Bác sĩ sản phụ khoa xinh đẹp lần đầu tiết lộ những tình huống "khó đỡ", chỉ rõ những "thủ phạm" gây vô sinh mà hàng triệu người trẻ đang có

Đậu Đậu,
Chia sẻ

"Tôi từng gặp một cặp vợ chồng trẻ kết hôn đã 3 năm nhưng vẫn chưa có tin vui. Hai vợ chồng chia sẻ rằng kể từ khi kết hôn đến nay vẫn chưa quan hệ tình dục lần nào vì màng trinh của vợ quá dày...".

Giây phút chào đón con yêu chào đời có lẽ là khoảnh khắc xúc động và hạnh phúc nhất trong cuộc đời những cặp vợ chồng hiếm muộn. Trong hành trình tìm con của mình, họ luôn cần có sự đồng hành của các bác sĩ đủ tâm, tài, đức. Vậy có bao giờ bạn tò mò, công việc của những vị bác sĩ đứng sau cánh cửa phòng bệnh, trực tiếp hỗ trợ những ca hiếm muộn sẽ như thế nào? 

Hôm nay, hãy cùng gặp gỡ và trò chuyện với nữ bác sĩ xinh đẹp Trịnh Thị Thuý (bác sĩ sản phụ khoa, Khoa khám bệnh - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội).

Bác sĩ sản phụ khoa xinh đẹp lần đầu tiết lộ những tình huống "khó đỡ" mình từng gặp phải, chỉ rõ những "thủ phạm" gây vô sinh mà hàng triệu người trẻ đang có - Ảnh 1.

Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thuý – Chuyên khoa Sản phụ khoa (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội)

Bén duyên với ngành y chỉ vì tò mò về cái ống nghe của các bác sĩ!

Vì lịch khám và điều trị bệnh của bác sĩ Thúy rất dày đặc nên phải rất khó khăn tôi mới có cơ hội để trò chuyện cùng chị. Là một bác sĩ vừa nổi tiếng "mát tay" lại cực kỳ có tâm trong nghề, bác sĩ Thúy say sưa kể về công việc của mình.

Chị kể, tính đến nay đã có 9 năm gắn bó với chuyên ngành sản phụ khoa, cơ duyên chị đến với nghề y cũng giản đơn và tự nhiên giống như một điều đã được định mệnh sắp đặt từ trước.

Bác sĩ Thúy kể: "Tôi bén duyên với ngành y chỉ vì tò mò về cái ống nghe của các bác sĩ. Bác ruột tôi công tác trong ngành y, mỗi lần khám bệnh cho ai bác đều đặt ống nghe lên ngực, lên lưng người bệnh. Tôi quan sát và thầm nghĩ, ồ nó thật thần kỳ, thì ra chỉ cần dùng nó là biết hết mọi loại bệnh trên đời".

Bác sĩ Thúy vui vẻ nhớ lại: "Có 1 lần bác không để ý, tôi đã lén lấy ống nghe đặt lên tai. Thật kỳ diệu, tôi nghe thấy tiếng bùm tặc, bùm tặc (thình thịch) của trái tim khi đặt ống nghe lên ngực, tiếng rì rào của phổi khi đặt ống nghe lên lưng và tiếng lục bục của nhu động ruột khi đặt ống nghe lên bụng. Tôi tự hỏi, tại sao mỗi vị trí đặt ống nghe lại thấy tiếng khác nhau, và tiếng đó là tiếng gì. Tôi đi hỏi bố, bố tôi bảo làm bác sĩ thì mới biết được. Vậy là từ đó, tôi quyết định mình sẽ đi làm bác sĩ".

Bác sĩ sản phụ khoa xinh đẹp lần đầu tiết lộ những tình huống "khó đỡ", chỉ rõ những "thủ phạm" gây vô sinh mà hàng triệu người trẻ đang có - Ảnh 2.

Tốt nghiệp cấp 3, bác sĩ Thúy thi đỗ Đại học Y Thái Bình với số điểm cao và bắt đầu hiện thực hóa ước mơ của mình. Thời sinh viên của chị có vô vàn kỷ niệm đáng nhớ. Sáng học lâm sàng, chiều học lý thuyết, tối đi trực. Quanh năm suốt tháng cặm cụi học và cặm cụi thi. Vất vả là thế nhưng sinh viên Y thì có nhiều kỷ niệm đặc thù mà các ngành khác không có.

"Ví dụ như vào năm thứ 2 đại học (trong trường y gọi là Y2), chúng tôi học môn giải phẫu người, trong buổi thực hành đầu tiên chúng tôi sửng sốt thấy thầy giáo ôm rất nhiều loại xương người vào lớp. Lúc đầu thì chúng tôi sợ, không ai dám động vào, sau một hồi làm quen, thậm chí chúng tôi còn giành nhau xem ai chọn được khúc xương hoàn hảo nhất, xương của ai đẹp hơn, mới hơn", BS Thúy nói.

Bác sĩ sản phụ khoa xinh đẹp lần đầu tiết lộ những tình huống "khó đỡ", chỉ rõ những "thủ phạm" gây vô sinh mà hàng triệu người trẻ đang có - Ảnh 3.

Rồi những ngày đi thực tập cũng tới, nó để lại cho bác sĩ Thúy rất nhiều kỉ niệm, kể cả những nỗi ám ảnh: "Thời sinh viên tôi bị ám ảnh bởi trường hợp một gia đình có 3 con nhỏ, do bố mẹ thiếu hiểu biết, nên đã đi mua thuốc nam, thuốc bắc của một ông lang nào đó trên miền núi về cho các con uống cho nhanh tăng cân. Kết quả là cả 3 bé đều bị ngộ độc kim loại nặng và không qua khỏi. Bố mẹ chúng hối hận và đau khổ đến mức gần như phát điên, điều đó đã ám ảnh mãi trong tâm trí tôi, trở thành nỗi băn khoăn làm thế nào để nâng cao kiến thức người dân và có thể cứu chữa cho nhiều người nhất có thể".

Từng có ý định theo đuổi chuyên ngành nội tim mạch. Nhưng sau cùng, bác sĩ Thúy lại lựa chọn theo đuổi và gắn bó với sản phụ khoa vì nhận ra được xứ mệnh thiêng liêng của bác sĩ sản với các sản phụ trên hành trình mang thai đầy vất vả và đưa các em bé đến với thế giới này.

Những câu chuyện khó đỡ, những tình huống trong nghề buộc phải chọn lựa

Sau khi ra trường, bác sĩ Thúy có 5 năm làm giảng viên bộ môn phụ sản - trường Đại học Y Dược Thái Bình và tham gia khám chữa bệnh tại Bệnh viện trường Đại học Y Thái Bình và Bệnh viện phụ sản Thái Bình. Sau đó, chị chuyển đến công tác tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, mong muốn sẽ được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình giúp các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn tiếp cận được sớm nhất, chính xác nhất những vấn đề của bản thân.

Bác sĩ sản phụ khoa xinh đẹp lần đầu tiết lộ những tình huống "khó đỡ" mình từng gặp phải, chỉ rõ những "thủ phạm" gây vô sinh mà hàng triệu người trẻ đang có - Ảnh 2.

Trong quá trình công tác, bác sĩ Thúy đã tiếp xúc và trực tiếp thăm khám cho rất nhiều bệnh nhân nhưng cũng có vài trường hợp để lại cho chị ấn tượng sâu sắc.

"Đó là một cặp vợ chồng trẻ kết hôn đã 3 năm nhưng vẫn chưa có tin vui. Khi tôi khai thác thông tin, hai vợ chồng chia sẻ rằng kể từ khi kết hôn đến nay vẫn chưa quan hệ tình dục lần nào vì mỗi lần quan hệ, người vợ bị đau rát âm hộ. Do e ngại nên hai vợ chồng không dám đi khám. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, kết quả cho thấy sức khoẻ sinh sản của hai vợ chồng hoàn toàn bình thường, chỉ có điều màng trinh của người vợ quá dày nên 2 vợ chồng gặp nhiều khó khăn khi giao hợp. Vì vậy tôi đã tiến hành chích rạch màng trinh cho bệnh nhân. 3 tháng sau hai vợ chồng thông báo tin vui là đã có thể quan hệ vợ chồng bình thường, người vợ đã mang thai đứa con đầu lòng".

Bác sĩ sản phụ khoa xinh đẹp lần đầu tiết lộ những tình huống "khó đỡ" mình từng gặp phải, chỉ rõ những "thủ phạm" gây vô sinh mà hàng triệu người trẻ đang có - Ảnh 3.

Trong sự nghiệp của mình, bác sĩ Thúy cũng đã từng phải đối mặt với những sự lựa chọn đầy khó khăn: "Tôi từng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 39 tuổi, ở Bắc Giang. Chị này đã kết hôn 14 năm nhưng chưa có con. Trong lần chuyển phôi đầu tiên, bệnh nhân may mắn đậu thai đôi nhưng đáng tiếc là chỉ có một thai làm tổ trong buồng tử cung, thai còn lại làm tổ tại ống cổ tử cung. Đây là một vị trí chửa ngoài tử cung rất nguy hiểm, khó điều trị, có nguy cơ mất máu nhiều gây nguy hiểm tính mạng mẹ. Trong trường hợp này, để cứu người mẹ, tôi bắt buộc phải lựa chọn hút hết cả 2 thai.

Nhưng, nếu hút thai tại ống cổ tử cung mà vẫn không cầm được máu, các bác sĩ sẽ phải cắt tử cung của bệnh nhân. Trong khi đó, bệnh nhân đã lớn tuổi và chưa có con nên chúng tôi rất băn khoăn. Khi đó, bệnh nhân liên tục khóc và xin cứu con. Tôi và ekip đã tiến hành hội chẩn cùng ban giám đốc của bệnh viện, cuối cùng đưa ra quyết định mạo hiểm: Chỉ được hút thai tại ống cổ tử cung, sử dụng tối đa các biện pháp cầm máu cơ học, không đụng chạm đến thai trong buồng tử cung để cố gắng giữ 1 thai cho bệnh nhân".

BS Thuý chia sẻ, đây là lần đầu tiên mình thực hiện thủ thuật này, thao tác yêu cầu phải vô cùng tỉ mỉ và chính xác, áp lực hút không đủ mạnh sẽ không lấy được thai ở ống cổ tử cung, sẽ không cầm được máu; ngược lại nếu áp lực hút cao quá sẽ hút cả thai trong buồng tử cung, hoặc chỉ cần ống hút đi sâu vào buồng tử cung một chút thôi cũng sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi khỏe mạnh.

Sau quá trình dài đầy căng thẳng, các BS đã hút thành công thai ở ống cổ tử cung và giúp bệnh nhân cầm máu, đồng thời giữ an toàn cho thai nhi trong buồng tử cung. Sau khi được truyền máu và nằm theo dõi tại bệnh viện 1 tuần, sức khoẻ bệnh nhân và thai đã ổn định. Rất may mắn, quá trình mang thai sau đó của bệnh nhân này thuận lợi và thành công sinh được 1 bé gái khoẻ mạnh.

Bác sĩ sản phụ khoa xinh đẹp lần đầu tiết lộ những tình huống "khó đỡ" mình từng gặp phải, chỉ rõ những "thủ phạm" gây vô sinh mà hàng triệu người trẻ đang có - Ảnh 3.

Một trường hợp đáng tiếc khác mà bác sĩ Thúy từng tiếp nhận đó là 2 vợ chồng trẻ tuổi, thực hiện IVF vì chồng quai bị biến chứng viêm teo tinh hoàn, xuất tinh không có tinh trùng và được tiến hành mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE tại bệnh viện. Vợ chồng tạo được 10 phôi tốt. Lần đầu chuyển phôi, người vợ may mắn đậu 3 thai. Khi thai 7 tuần, các bác sĩ đã cố gắng thuyết phục bệnh nhân giảm bớt 1-2 thai để đảm bảo an toàn, vì đa thai nguy cơ sảy thai, đẻ non rất cao. 

Nhưng sau khi bàn bạc, gia đình bệnh nhân đã quyết định không giảm thai. Mặc dù bệnh viện đã khám và theo dõi thai rất sát sao nhưng cuối cùng bệnh nhân phải nhập viện vì đau bụng dồn dập. Thăm khám cho thấy cơn co tử cung nhanh và mạnh, cổ tử cung đã mở hết, lúc đó thai mới 20 tuần và bệnh nhân đã mất cả 3 thai.

Theo bác sĩ Thúy, trong y học nói chung bất cứ một kỹ thuật nào, dù đơn giản hay phức tạp đều ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khoẻ người bệnh. Chỉ cần một thao tác sai sót nhỏ, thì từ đơn giản cũng có thể trở thành phức tạp, nặng nề và gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy nghề bác sĩ yêu cầu sự cẩn thận, tỉ mỉ, thành thục trong mọi kỹ thuật từ thăm khám, đưa ra chẩn đoán, hướng điều trị, đến thực hiện các kỹ thuật như siêu âm, tiến hành các thủ thuật, phẫu thuật và không bao giờ có tâm lý chủ quan khi tiến hành các kỹ thuật đó trên bệnh nhân.

Bác sĩ sản phụ khoa xinh đẹp lần đầu tiết lộ những tình huống "khó đỡ" mình từng gặp phải, chỉ rõ những "thủ phạm" gây vô sinh mà hàng triệu người trẻ đang có - Ảnh 4.

Theo bác sĩ Thúy, tình trạng vô sinh hiện nay càng ngày càng gia tăng có lẽ do liên quan đến những thay đổi trong đời sống xã hội thời hiện đại.

Sự tâm đắc, chỉn chu của bác sĩ Thúy thể hiện trong những bài báo cáo khoa học. Trong đó, bài báo cáo mà bác sĩ tâm đắc nhất là về "Hiệu quả của phương pháp kết hợp acid hyaluronic và dụng tử cung trong dự phòng tái dính buồng tử cung sau phẫu thuật trên bệnh nhân vô sinh". 

Kết quả của công trình nghiên cứu này đã cho thấy, khi kết hợp gel chống dính với dụng cụ tử cung và liệu pháp hormone sau phẫu thuật tách dính buồng tử cung, đã làm giảm tỷ lệ tái dính từ 40-60%, xuống còn 20-30%. Công trình này là một bước ngoặt giúp cải tiến phương pháp điều trị dính buồng tử cung tại bệnh viện và Việt Nam, rất nhiều bệnh nhân dính buồng tử cung đã có thể mang thai được sau phẫu thuật.

Bác sĩ sản phụ khoa xinh đẹp lần đầu tiết lộ những tình huống "khó đỡ" mình từng gặp phải, chỉ rõ những "thủ phạm" gây vô sinh mà hàng triệu người trẻ đang có - Ảnh 6.

Bác sĩ sản phụ khoa xinh đẹp lần đầu tiết lộ những tình huống "khó đỡ" mình từng gặp phải, chỉ rõ những "thủ phạm" gây vô sinh mà hàng triệu người trẻ đang có - Ảnh 9.

Trong tương lai, chắc chắn bác sĩ Thúy vẫn còn tiếp tục đồng hành cùng các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Chị dự định sẽ học tập thêm những kỹ thuật mới để hoàn thiện tay nghề. Cũng như sẽ chú tâm hơn trong công tác nghiên cứu khoa học để tìm ra những giải pháp điều trị hiệu quả hơn, giúp ích được cho nhiều bệnh nhân hơn nữa và sẽ ngày càng nâng cao vị thế, uy tín của bệnh viện.

Cùng chúc bác sĩ Thúy có thật nhiều sức khỏe, luôn yêu và tâm huyết với nghề!

Chia sẻ