Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, Công ty CP Đại Nam có bị ảnh hưởng?
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.
Sẽ làm giảm uy tín của doanh nghiệp về mặt hình ảnh
Bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) vừa bị khởi tố, và tạm giam về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, đối với công ty cổ phần thì Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Theo luật sư Bình, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.
Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
"Nếu bà Hằng là Tổng Giám đốc của công ty thì Hội đồng quản trị có thể bổ nhiệm một Tổng Giám đốc khác trong thời gian tới. Trường hợp bà Hằng vừa là Tổng Giám đốc vừa là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp)", luật sư Bình phân tích.
Đồng quan điểm, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, về mặt quản lý, khi người đại diện pháp luật bị khởi tố bị can và tạm giam thì việc quản lý điều hành doanh nghiệp có thể sẽ giao cho cấp phó thực hiện hoặc do Hội đồng quản trị quyết định người tạm thay thế.
"Và điều quan trọng hơn là việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt sẽ dẫn đến làm giảm uy tín của doanh nghiệp về mặt hình ảnh; có thể ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch, ký kết của công ty, quá trình phát triển công ty trong tương lai...", luật sư Tùng chia sẻ.
Trước đó, tối 24/3, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trước khi bị bắt, nhiều cá nhân đã làm đơn tố giác tội phạm, đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Phương Hằng. Một trong số những người này là những nhân vật nổi tiếng như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nhà báo Đức Hiển (Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM), nhà báo Hàn Ni (Báo Sài Gòn Giải Phóng), ca sĩ Vy Oanh...
Từ đầu năm 2021 đến nay, bà Nguyễn Phương Hằng còn thường xuyên livestream chửi bới, bôi xấu nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và cho rằng họ ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt năm 2020 như nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành…
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận các nghệ sĩ, ca sĩ không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung nên không khởi tố vụ án hình sự.