Bạch tuộc làm từ cao su, bún nhiễm chất tẩy rửa "dọa" người tiêu dùng

Trang Anh,
Chia sẻ

Những tin tức đáng lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm lại một lần nữa khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

Bì heo cơm tấm làm từ da heo bẩn

Ngày 28/9, trạm Thú y huyện Bình Chánh (TP. HCM) đã tiến hành xử phạt hai cơ sở chế biến “chui” da heo số lượng lớn do ông Lê Hoa Khôi và ông Lê Phước Luận cùng ngụ ấp 2 xã Phạm Văn Hai (Huyện Bình Chánh) làm chủ với tổng số tiền là 13 triệu đồng.

Bạch tuộc làm từ cao su, bún nhiễm chất tẩy rửa
Khâu chế biến được thực hiện trên nền gạch dơ bẩn.

Tại cơ sở ông Luận, có một số lượng lớn da heo thành phẩm chất ở nền nhà, trên gác và trên mái tôn, đồng thời phát hiện 505 kg da heo luộc đang được 3 công nhân chế biến giữa nền gạch.

Còn tại cơ sở ông Khôi, đoàn phát hiện 1,5 tấn da heo tươi được chất la liệt trong các thùng xốp, xô nhựa và rải nằm giữa sàn xi măng dơ bẩn. 900 kg da heo đang được muối trong 15 thùng phi nhựa, 270  kg bì heo đã qua chế biến và 300 kg da heo thành phẩm. Một số lượng lớn da heo ngâm trong thùng phi, chất dưới nền xi măng bị ruồi nhặng bu kín và bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Bạch tuộc làm từ cao su, bún nhiễm chất tẩy rửa
Ruồi nhặng bâu kín da heo đang chế biến

Nguồn da heo chủ yếu nhập về từ các mối hàng ở chợ Tân Xuân (Hóc Môn) với giá 10.000 đồng/kg. Hàng nhập về ông Khôi và ông Luận cho công nhân ngâm vào nước đá 12 tiếng đồng hồ, sau đó mang luộc khoảng 15 phút rồi phơi nắng.

Da heo này được chế biến thành bì heo bán ở các quán cơm tấm. Trung bình 5 kg da heo tươi, qua chế biến phơi khô còn 1 kg và bán cho đầu nậu ở Kiên Giang với giá 80.000 đồng/kg.

Bạch tuộc tươi làm từ cao su

Ngày 28-9, anh Võ Văn Hưởng, ngụ ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương, được một người bạn tặng 2 kg bạch tuộc mua từ chợ Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, khi anh dùng dao cắt bạch tuộc thì phát hiện có dấu hiệu khác thường, bởi chúng rất dai, đưa lên mũi ngửi cũng không thấy có mùi tanh như loài bạch tuộc thông thường. Sau đó, anh cắt bạch tuộc để nướng cũng không thấy có mùi vị gì cả, chỉ co nhúm lại như một cục mủ cao su. Anh Hưởng đem hết số bạch tuộc này để gần đống rác nhưng cũng không có một con ruồi nào đến đậu.

Bạch tuộc làm từ cao su, bún nhiễm chất tẩy rửa


Bạch tuộc làm từ cao su, bún nhiễm chất tẩy rửa
Anh Hưởng cùng số bạch tuộc làm từ cao su

Nghi ngờ đây là bạch tuộc được làm giả, anh Hưởng đã nhờ nhiều người nội trợ, người chuyên buôn bán hải sản tươi sống xem giúp thì đều nhận được câu trả lời “bạch tuộc giả”. Còn việc nó được sản xuất từ đâu, làm bằng chất liệu gì không ai biết được.

Anh Hải, một người có kinh nghiệm trong việc mua bán hải sản ở phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết, bây giờ người dân thỉnh thoảng vẫn bị mua nhầm loại bạch tuộc tươi sống bị làm giả. Bạch tuộc giả có màu xám trắng, nhợt nhạt như hàng bị ươn. Phần thân của bạch tuộc lép mỏng và không rõ hình dáng. Râu của bạch tuộc giả rất dài mà mềm nhũn… Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm, rất nhiều người đã mua phải bạch tuộc và nhiều loại hải sản giả khác mà vẫn vui vẻ tin rằng mình đã “vợt” được đồ tươi.

87% bún, bánh nhiễm Tinopal tại Cà Mau

Theo kết quả do Sở Y tế tỉnh công bố, trong 16 mẫu sản phẩm bún, bánh ướt, bánh phở của các cơ sở sản xuất trong tỉnh Cà Mau được Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm gửi mẫu kiểm nghiệm vào ngày 4/9 vừa qua, có đến 14/16 sản phẩm (tức trên 87%) cho kết quả dương tính với chất Tinopal. Điều đáng nói là trong đó các sản phẩm bánh phở, bánh ướt, hủ tiếu đều dương tính với Tinopal, tỷ lệ dương tính Tinopal đối với bún là 83%.

Tinopal là chất dùng trong công nghiệp sản xuất giấy, vải sợi, nhựa, sơn, mực in, mỹ phẩm và được dùng làm chất tẩy rửa trong gia dụng, cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Bạch tuộc làm từ cao su, bún nhiễm chất tẩy rửa
87% mẫu bún, bánh ướt, phở nhiễm tinopal.

Thực tế, hầu hết các cơ sở sản xuất bún, bánh phở, bánh ướt, hủ tiếu trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều nhập nguyên liệu bột ướt được chế biến sẵn từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, vì thế ngoài khả năng trong quá trình sản xuất, chủ cơ sở đưa chất Tinopal vào, thì khả năng nhiễm Tinopal từ bột nguyên liệu là rất lớn.

Theo ông Trần Bé Ngoan, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Cà Mau: “Hầu hết các cơ sở này lấy bột từ Đồng Tháp, Cà Mau, một số cơ sở lấy bột qua ghe lưu động, tức là không có địa chỉ để lại đáng tin cậy nào, chỉ biết tên người, số điện thoại, do vậy bước tiếp theo của Chi cục là truy xuất rõ nguồn gốc bột này ở đâu, từ đó liên hệ với các tỉnh thành có liên quan đến cung cấp nguyên liệu để làm việc”.

Phát hiện thực phẩm chức năng kém chất lượng tại Hà Nội

Ngày 13-9, lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV - CAQ Thanh Xuân phối hợp với Đội QLTT số 12, Chi cục QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 2 gian hàng bày bán các loại sản phẩm chức năng kém chất lượng.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ một số bao bì chứa thực phẩm chức năng mang các nhãn hiệu Traly Bio (men tiêu hóa dành cho trẻ em) và cốm vi sinh Zinci Bio Plus, nghi không đảm bảo chất lượng ghi trên nhãn mác, bao bì sản phẩm. Đây là các gian hàng của một số công ty kinh doanh dược phẩm có trụ sở đóng tại thành phố Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, các gian hàng này không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Bạch tuộc làm từ cao su, bún nhiễm chất tẩy rửa
Thực phẩm chức năng Zinci Bio Plus kém chất lượng.

Ngày 28-9, cơ quan chức năng đã có kết quả giám định, xác định tiêu chuẩn chất lượng thực tế của hai sản phẩm đều không đúng với tiêu chuẩn ghi trên sản phẩm, chỉ đạt dưới 70%.

Điều 4, khoản 1, điểm b, Nghị định 08/2013/NĐ - CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nêu rõ: “Hàng hóa có hàm lượng, định lượng chất chính, tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”, được coi là hàng không có giá trị sử dụng, công dụng và được quy định là hàng giả.

Cơ quan CSĐT - CAQ Thanh Xuân đang phối hợp với lực lượng QLTT số 12 tiếp tục điều tra, làm rõ nguồn gốc số thực phẩm chức năng kém chất lượng đã phát hiện để xử lý.

Tổng hợp từ các nguồn: Tuổi trẻ, Bình Dương Online, VTV News, An Ninh Thủ Đô

Chia sẻ