Bà cụ nghe điện thoại rồi vội đến ngân hàng đòi rút 3,5 tỷ nhưng không nói lý do: Cảnh sát vào cuộc!
Bà nhất quyết không hé lộ bất cứ thông tin gì, nhân viên ngân hàng sinh nghi nên đã báo cảnh sát.
Ngày 14/6/2024, sau khi nhận được một cuộc gọi FaceTime lạ bà Trần (hiện sinh sống tại Thượng Hải, Trung Quốc), đã đến ngân hàng và đòi rút khoản tiền gửi 1 triệu NDT (gần 3,5 tỷ đồng) của mình. Khi được hỏi lý do, bà không thể đưa ra được đáp án hợp lý. Nhân viên ngân hàng thấy vậy nên đã gọi cảnh sát.
Sau khi nhận được yêu cầu, đội chống lừa đảo của Cục Công an Dương Phố đã ngay lập tức đến hiện trường. Khi cảnh sát và nhân viên ngân hàng hỏi vì sao muốn rút tiền, bà Trần từ chối trả lời. Thấy tình hình không khả quan, họ đã đưa bà về đồn cảnh sát.
Tại đây, bà Trần mới yên tâm và không còn phòng bị như trước. Đến lúc này bà mới nói rằng có một tài khoản WeChat tự xưng là "Cảnh sát Trương" liên hệ với bà. Kiểm tra lịch sử trò chuyện, cảnh sát suy luận rằng bà Trần có thể là nạn nhân của trò lừa đảo mạo danh công tố viên và gian lận pháp luật.
Với sự giải thích tận tình và cặn kẽ của cảnh sát và các chuyên gia chống lừa đảo, bà Trần cuối cùng cũng hiểu ra vấn đề.
Đến lúc này, bà Trần mới nhận ra mình bị lừa. Từ trước đến nay, bà sống một mình. Khi "cảnh sát Trương" gọi đến, người này nói rằng thẻ ngân hàng mang tên bà có liên quan đến một vụ lừa đảo lớn. Đối tượng này liên tục tác động để bà tin rằng mình đã vướng vào một vụ án nghiên trọng.
Người này thậm chí còn gửi giấy chứng nhận và các tài liệu liên quan. Thấy vậy, bà Trần lập tức hoảng sợ và nhanh chóng làm theo yêu cầu của đối phương như "không được tiết lộ vụ việc ra bên ngoài" và "không được nói cho người nhà biết sự việc". Người này yêu cầu bà phải thường xuyên liên lạc và báo cáo vị trí hiện tại cho hắn.
Không lâu sau "cảnh sát Trương" yêu cầu bà Trần chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm 2,6 triệu NDT (khoảng 9,1 tỷ đồng) của mình sang một "tài khoản an toàn" do phải điều tra vụ án. Bà không hề nghi ngờ mà làm theo yêu cầu của đối phương.
Cụ thể, những kẻ lừa đảo yêu cầu bà Trần trước tiên rút 1 triệu NDT tiền mặt từ ngân hàng, sau đó rút nốt 1,6 triệu NDT từ một ngân hàng khác. Chúng hướng dẫn bà sau đó đem toàn bộ số tiền gửi ở một ngân hàng thứ ba. May mắn, nhân viên ngân hàng đã phát hiện kịp thời, bà Trần bảo vệ được số tiền của mình.
Bà cho biết đây là tiền lương hưu và tiết kiệm của bà suốt nhiều năm qua. Trước đó bà đã gửi số tài khoản ngân hàng của mình cho những kẻ lừa đảo nên lo lắng số tiền tiết kiệm bị lấy mất. Tuy nhiên ngân hàng đã giúp bà bảo vệ số tiền này. Bà liên tục cảm ơn những người đã giúp đỡ cô thoát khỏi bẫy của những kẻ lừa đảo. Hiện, vụ việc đang được cảnh sát Dương Phố tiếp tục điều tra làm rõ.
Câu chuyện của bà Trần chỉ là một trong rất nhiều trường hợp lừa đảo. Những đối tượng này nhắm đến các đối tượng đã có tuổi, lợi dụng sự nhẹ dạ của họ để chiếm đoạt tài sản. Sau vụ việc này, cảnh sát Bắc Kinh cảnh báo mọi người không được tiết lộ thông tin cho người lạ. Mọi người tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch...
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn.
Theo Sohu