Bà mẹ Hải Phòng bật mí BÍ KÍP dạy con cực hay: Đầu tiên giáo dục đạo đức, thứ nữa là tính tự lập, sẵn sàng "nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình"
Dù công việc kinh doanh bận rộn nhưng chị Vân Anh – mẹ của 3 bé đã áp dụng phương pháp giáo dục khoa học vừa giúp con phát triển toàn diện, vừa giúp bản thân không rơi vào mệt mỏi, căng thẳng.
Hành trình nuôi con khôn lớn không chỉ đơn thuần là trách nhiệm với các ông bố, bà mẹ mà còn là một "cuộc phiêu lưu" kỳ thú, chứa nhiều điều hạnh phúc. Trong quá trình nuôi dạy trẻ, cha mẹ sẽ đối mặt với nhiều điều mới mẻ, nhiều vấn đề phát sinh. Trải nghiệm làm mẹ là điều tuyệt vời và cũng là đặc ân quý giá của mỗi người phụ nữ.
Dù nhiều lúc mệt mỏi, áp lực, chán chường nhưng vì con, mọi bà mẹ đều vươn lên, mạnh mẽ vượt qua. Với họ, hành trình làm mẹ tuy chông gai nhưng rất đỗi thiêng liêng, diệu kỳ. Mỗi người mẹ lại có cho riêng mình những phương pháp giáo dục khác nhau. Nhưng điều cuối cùng họ đều mong con khôn lớn, đủ bản lĩnh đối mặt với sóng gió cuộc đời.
Chị Bùi Vân Anh, 32 tuổi, sinh sống ở TP. Hải Phòng cũng có những trải nghiệm tuyệt vời khi là mẹ của 3 bé: 2 bé đầu sinh đôi, năm nay 5 tuổi tên là Đậu và Đỗ; bé thứ 3 được hơn 2 tuổi tên là Vừng. Từ đầu năm 2022, chị chuyển đổi từ công việc kinh doanh nôi cũi cho bé sang công việc mới để có thời gian linh hoạt dành cho con cái. Hiện chị đang quản lý hệ thống kênh truyền thông online có tiếng tại Hải Phòng.
Hãy cùng chúng tôi lắng nghe bà mẹ 3 con chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy con để giúp con phát triển toàn diện!
TÔN TRỌNG BẢN NGÃ VÀ LUÔN GIÁO DỤC CON TRỞ THÀNH NGƯỜI TỬ TẾ
- Quan điểm trong việc định hướng tính cách, lối sống cho các con của chị như thế nào? Chị đặt nguyên tắc nào lên hàng đầu?
Chị có 3 bé nhưng mỗi bé lại là một thế giới khác nhau. Các con dù sinh đôi cũng có tính cách và số phận khác nhau. Quan điểm của chị trước hết là tôn trọng bản ngã của con. Việc của cha mẹ là đồng hành, đưa ra định hướng phù hợp cho hành trình trưởng thành của con.
Chị chú trọng tới cốt lõi của con, giống như khi xây nhà ta chú ý tới nền móng tốt. Chị tập trung giáo dục để các con trở thành người có đạo đức tốt, sống tử tế, phát triển tư duy độc lập. Khi tới tuổi thành niên, các con sẽ có quan điểm sống cá nhân, biết khiêm nhường và luôn trong tâm thế học hỏi.
Để xây dựng được điều cốt lõi như vậy, chị chú trọng tới văn hoá gia đình, nhà trường. Trong gia đình, cha mẹ cần có lời nói, hành động chuẩn mực để làm gương sáng cho trẻ. Đôi khi "nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình" cũng là điều vợ chồng chị làm thường xuyên để học cách làm cha, làm mẹ. Nếu phải chọn một nguyên tắc quan trọng nhất, chị cho rằng sống có đạo đức là điều tiên quyết đầu tiên. Những thứ khác đều có thể hoàn thiện dần.
- Đâu là những thói quen tốt mà chị hình thành cho các con?
Tuỳ theo mỗi độ tuổi, chị hướng dẫn các con các kỹ năng khác nhau, trong đó nhìn chung là những thói quen sau:
Những thói quen sinh hoạt tự lập: Hoàn thành bài học, tự vệ sinh cá nhân, chủ động nhu cầu ăn uống khi đói khát… Đây tưởng chừng là việc đơn giản nhưng cha mẹ không nên làm thay, nói hộ. Các con cần học cách chăm sóc chính bản thân mình.
Tư duy độc lập: Dù tính cách khác nhau, nhưng cách các con suy nghĩ, phản ứng, thể hiện cảm xúc, quan điểm, hành động về một vấn đề cần sự chủ động, tránh dựa vào quan điểm của người khác. Điều này được xây dựng từ việc con tô màu sắc gì miễn con thấy đẹp. Hay con muốn tặng quà cho bạn thì con cần triển khai kế hoạch,… Chị mong sau này con tự hoàn thành được dự án cá nhân một cách logic, bài bản.
- Chị mong các con khi trưởng thành sẽ trở thành người như thế nào? Định hướng về công việc trong tương lai cho các con của chị là gì?
Là một người mẹ, chị mong các con sau này lớn lên khoẻ mạnh và hạnh phúc. Chị không đặt nặng con cần phải kế nghiệp bố mẹ hay trở thành người xuất sắc. Định hướng của chị là mong con trở thành người tử tế, có tư duy độc lập, phát triển tốt thế mạnh. Chị sẽ là người đồng hành để tìm ra, phát triển thế mạnh cùng con.
Thú vị là vợ chồng chị đều học đại học ra trường rồi làm tự do, cũng từng trải qua môi trường làm việc hành chính công sở. Vì vậy, vợ chồng chị có được bức tranh xã hội, có trải nghiệm phong phú nên không gò bó con vào một khuôn khổ. Sự thành công sẽ đến khi con phát triển đủ mạnh trong lĩnh vực thế mạnh con chọn. Việc của cha mẹ là chuẩn bị hành trang cho con mà thôi. Và cha mẹ cũng không nên chỉ đạo, phán xét.
CỐ GẮNG DÀNH NHIỀU THỜI GIAN CHO CON NHẤT CÓ THỂ
- Là một người mẹ, đồng thời làm công việc kinh doanh, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm để vừa chu toàn công việc vừa có nhiều thời gian bên các con?
Chị thấy phụ nữ Việt Nam rất giỏi trong việc cân bằng và làm một lúc nhiều vai trò khác nhau: Làm con, làm vợ, làm mẹ, mà vẫn có sự nghiệp riêng. Chị cũng chỉ là một người phụ nữ tất bật với việc nhà và vẫn mong muốn được làm công việc riêng mỗi ngày.
Kinh nghiệm chị không nhiều, chỉ là cố gắng sử dụng quỹ thời gian thông minh, chú trọng tới cân bằng các phương diện: Sức khoẻ, gia đình, giải trí, bạn bè, phát triển bản thân… tuỳ theo giai đoạn. Trong 2 năm COVID-19 là khoảng thời gian chị vừa phải điều hành doanh nghiệp, vừa cân đối thời gian chăm sóc con. Đây cũng là thời điểm chị không có nhiều thời gian cho bản thân.
Hiện tại chị đang giảm tải công việc kinh doanh, dành thời gian cho các con nhiều hơn và chú trọng đến sức khoẻ tinh thần, thể chất. Chị nghĩ ở một giai đoạn nào đó, mình là người bận rộn và hết mình vì công việc. Nhưng ở hiện tại, chị sẵn sàng dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.
Ngoài ra, chị cũng tìm hiểu vài phương pháp và chắt lọc đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Chị sử dụng quản lý thời gian Eisenhower, dựng timetable theo tuần, theo tháng để quản lý công việc, sử dụng lịch để nhắc việc. Và một điều chị muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh rằng cần tập trung làm việc, hạn chế làm nhiều việc một lúc và hạn chế tối đa sụp deadline theo chuỗi domino.
- Từ khi có con, công việc và tính cách của chị có thay đổi nhiều không? Chị có cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại?
Chị nghĩ phụ nữ thay đổi rất nhiều khi làm mẹ. Bản năng làm mẹ khiến người phụ nữ hoàn thiện mình nhiều hơn. Mặc dù có những giai đoạn thấy chông chênh và lạc lõng, nhưng nhìn chung chị vẫn luôn tâm niệm thấy đủ và hài lòng với hiện tại.
Dù cho xã hội hưởng ứng lối sống YOLO hay tôn thờ chủ nghĩa độc thân thì chị vẫn cho rằng kết hôn, sinh con, duy trì sự cân bằng trong cuộc sống mới thuận tự nhiên. Chị tin hạnh phúc hay không là ở chính bản thân mình, dù ở trạng thái nào, mình cũng có quyền lựa chọn phương án mình thấy ổn và hạnh phúc với điều đó.
- Hiện các con có phát triển đúng theo những mục tiêu và định hướng chị đề ra?
Các con luôn được mọi người khen ngợi ngoan ngoãn và có ý thức tốt. Con cũng biết yêu thương và quan tâm mọi người xung quanh. Về định hướng hay mục tiêu thì chị luôn thay đổi theo từng chặng đường phát triển cùng con. Mấy mẹ con sẽ thảo luận về định hướng phù hợp nhất.
Trong quá trình con trưởng thành, chị cũng luôn đón nhận những thất bại, thách thức. Chị nghĩ đó là một phần của chặng đường, chỉ cần mọi thành viên luôn sát cánh cùng nhau vượt qua. Cuộc sống không đơn thuần chỉ là việc đặt ra mục tiêu rồi hoàn thành và tiếp tục đặt ra mục tiêu mới. Chị cho rằng nên dạy con nhân sinh quan và quan điểm sống mới là điều quan trọng hơn cả.
MẸO NHỎ GIÚP CON THÍCH KHÁM PHÁ THẾ GIỚI THAY VÌ DÙNG SMARTPHONE
- Các con chị có học Ngoại ngữ từ nhỏ? Đâu là phương pháp dạy Ngoại ngữ cho các con?
Khi các con nói rõ Tiếng Việt, chị mới cho tiếp xúc và hướng đến học Ngoại ngữ để tránh loạn ngôn ngữ. Loạn Ngoại ngữ còn nguy hiểm hơn việc học muộn. Khi hướng dẫn con học Tiếng Anh, chị cho rằng cần thẩm thấu từ nghe tới nói, sau đó là đọc và viết. Việc học từng từ dịch nghĩa ngang sang làm mất đi tư duy ngôn ngữ, và dựng nên một lối mòn trong quan điểm học từ vựng, học Ngoại ngữ.
Chị hướng các con xem kênh giải trí bằng Tiếng Anh, nghe từ dễ đến khó, học từ vựng qua hình ảnh, sơ đồ tư duy, học qua ngữ cảnh và tình huống cho tới khi thấm đẫm ngôn ngữ đó thì quay về học ngữ pháp và tập viết nghị luận. Với tư duy này, chị nghĩ có thể bồi đắp 1-2 thứ Ngoại ngữ cho con. Đặc biệt, cha mẹ có thể học cùng với con để luyện tập mỗi ngày.
- Ngày nay, nhiều người cho con sử dụng smartphone từ sớm, chị suy nghĩ gì về điều này? Các bé nhà chị có được sử dụng smartphone thường xuyên không?
Smartphone là một phần của xã hội hiện đại ngày nay, thực sự rất khó giữ con không sử dụng thiết bị điện tử khi xung quanh có quá nhiều người dùng. Chị giữ cho các con đến 18 tháng không sử dụng ti vi, ipad hay điện thoại. Bởi điều đó vốn không cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Sau khi đi học, chị bắt đầu cho con xem và hạn chế thời gian. Không xem trong giờ ăn, xem các kênh có ích, quản lý sát sao, điều hướng ngay khi con lỡ tiếp xúc với các thông tin độc hại trên truyền thông. Nếu thiết bị điện tử không thể tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày thì các bậc cha mẹ hãy hạn chế, kiểm soát nội dung và dành khoảng 15-20 phút mỗi ngày để cho con giải trí.
Các bé nhà chị không thích ngồi xem tivi bằng hoạt động khác. Chị thiết kế một phòng học riêng để các con tô vẽ, thoả thích sáng tạo, đọc sách, làm quen với chữ và số… Các bé thổ lộ rằng ở trong phòng học còn thoải mái hơn việc ngồi xem tivi. Có lẽ smartphone giải quyết ngay bài toán bận rộn cho phụ huynh. Nhưng điều con trẻ cần là được người lớn trò chuyện, vận động cùng và khám phá cuộc sống.
Ảnh: NVCC