Bác sĩ BV Đa khoa Xanh Pôn: Vắc-xin phòng lao liệu có ngăn ngừa được virus SARS-CoV-2?
Vắc-xin BCG, một "cựu chiến binh" tròn 100 tuổi được dùng cho trẻ nhỏ để phòng ngừa bệnh lao, gần đây lại “xung phong ra chiến trường” chống lại virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Có một căn bệnh khác, từ rất lâu, đã nằm trong số 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới.
Tên của căn bệnh đó là lao. Trong quá khứ, con người đã tìm thấy cái bóng của lao, từ những xác ướp Ai Cập cổ đại ở thời kì sớm nhất.
Vào ngày 24 tháng 3 năm 1882, tại cuộc họp của Hiệp hội Sinh lý học Berlin, Robert Koch đã đọc luận án về việc phát hiện ra trực khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis.
Cuối năm 1995: WHO đã chọn ngày 24 tháng 3 hàng năm là Ngày Lao Thế giới.
Đầu thế kỷ 20, các nhà vi trùng học Albert Calmette và Camille Guérin đã sử dụng trực khuẩn lao ở bò (Mycobacterium Bovis) để phát triển vắc-xin vi khuẩn sống, BCG là viết tắt của chữ ‘Bacillus Calmette–Guérin’.
Vắc-xin BCG, một "cựu chiến binh" tròn 100 tuổi được dùng cho trẻ nhỏ để phòng ngừa bệnh lao, gần đây lại "xung phong" ra chiến trường chống lại virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Vắc-xin cũ liệu có ngăn ngừa được virus mới?
COVID-19 đang bùng phát trên thế giới, sau 4 tháng đã có 1,2 triệu người mắc, hơn 64.000 người qua đời. Tại Việt Nam tổng số 240 ca mắc bệnh COVID, chưa có trường hợp nào tử vong.
Nhưng bệnh lao thì ít người chú ý!
Theo số liệu của USAID: Việt Nam mỗi năm có khoảng 180.000 người bị lao thể hoạt động, trong đó có 5.000 trường hợp lao kháng thuốc, hơn 17.000 người tử vong do lao.
Không giống như chiến đấu chống lại bệnh COVID-19, con người có một lịch sử lâu dài chống lại bệnh lao. Từ năm 1921, vắc-xin BCG chính thức được sử dụng để tiêm cho người trong việc phòng bệnh lao.
BCG cho đến nay vẫn là vắc-xin lao duy nhất được phê duyệt.
Tại sao các nhà khoa học nghĩ đến việc sử dụng vắc-xin BCG để chống lại sự lây nhiễm của SARS-CoV-2?
Để trả lời câu hỏi trên, trước tiên chúng ta phải hiểu cơ chế tác động của vắc-xin.
Khi tiêm vắc-xin vào cơ thể, các tế bào trong hệ thống miễn dịch còn gọi là "miễn dịch bẩm sinh" sẽ nhanh chóng phát động tấn công, đây là cuộc tập trận rất có giá trị mà chắc chắn hệ thống miễn dịch sẽ thắng giòn giã. Sau trận đánh, các tế bào miễn dịch đã có được những kinh nghiệm quý báu, sẽ gọi là "miễn dịch thu được", các tế bào T và B đã biết cách sản xuất kháng thể làm vũ khí tham gia trận chiến. Khi mầm bệnh cuối cùng được loại bỏ, các tế bào miễn dịch sẽ ghi lại vào "bộ nhớ" đặc điểm của mầm bệnh. Lần tiếp theo, nếu vi khuẩn tương tự xâm nhập, các tế bào T và B sẽ phản ứng nhanh chóng, chính xác để tiêu diệt kẻ thù.
Như vậy có thể thấy, sự phát triển của vắc-xin dựa trên cơ chế "bộ nhớ" của miễn dịch mắc phải.
Giáo sư Mihai Netea, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Radboud, Hà Lan cho biết cơ chế hoạt động của vắc-xin BCG có thể vượt ra ngoài mong đợi.
Một số bằng chứng nghiên cứu trước đây cho thấy, phản ứng miễn dịch do BCG gây ra có thể rất kì lạ. Theo lời của Giáo sư Mihai Netea, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Radboud ở Hà Lan, cơ chế hoạt động của BCG có thể đã phá vỡ kiến thức về các nguyên tắc miễn dịch trong sách giáo khoa.
Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Netea dẫn đầu đã phát hiện ra rằng, BCG khi tiêm vào da có thể tồn tại trong vài tháng, nó không chỉ kích thích tế bào T và B của "bộ nhớ" trực khuẩn lao mà còn kích thích các tế bào chịu trách nhiệm miễn dịch bẩm sinh đã ngủ quên trong một thời gian dài, để nhanh chóng trở thành đội phản ứng nhanh với các tác nhân gây bệnh mới.
Giáo sư Netea và các đồng nghiệp gọi đó là "miễn dịch có đào tạo chính quy".
Trên cơ sở này, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Netea dẫn đầu đã công bố một nghiên cứu vào năm 2018, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, có đối chứng giả dược cho thấy rằng tiêm vắc-xin BCG có thể ngăn ngừa nhiễm virus gây bệnh sốt vàng.
Tác dụng của vắc-xin BCG vượt ra khỏi phạm vi phòng chống bệnh lao đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học. Ngoài virus gây bệnh sốt vàng, còn có các virus khác như herpes và plasmodium cũng cho thấy vắc-xin BCG có thể làm giảm tỉ lệ mắc hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Dựa trên nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, Giáo sư Netea và các nhà khoa học khác tin rằng trong dịch bệnh COVID-19 do tác nhân SARS-CoV-2 gây ra, có thể hy vọng rằng vắc-xin BCG sẽ tạo ra một loạt các tác dụng chống lây nhiễm.
Theo một bài báo của Tiến sĩ Aaron Miller, Viện Công nghệ New York thuộc Đại học Y học Chỉnh hình, đăng trên MedRxiv ngày 24 tháng 3 năm 2020 đã công bố kết quả của một nghiên cứu dịch tễ học về mối liên hệ giữa tiêm phòng bệnh lao (BCG) và giảm tỉ lệ mắc bệnh, tỉ lệ tử vong do COVID-19.
Nghiên cứu ban đầu này cho thấy, có mối liên quan khá rõ rệt giữa tiêm phòng vắc-xin BCG và bệnh COVID-19 ở những quốc gia dịch bệnh đang hoành hành nghiêm trọng như Mỹ, Ý, Lebanon, Nederland và Bỉ là những nơi không có chính sách tiêm chủng mở rộng đối với lao sẽ bị nhiễm SARS-CoV-2 nghiêm trọng, còn những nơi có thực hiện tiêm chủng lao mở rộng nhiều năm nay thì nguy cơ mắc và tử vong thấp hơn.
Theo tin tức từ Science, nhóm nghiên cứu Hà Lan do Giáo sư Marc Bonten dẫn đầu đã thực hiện tiêm vắc-xin BCG và giả dược cho 1.000 nhân viên y tế tình nguyện tại 8 bệnh viện Hà Lan.
Ngoài ra, tại Úc, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Melbourne sẽ sử dụng cùng một giao thức để thực hiện thử nghiệm lâm sàng ở 4.000 nhân viên y tế tình nguyện. Đại học Exeter ở Vương quốc Anh cũng có kế hoạch thực hiện một nghiên cứu tương tự ở người cao tuổi.
Một nhóm nghiên cứu khác tại Viện Sinh học Truyền nhiễm Max Planck ở Đức tuyên bố rằng, lấy cảm hứng từ nghiên cứu của Netea, họ sẽ sử dụng một loại vắc-xin chống lao khác là VPM1002, một loại vắc-xin BCG biến đổi gen để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng tương tự ở người già và nhân viên y tế.
BS. Trần Văn Phúc (Bệnh viên Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội)
Tiến sĩ Eleanor Fish, một nhà miễn dịch học nổi tiếng tại Đại học Toronto, Canada nhận xét rằng, ông tin vắc-xin BCG có thể không ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm SARS-CoV-2, nhưng nó có khả năng làm giảm tác động của virus đến từng cá nhân. Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu hy vọng rằng trước khi xuất hiện vắc-xin đặc hiệu SARS-CoV-2, việc tiêm vắc-xin bằng BCG có thể làm giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Vắc-xin BCG có làm giảm nguy cơ mắc, mức độ trầm trọng, giảm tỉ lệ tử vong của bệnh COVID-19 hay không? Tất cả mới chỉ là suy đoán ban đầu của các nhà khoa học, việc nghiên cứu thực nghiệm cũng mới chỉ triển khai được vài ngày và chỉ khi nghiên cứu xong mới có được câu trả lời chính xác.
Chúng ta hãy chờ xem!
Nguồn: https://ltus.me/EA