Bà nội hỏi một tháng kiếm được bao nhiêu, tôi định nói 50 triệu nhưng mẹ đạp chân một cái, tôi liền trả lời: 10 triệu!
Cái đạp chân của mẹ khiến tôi có nhiều suy ngẫm.
* Dưới đây là tâm sự của một người đàn ông trên Vương Chí Viễn trên nền tảng Baijiahao (Trung Quốc).
Tôi tên là Vương Chí Viễn, năm nay 32 tuổi, tốt nghiệp đại học, chưa kết hôn. Hiện tôi đang làm lập trình viên tại một công ty Internet ở một thành phố nhỏ. Tuy chỉ là một nhân viên bình thường, nhưng nhờ vào kinh nghiệm tích lũy và nỗ lực trong nhiều năm qua, mức lương của tôi đã đạt mức trên dưới 14.000 tệ/tháng (khoảng 50 triệu đồng), được coi là mức thu nhập trung bình khá ở địa phương.
Tôi sinh ra trong một huyện nhỏ, gia đình không quá đông người, bố mẹ tôi đều là công nhân cần cù, đã vất vả làm lụng trong nhà máy để nuôi tôi ăn học đến đại học. Tôi là con một trong nhà, từ nhỏ đã được kỳ vọng rất nhiều. Bố mẹ mong tôi thi đỗ đại học, rời khỏi quê hương để có một cuộc sống tốt hơn.
Nhưng điều đặc biệt nhất trong gia đình tôi là tính tiết kiệm đến kỳ lạ của mẹ tôi.
Cả đời bà đã quen sống tằn tiện, không quan tâm gia cảnh ra sao, lúc nào bà cũng nghĩ rằng phải tiết kiệm, không được tiêu pha tùy tiện. Khi còn nhỏ, hầu hết quần áo của tôi đều là đồ cũ của anh họ để lại. Tiền tiêu vặt thì ít đến mức muốn mua một cây kem cũng phải qua hàng loạt "cửa kiểm duyệt" của mẹ.
Thôi nói chuyện quá khứ, lâu rồi tôi không về quê, lần này tôi về vì mừng thọ 80 tuổi của bà nội. Bà vẫn còn minh mẫn và sống ở quê. Bố mẹ tôi đã về trước vài ngày để chuẩn bị, còn tôi vì bận công việc nên hai ngày sau mới về đến nhà.
Trong bữa cơm, bà nội đột nhiên hỏi về thu nhập của tôi.
Khi tôi vừa định trả lời thì một bàn chân đột nhiên đạp mạnh lên mu bàn chân tôi, tôi cúi xuống nhìn, hóa ra là mẹ tôi. Bà dùng ánh mắt ra hiệu bảo tôi đừng nói quá nhiều. Tôi hơi sững lại, rồi buột miệng đáp: "3.000 tệ (khoảng 10 triệu đồng) ạ".
Tôi không hiểu phản ứng của mẹ. Dù sao mức lương 13.000-14.000 tệ ở quê cũng không phải chuyện gì quá to tát, tôi cũng không nghĩ có gì cần phải giấu. Nhưng khi nhìn thấy ánh mắt đầy cảnh báo của mẹ, tôi không dám nói thêm gì nữa.
Bà nội nghe xong thì thở dài: "Ôi, thời nay kiếm tiền không dễ nhỉ, lương chỉ có vậy thì làm sao mà sống hả con?".
Mẹ tôi lập tức tiếp lời: "Đúng vậy đó mẹ, bây giờ giới trẻ áp lực lắm, lương cũng không cao".
![Bà nội hỏi một tháng kiếm được bao nhiêu, tôi định nói 50 triệu nhưng mẹ đạp chân một cái, tôi liền trả lời: 10 triệu!- Ảnh 1. Bà nội hỏi một tháng kiếm được bao nhiêu, tôi định nói 50 triệu nhưng mẹ đạp chân một cái, tôi liền trả lời: 10 triệu!- Ảnh 1.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/11/17390766156761000015049-1739241443515-17392414439881237633997.jpg)
Ảnh minh họa
Sau bữa cơm, tôi tranh thủ kéo mẹ ra một góc và hỏi nhỏ: "Mẹ, sao mẹ không cho con nói thật? Rõ ràng con nhận lương 13.000 tệ mà".
Mẹ tôi liếc nhìn tôi rồi nói nhỏ: "Chẳng biết gì cả, con mà nói 13.000 tệ thì ngày mai cả họ sẽ biết, rồi vài hôm nữa thế nào cũng có người đến vay tiền con cho coi!".
Tôi cau mày, cảm thấy mẹ hơi phóng đại. Nhưng nghĩ kỹ lại về họ hàng nhà tôi, có lẽ mẹ tôi không hề nói quá. Họ hàng bên nội của tôi có mối quan hệ khá phức tạp.
- Bác cả kinh tế không khá giả, anh họ tôi thi trượt đại học, giờ làm công việc tay chân ở huyện, thu nhập không cao.
- Chú hai càng thảm hơn, trước đây kinh doanh thất bại, nợ nần chồng chất, hai đứa con vẫn còn đi học, cuộc sống khá chật vật.
Vậy nên, lo lắng của mẹ không phải vô lý. Bà luôn coi trọng vấn đề tiền bạc, từ nhỏ đã dạy tôi rằng: "Tiền là của con, không thể tùy tiện cho người khác vay".
Theo quan điểm của bà:
- Có 100 tệ, người khác biết thì sẽ muốn vay 50.
- Có 1.000 tệ, người khác biết thì sẽ muốn vay 500.
Quả nhiên, ngay ngày hôm sau, khi tôi sang thăm nhà chú thím, thím hai đã lấp lửng dò hỏi trong bữa cơm: "Chí Viễn à, con làm trên thành phố, lương tháng thế nào? Có đủ tiêu không?".
Tôi lặp lại lời mẹ dặn: "Cũng tạm được thím ạ, 3.000 tệ, vừa đủ sống".
Thím hai nghe vậy thì thở dài, có vẻ hơi thất vọng: "Haizz, bây giờ tiêu tiền nhanh lắm, nhà thím còn hai đứa nhỏ đang đi học, học phí làm thím lo sốt vó đây này".
Tôi giả vờ ngơ ngác rồi chỉ cười trừ, không trả lời.
Nhưng chuyện vẫn chưa dừng lại.
Tối đó, mẹ lại kéo tôi ra nói nhỏ: "Thấy chưa? Mới có một ngày mà thím hai đã bắt đầu bóng gió rồi đó. Nếu con nói thật là con kiếm được 14.000, chưa biết chừng họ còn có ý định khác!".
Tôi thở dài: "Mẹ à, nhưng con cũng đâu có dư dả gì mà cho vay?".
Mẹ tôi lắc đầu: "Con không hiểu đâu, nợ tình cảm là thứ khó trả nhất. Nếu con cho vay, không đòi thì tiếc tiền, mà đòi thì người ta lại bảo con nhỏ mọn. Cách tốt nhất là từ đầu đừng để ai biết con có tiền".
Tôi lặng người.
![Bà nội hỏi một tháng kiếm được bao nhiêu, tôi định nói 50 triệu nhưng mẹ đạp chân một cái, tôi liền trả lời: 10 triệu!- Ảnh 2. Bà nội hỏi một tháng kiếm được bao nhiêu, tôi định nói 50 triệu nhưng mẹ đạp chân một cái, tôi liền trả lời: 10 triệu!- Ảnh 2.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/11/13935539950141393553995014r-1739076947808204365193-1739241444720-17392414448321389335941.jpg)
Ảnh minh họa
Khi còn nhỏ, tôi từng cảm thấy mẹ quá keo kiệt, quá tính toán. Nhưng khi lớn lên, tôi mới nhận ra sự cẩn trọng của bà không hề dư thừa.
Ở quê thêm vài ngày, tôi nhận ra họ hàng ai cũng tò mò về thu nhập của tôi, liên tục dò hỏi. Nhưng tôi vẫn giữ nguyên câu trả lời "3.000 tệ", không để lộ điều gì.
Trước hôm trở lại thành phố, mẹ bí mật dúi vào tay tôi một phong bì: "Cầm đi, trên đường có gì thì mua mà ăn".
Tôi mở ra xem, bên trong có tận 1.000 tệ (khoảng 3,5 triệu đồng)! Tôi giật mình, vội trả lại: "Mẹ giữ lấy đi, con kiếm tiền nhiều hơn mẹ mà".
Mẹ tôi vỗ nhẹ lên tay tôi, nói nhỏ: "Mẹ biết con không thiếu tiền, nhưng mẹ sợ con thiệt thòi. Ở ngoài làm việc vất vả, phải biết giữ tiền cho mình".
Lúc ấy, tôi thấy lòng mình chua xót. Từ nhỏ, tôi đã nghĩ mẹ keo kiệt, tính toán, không rộng rãi. Nhưng đến bây giờ tôi mới hiểu, sự cẩn thận ấy đều xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn bảo vệ tôi.
Sau khi về lại thành phố, cuộc sống của tôi quay lại guồng bình thường. Nhưng trải nghiệm lần này khiến tôi hiểu sâu sắc một điều: Tiền không phải vạn năng, nhưng không có tiền thì rất khó đi xa.
Quan hệ họ hàng trong gia đình, khi dính đến tiền bạc, sẽ trở nên vô cùng nhạy cảm. Từ giờ trở đi, tôi sẽ học theo mẹ, biết giấu đi sự sắc bén khi cần thiết. Lần sau về quê, nếu bà nội lại hỏi về thu nhập của tôi, chắc chắn tôi sẽ vẫn trả lời: "3.000 tệ".
Trải nghiệm lần này không chỉ khiến tôi hiểu hơn về cách đối nhân xử thế mà còn giúp tôi nhận ra một bài học sâu sắc về giáo dục gia đình. Mẹ tôi không chỉ dạy tôi tiết kiệm hay cảnh giác với chuyện tiền bạc, mà thực chất bà đang dạy tôi cách bảo vệ bản thân, cách sống khôn ngoan trong xã hội.
Trong quá trình trưởng thành, tôi từng nghĩ mẹ quá tính toán, không thoáng đạt như những bậc phụ huynh khác. Nhưng giờ đây, tôi hiểu rằng: Dạy con cách kiếm tiền quan trọng, nhưng dạy con cách giữ tiền còn quan trọng hơn. Lòng tốt cần đặt đúng chỗ, giúp đỡ người khác cũng cần có nguyên tắc, không thể vì cả nể mà làm khó chính mình. Trong gia đình, có những điều không nhất thiết phải chia sẻ quá nhiều, giữ lại một phần riêng tư chính là cách bảo vệ bản thân.
Tôi từng nghĩ thành công là kiếm được nhiều tiền, nhưng mẹ tôi đã cho tôi thấy rằng thành công thực sự là biết cách sống bình yên, vững vàng giữa cuộc đời nhiều biến động.
Sau này, nếu có con, tôi cũng muốn dạy con mình những bài học như mẹ đã dạy tôi:
- Độc lập về tài chính, không phụ thuộc vào ai.
- Biết kiểm soát tiền bạc, không phung phí nhưng cũng không quá hà tiện.
- Biết cách từ chối khi cần, tránh những rắc rối không đáng có.
- Giữ gìn các mối quan hệ nhưng không để bản thân bị lợi dụng.
Mẹ tôi không có học thức cao, nhưng bà có một sự thông minh từ thực tế cuộc sống, và tôi biết rằng đó mới chính là những bài học quý giá nhất mà tôi có thể mang theo suốt đời.