Bà chủ Mã Pí Lèng Panorama: "Nếu như công trình bị thu hồi, tôi chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế"
"Hôm qua có một nhà báo hỏi tôi, 'nếu người ta thu hồi chỗ này của chị, chị thấy như nào?' Tôi chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế, vì toàn bộ tài sản của tôi đều ở đây rồi" - bà Vũ Ngọc Ánh (SN 1962) - chủ tổ hợp khách sạn - nhà hàng - quán cà phê Mã Pí Lèng Panorama chia sẻ.
Mã Pí Lèng Panorama - tổ hợp khách sạn, nhà hàng, quán cà phê 7 tầng được xây dựng trên đèo Mã Pí Lèng, đang là tâm điểm chỉ trích của dư luận nhiều ngày qua. Công trình này được ví von như những cái "răng sâu" bê tông lổn nhổn dọc bờ dốc hùng vĩ, xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xâm phạm danh thắng Quốc gia.
Cụ thể, Mã Pí Lèng Panorama nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản, được xây dựng từ năm 2018 và đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà cao 7 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn. Mặc dù bị kêu gọi tẩy chay trên mạng xã hội, thế nhưng trên thực tế, địa điểm kinh doanh này vẫn hút khách không tưởng. Theo ghi nhận của chúng tôi từ trưa 5/10, hàng chục, thậm chí là 100 đến 200 lượt khách nườm nượp dừng chân, chen chúc chụp ảnh check-in tại đây.
Tổ hợp khách sạn - nhà hàng - quán cà phê Mã Pí Lèng Panorama nhìn từ trên cao.
Toà nhà có 7 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn, được xây dựng từ năm 2018.
"Nếu như Mã Pí Lèng Panorama bị thu hồi, tôi chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế"
Mã Pí Lèng Panorama do bà Vũ Ngọc Ánh (SN 1962, trú tại TP Hà Giang) làm chủ đầu tư. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Ánh do Sở TN&MT cấp ngày 31/5/2016, thuộc loại đất trồng cây hằng năm.
Bà Ánh quê ở Đoàn Tùng, Thanh Miện, Hải Dương, theo bố mẹ lên sinh sống tại Hà Giang từ khi còn bé. Bà có 3 người con, đều đã trưởng thành và sống tại thành phố.
Theo như lời bà Ánh, cách đây 10 năm, bà mua mảnh đất này - ngày xưa là mỏm đá hoang, với giá 70 triệu đồng, "chỉ có đá, không trồng được ngô, ban đầu chỉ tính nuôi ong". 4 năm sau, bà chuyển đổi từ giấy tờ viết tay thành bìa đỏ, chính thức sở hữu đất.
Bà Vũ Ngọc Ánh - chủ đầu tư Mã Pí Lèng Panorama.
"Năm 2018, chính quyền có gọi điện thông báo nếu như đất này không triển khai sẽ bị thu hồi. Họ cho tôi 10 ngày để suy nghĩ. 8 ngày sau, tôi quyết định lên Mã Pí Lèng. Gia đình tôi khi đó không đồng ý vì nơi này hoang vu, nguy hiểm, không có nước. Nhưng nghĩ lại, nó gắn liền với kỷ niệm của bố và em trai, nên tôi quyết định xây dựng" - bà Ánh trình bày.
Bà chủ Mã Pí Lèng Panorama nói thêm, trong quá trình xây dựng công trình này bà gặp rất nhiều khó khăn, huyện đã hỗ trợ cung cấp đường điện.
"Tôi mong muốn làm công trình gì đó cho cảnh quan đẹp, đồng thời nó gắn liền với kỷ niệm và sự cố gắng của tôi. Nếu mọi người hiểu, tôi nghĩ sẽ không ai tẩy chay. Bất kỳ ai đến đây, tôi đều dành sự yêu thương, kể cả người Việt Nam hay nước ngoài. Hơn nữa, tôi mong mỏi giúp người Mông có công ăn việc làm, đỡ khổ. Ít nhất là mấy đứa nhỏ có manh quần tấm áo" - bà Ánh cho biết.
Khi được hỏi liệu có lường trước được việc "khối bê tông" này xây dựng trên nền di sản sẽ bị dư luận phản ứng tiêu cực hay không, bà Ánh khẳng định trước khi tiến hành, bà đã tìm hiểu kĩ và được biết mảnh đất nằm ngoài vùng địa chất.
"Nếu tôi lường trước được, thì tôi đã không làm, thà gửi mấy tỷ vào ngân hàng cho sướng và để mảnh đất như vậy. Mọi người đừng nghĩ là tôi kiếm lợi từ công trình này. Tôi chỉ làm cho nó tốt lên.
Tôi mong mọi người đừng nói quá. Hôm qua có một nhà báo hỏi tôi, 'nếu người ta thu hồi chỗ này của chị, chị thấy như nào?' Tôi chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế, vì toàn bộ tài sản của tôi đều ở đây rồi".
"Tại sao phải đóng cửa? Có đáng phải đập, dỡ, phá hay không, có đáng tẩy chay nó không?"
Từ khi Mã Pí Lèng Panorama bị các trang mạng xã hội đem ra "mổ xẻ", bà Ánh trở nên lo lắng. Bà nhấn mạnh, "trong quá trình xây dựng, chính quyền có đến xem xét, giám sát, dọn rác, hệt như một cuộc chạy việt dã".
"Tóm lại họ (chính quyền - PV) hỗ trợ tôi rất nhiều. Tôi đóng góp quá nhiều mà cho đến giờ phút này lại bị xem như một kẻ tội đồ. Tất cả ban ngành đều đến kiểm tra độ an toàn. Tôi không hề làm vụng trộm, nếu vụng trộm không thể xây dựng được như này".
Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang, dù tổ hợp khách sạn - nhà hàng - quán cà phê Mã Pí Lèng Panorama đã đi vào hoạt động nhưng chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng; chưa được cấp giấy phép xây dựng và công trình chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trả lời về việc này, bà Ánh cho hay, "Tôi không có giấy phép thì bây giờ tôi hoàn thiện có sao. Tôi quan tâm nhiều đến thủ tục giấy tờ. Tôi từng hỏi Sở kế hoạch, nhưng người ta bảo không thuộc thẩm quyền. Thế giờ tôi đi đâu, đi chỗ nào cũng không có câu trả lời".
Nếu như tổ hợp khách sạn - nhà hàng - quán cà phê 7 tầng bị buộc tháo dỡ, bà chủ Mã Pí Lèng Panorama thắc mắc: "Tại sao phải đóng cửa? Có đáng phải đập, dỡ, phá hay không, có đáng tẩy chay nó không?". Tôi chỉ sợ nếu đóng cửa Panorama, nhiều người sẽ thất vọng và buồn vì không được vào ngắm cảnh và có những bức ảnh thật đẹp".
Mã Pí Lèng Panorama thu hút du khách mặc kệ sự tẩy chay trên MXH.
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc nói có trách nhiệm với công trình sai phạm
Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, công trình này xây từ năm 2018, hoàn thành vào đầu năm 2019. Đây là dự án tư nhân đầu tiên trên đèo Mã Pí Lèng sau nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư của huyện trong những năm vừa qua.
Công trình nói trên đến nay vẫn chưa được cấp phép xây dựng bởi công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đề cập đến việc dự án Mã Pí Lèng Panorama xâm phạm danh thắng quốc gia đèo Mã Pí Lèng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, ông Cường khẳng định rằng công trình nằm ở phần đệm chứ không thuộc vùng lõi cấm xây dựng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Mua Hồng Sinh - Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc thừa nhận cấp ủy, chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm khi để công trình xây trái phép trên đèo Mã Pí Lèng.
Bà Sinh giải thích, từ khi Panorama bắt đầu xây dựng, huyện đã nhiều lần đến kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định.
"Nhưng đến nay công trình đã hoàn thành, đi vào hoạt động mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các giấy tờ cần thiết", bà Sinh nói.
Vị lãnh đạo huyện Mèo Vạc giải thích thêm, công trình này nằm trên đất nông nghiệp, chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư, xây dựng như thế là vi phạm pháp luật.
Khu đất này nằm ở vùng ven Danh thắng quốc gia Mã Pí Lèng, khi người dân bản địa làm nhà ở, huyện có thẩm quyền cấp phép. Còn nếu xây dựng công trình với mục đích khác, chủ đầu tư phải làm hồ sơ để các sở, ban ngành thẩm định về chiều cao, số tầng.
Sai phạm của chủ đầu tư theo bà Sinh nói là do không làm hồ sơ thiết kế để các cơ quan thẩm định xem có phù hợp với cảnh quan, môi trường hay không.
Hiện, lãnh đạo huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ Mã Pí Lèng Panorama khẩn trương hoàn thiện hồ sơ công trình để các cấp thẩm định. Nếu chủ đầu tư không hoàn thiện được các giấy phép thì huyện sẽ có biện pháp xử lý.