Ảnh hưởng từ dịch Covid-19: Nhiều trường học xót xa đóng cửa chuyển nhượng, chủ trường nghẹn ngào "Đã tới lúc em cạn kiệt tiền"
Thời gian nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19 khiến cho nhiều trường thất thu, không đủ khả năng chi trả nên đã quyết định đóng cửa, sang tên chuyển nhượng.
Trường học lao đao vì không có doanh thu
Các cơ sở giáo dục dưới sự tác động của dịch Covid-19 đang gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại lớn và các ảnh hưởng tiêu cực khó lường khác. Mặc dù học sinh, sinh viên không đến trường, lớp nhưng các cơ sở giáo dục vẫn phải duy trì hệ thống và các chi phí vận hành, chi phí thuê mặt bằng, trả lương, nộp Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đầy đủ cho cán bộ công nhân viên, giáo viên, chi phí đầu tư xây dựng, khấu hao, thuế, các chi phí khác…
Với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, mỗi tháng các trường từ cấp mầm non phải chịu lỗ từ vài chục đến vài trăm triệu, thậm chí cả 15-20 tỷ đồng/tháng như ở các trường đại học.
Sau 2 tháng học sinh nghỉ học, trên mạng xã hội thời gian gần đây đã xuất hiện rất nhiều thông tin chuyển nhượng trường vô cùng xót xa. Nhiều chủ trường đã phải thông báo sang nhượng hoặc thanh lý đồ dùng, thiết bị dạy học vì không còn vốn để duy trì tiếp.
Một chủ trường mầm non ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đăng tải: "Đã đến lúc em cạn kiệt không có tiền duy trì trường nữa rồi. Em đầu tư khá nhiều nhưng sẵn sàng chịu lỗ nặng để các con có thể đi học lại sau dịch".
Theo thống kê, toàn quốc có khoảng 15.700 nhóm lớp mầm non tư thục có quy mô dưới 70 học sinh. Chủ trường thường là nhà đầu tư nhỏ, năng lực tài chính không dồi dào, nhiều cơ sở vay từ ngân hàng để hoạt động, trong khi dòng tiền đến từ học phí là chính.
"Mong chính phủ ra tay cứu các cơ sở ngoài công lập"
Nói về khó khăn của trường vì dịch Covid-19, cô Đào Thu Hằng, hiệu trưởng trường mầm non Ánh Sao (Hà Nội) chia sẻ: "Trường có 55 học sinh và mỗi tháng phải chi trả trung bình hết 90 triệu đồng. Hai tháng nay học sinh nghỉ học nên trường phải bù lỗ 20 triệu đồng mỗi tháng, trong đó 18 triệu đồng mặt bằng. Mình rất thương giáo viên nhưng quả thật mỗi tháng gánh lỗ quá nặng nên không đủ khả năng trả lương cho các cô.
Mua đồ dùng học tập mới mà bán thì họ trả như đồng nát ấy. Mình đang cố vay mượn để cầm cự chứ kéo dài thì cũng phải đóng cửa".
Cùng chung tình trạng, cô Ngô Thanh Huyền, hiệu trưởng Trường Mầm non Ong Việt (Hà Nội) cho biết, trường có 60 học sinh, 4 lớp, hiện tại mỗi tháng đang phải chịu lỗ 22 triệu tiền nhà; 16 triệu tiền hỗ trợ cho 8 giáo viên nhưng khoản này xin nợ trả sau.
"Mình mong chính phủ ra tay cứu giúp, tác động đến ngân hàng để các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay vốn duy trì hoạt động.
Bình thường trường hoạt động chỉ đủ trả các chi phí. Nghỉ hết tháng 4 thì sẽ có 50% cơ sở giáo dục ngoài công lập đóng cửa, phá sản vì 3 tháng bù lỗ là quá sức với một cơ sở mầm non. Lương của cô giáo có thể nợ nhưng tiền thuê mặt bằng thì phải trả. Nếu tình trạng này kéo dài, mình không thể trụ được, giải thể và tìm việc khác để làm. Chỉ tiếc bao tâm huyết, công sức, tiền của của mình mấy năm qua", cô Huyền nghẹn ngào.
Bộ GDĐT đề xuất các biện pháp, chính sách để ứng phó với dịch Covid-19
Vào ngày 18/3, Bộ GDĐT đã có công văn gửi Thủ tưởng Chính phủ đề xuất các biện pháp, chính sách để ứng phó với dịch Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài như hiện nay, hệ thống các cơ sở giáo dục rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và các giải pháp cụ thể để từng bước khắc phục hậu quả đồng bộ từ Chính phủ. Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, trước mắt Bộ GDĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân như sau:
1. Miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý 1 và 2 năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập.
2. Chi phí hoạt động bao gồm tiền lương, bảo hiểm, chế độ khác của đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên tại các cơ sở giáo dục chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 50 - 60%) ngân sách, để giảm bớt chi phí hoạt động, Bộ GDĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan xem xét miễn BHXH, BHYT, BHTN đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý 1 và 2 năm 2020.
3. Hiện nay, Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, nhưng chưa đề cập đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo nên các cơ sở giáo dục không thể tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ này. Bộ GDĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên (chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác) nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.
4. Chính phủ chỉ đạo các nhà mạng, đài phát thanh, truyền hình có chính sách hỗ trợ (miễn phí, giảm giá) về đường truyền, phần mềm kết nối phát miễn phí cho toàn bộ các cơ sở giáo dục để tổ chức dạy, học trực tuyến nhằm hạn chế tập trung đông người mà vẫn truyền đạt được kiến thức cho người học.
5. Xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với toàn bộ các cơ sở giáo dục để giảm các chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống bệnh Covid-19. Mức hỗ trợ áp dụng trên đầu học sinh hiện có và theo số lượng phòng học/điểm trường theo phân cấp ngân sách.
6. Xem xét bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các Sở GDĐT tổ chức xây dựng bài giảng điện tử, trực tuyến dùng chung. Nhằm khuyến khích, đa dạng phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với điều kiện dịch bệnh và nâng cao hiệu quả giảng dạy.