bấy nhiêu, tương lai chắc chắn thành công rực rỡ
Thành quả của những lĩnh vực đầu tư này có khi rất vô hình, không sờ, không thấy được ở hiện tại mà chỉ có thể thấy ở tương lai. Nhưng nếu mạnh tay "chịu chi", chắc chắn còn lãi hơn cả nhà đất.
Người ta thường khuyên nhau dạy con nên tiết kiệm, nhưng có những lĩnh vực được các chuyên gia khuyên phụ huynh không nên tiếc tiền bởi đem lại lợi ích vô cùng lâu dài.
Một phụ huynh nói: "Gia đình tôi dù thu nhập không cao, nhưng vẫn cố gắng đem đến cho con chất lượng giáo dục, dinh dưỡng, du lịch tốt nhất trong khả năng túi tiền cho phép. Ví dụ, trong khoảng ngân sách đó, tôi sẽ tìm ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt nhất so với các trường cùng mức học phí, và thường xuyên mua sách cho con đọc, xem như gia tài ba mẹ để dành cho con.
Chúng tôi không có khả năng cho con du lịch nước ngoài hoặc những khách sạn, resort đắt tiền, nên tôi chịu khó dẫn con đến chơi các công viên gần nhà, những lễ hội miễn phí, hoặc tham quan các trung tâm thương mại, các bảo tàng, di tích lịch sử, đền chùa... Nếu cha mẹ cứ cắm mặt cày ngày, cày đêm để mong sau này tích lũy, giàu có thì sẽ bỏ qua tuổi thơ của con, khiến chúng thiếu thốn trải nghiệm cuộc sống. Đợi đến khi có nhiều tiền mới quan tâm những vấn đề này thì cũng đã muộn".
Đúng vậy, nếu cha mẹ càng sẵn sàng chi tiêu tiền bạc của mình cho 4 khía cạnh này thì càng có lợi cho con sau này:
1. Giáo dục
Có câu "Để vàng để bạc cho con, không bằng để chữ trong đầu con trẻ". Một nền tảng giáo dục vững chắc còn tạo cơ hội để con tiếp cận nhiều môi trường khác nhau, trải nghiệm cuộc sống đa diện và đầy đủ hơn.
3 tuổi cũng là độ tuổi tốt để đầu tư ngoại ngữ cho trẻ. Chủ yếu giúp trẻ học thông qua giao tiếp và vui chơi, chứ không ép học với 1 khung chương trình dày đặc. 5 tuổi là độ tuổi thích hợp trẻ học về nghệ thuật như vẽ, đàn phím và hát. Đừng tạo quá nhiều áp lực. Để con tham gia, vui chơi và học từ đó. Theo nghiên cứu của Heckman, trẻ được đầu tư tốt tương tác và giáo dục có cơ hội phát triển tăng 6 lần về sau. Bạn cũng đỡ mất 6 lần số tiền để cho trẻ học lại, đào tạo nghề trở lại, trợ cấp cho trẻ khi trẻ thất nghiệp, hoặc con bạn luẩn quẩn đến 40 tuổi vẫn không biết làm gì, yêu thích nghề gì, và cả tiền đầu tư tiếng Anh để trẻ luyện thi hoặc đi du học.
Tuy nhiên, đầu tư giáo dục thiếu định hướng, áp đặt đôi khi sẽ dẫn tới những hệ quả ngược. Khi cha mẹ ép buộc con học cái này cái kia, phải được như bạn bè xung quanh mình, vô tình sẽ thui chột sự yêu thích và khả năng học tập của trẻ. Bạn cần biết con mình mong muốn điều gì, có năng lực, sở thích nào để định hướng phù hợp. Đừng đặt kỳ vọng quá nhiều vào con, hãy chấp nhận "con cái chúng ta không phải thiên tài", chấp nhận trẻ là chính nó.
Việc chi tiêu vào học hành của con cũng cần cân nhắc đến yếu tố tài chính của gia đình. Đừng "cố đấm ăn xôi" rồi đứt gánh giữa đường, lúc đó quay đầu lại thì đã muộn.
2. Sức khỏe
Đầu tư sức khỏe cho tương lai con để con có thể vui vẻ, khỏe mạnh tận hưởng cuộc sống trọn vẹn. Có sức khỏe là tiền đề giúp con tiếp cận nền giáo dục và thành công hơn trong tương lai. Ngược lại, con sẽ không có đủ sức mạnh và nghị lực để vượt qua những chướng ngại vật đang đợi con phía trước. Có thể nói, sức khỏe là nguyên liệu bí mật cho cuộc sống hạnh phúc.
Cha mẹ chú ý đến thể trạng của trẻ khi trẻ còn nhỏ, bên cạnh đó là xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối, cho con đi ngủ sớm. Dinh dưỡng đa dạng, kiên nhẫn giới thiệu lặp lại và hạn chế các thức ăn không lành mạnh như bánh kẹo, nước ngọt, bim bim… là khoản đầu tư cần.
Ngoài ra, những cuộc kiểm tra định kỳ xem con có thiếu các nguyên tố vi lượng nào không, có bị chậm phát triển không… củng rất có ích. Bởi trẻ khỏe mạnh thì mới có thể đảm đương các nhiệm vụ học tập sau này.
3. Du lịch
Những gia đình thường xuyên đi du lịch nói rằng ngoài việc có các kỷ niệm hạnh phúc, con cái họ linh hoạt, dễ thích nghi với các thay đổi hơn. Ngoài ra, việc cho trẻ đi du lịch cũng giúp chúng học thêm về trách nhiệm tự sắp xếp hành lý cho chính mình, và thực hiện phần việc được giao trên đường đi.
Du lịch cũng giúp những đứa trẻ tăng thêm khả năng thích ứng với cuộc sống. Điều này giúp chúng chuẩn bị tốt hơn khi đối mặt với những sự cố sau này. Việc đi du lịch buộc mọi người phải đối mặt với các tình huống bất ngờ, phát sinh và cả những cơ hội mà họ có thể khó gặp trong cuộc sống thường ngày.
Các con sẽ học được cách trân trọng cuộc sống hơn sau khi đặt chân tới những vùng đất mới. Theo đó, trẻ em sẽ nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều hướng, thay vì nhìn theo quan điểm cá nhân như trước. Việc đi du lịch và quan sát cuộc sống của những con người khác nhau giúp trẻ em hiểu hơn về hoàn cảnh sống khác nhau của mỗi người.
Qua chuyến đi, trẻ sẽ học ở cha mẹ một cách vô thức lối cư xử, suy nghĩ như quá trình đến sân bay, việc sắp xếp hành lý... Đây sẽ là dịp bạn dạy dỗ con mình thực tế và hiệu quả hơn cả.
4. Sách
Ở Trung Quốc, không ai không biết tới cô giáo Trương Quế Mai. Cô Trương là giáo viên thành lập trường học dành cho nữ sinh đầu tiên tại vùng núi của tỉnh Vân Nam. Bà là người đã dìu dắt 1.600 nữ sinh nghèo, mồ côi học tập vươn lên, đỗ vào các đại học danh tiếng tại Trung Quốc. Trương từng nói "Một người không thể phát triển nếu không có sách giống như trẻ em lớn lên mà không có bố mẹ".
Vị giáo viên này cho biết, nếu nuôi dưỡng được người mẹ có học thức và trách nhiệm, những đứa trẻ ở vùng núi sẽ chẳng bao giờ phải bỏ học: "Một người phụ nữ thích đọc sách, ngay cả khi đang ở trong bếp hay ngoài đồng, hương thơm của trí thức sẽ ngấm vào toàn bộ cơ thể của cô ấy và truyền sang chất lượng của thế hệ tiếp theo", Trương nhấn mạnh.
Shakespeare từng nói: "Không có cuốn sách nào trong cuộc sống mà không có ánh sáng của mặt trời. Không có cuốn sách nào trong trí tuệ con người giống như con chim không có cánh".
Mua nhiều sách, đọc sách là thói quen tốt cha mẹ nên rèn cho con để phát triển trí tưởng tượng phong phú, tư duy sáng tạo. Kể từ khi con còn bé, cha mẹ có thể bắt đầu đọc sách cho con nghe hàng ngày. Trẻ sơ sinh sẽ dần dần phản ứng với nhịp điệu nhẹ nhàng của giọng đọc quen thuộc, giống cảm giác khi được ôm ấp trong lòng. Nếu bạn biến việc đọc sách trở thành một phần thói quen hàng ngày của mình, con bạn có thể quen thuộc với điều này.
Thư viện là nơi tuyệt vời để khám phá những cuốn sách mới. Nhiều thư viện cũng có các giờ kể chuyện hoặc chương trình đọc viết cho trẻ em. Những chuyến đi đến thư viện giúp trẻ có cơ hội hình thành thói quen đọc sách hiệu quả.