Ăn trứng, cá chép cũng nhiễm sán
Bằng mắt thường chúng ta rất khó phát hiện thực phẩm nhiễm sán. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bạn không nên ăn đồ ăn sống, tái hoặc gỏi mà nên nấu chín.
Sán có cả trong trứng, cá chép
Giờ đây, nói đến sán lá, người dân không còn cảm thấy xa lạ nữa, vì dường như loài kí sinh trùng này có mặt tại rất nhiều các loại thực phẩm, món ăn phổ biến mà chúng ta vẫn ăn hàng ngày.
Sau khi những thông tin nhiễm sán do ăn thịt bò tái, ốc sên, rau, thịt lợn... tạm lắng xuống thì mới đây người dân lại hoang mang khi có nghe được thông tin sán lá có cả trong trứng và cá chép...
Ngày 9/10, em Trần Lai Thành, sinh viên trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên (thuê trọ tại phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên) có mua về hai quả trứng gà, khi đập ra thì phát hiện có hai sinh vật lạ nằm trong phần lòng trắng của trứng.
Theo kết quả xét nghiệm của Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật và Viện Thú y thì hai sinh vật lạ trên có kích thước 3,5x1,5 mm, buồng trứng trước giác bụng, tử cung gồm nhiều cuộn ở cả trước và sau giác bụng, tuyến noãn hoàn gần mép tinh hoàn.
Đây là một loài sán lá có tên là Prosthogonimus ovatus, loài sán thường ký sinh ở ống dẫn trứng gia cầm, chim hoang dã và đôi khi được tìm thấy ở các loài động vật có vú.
Sán lá có trong trứng là trường hợp rất hiếm gặp.
Cũng sau đó không lâu, bác sĩ của bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tiến hành nội soi gắp ra một con sán lá gan bám lâu ngày trong thanh quản ở một nữ bệnh nhân 25 tuổi. Bệnh nhân cho biết cách đó 3 tuần có ăn cá chép sống.
Theo các bác sĩ, nhiễm sán lá gan là một bệnh truyền từ động vật sang người, chủ yếu là do ăn cá nước ngọt và tôm sống, rất thường gặp ở khu vực Đông Nam Á.
Nhiễm sán đáng lo ngại đến đâu?
Cũng như một số loại kí sinh trùng khác, sán có thể có mặt ở rất nhiều các loại thực phẩm, chủ yếu là động vật do chúng ăn phải trứng sán có nhiều ngoài môi trường. Khi vào cơ thể động vật, trứng sán phát triển thành các ấu trùng, nang sán và cư ngụ ở trong nội tạng động vật. Người ta thường dựa vào vị trí cư trú để gọi tên các loại sán, ví như sán lá phổi ký sinh ở phổi, sán lá ruột ký sinh ở ruột...
Sán Prosthogonimus ovatus được phát hiện trong trứng là loại sán kí sinh ở cơ quan sinh dục của loài chim cái, cụ thể là buồng trứng. Vì gà cũng là một loài chim nên việc sán lá kí sinh trong tế bào sinh dục của gà cũng là có thể xảy ra.
Tuy nhiên, ở động vật có vú, việc sinh sản phải tuân theo một quy tắc hết sức nghiêm ngặt. Khi trứng đã rụng vào ống dẫn trứng thì các tuyến rất nhỏ trên thành ống dẫn trứng bắt đầu “bơm” các phân tử albumin và globulin (lòng trắng), nước bọc xung quanh lòng đỏ... để hình thành nên lòng trắng trứng.
Chính vì vậy mà những vật thể khác dù nhỏ như virus, vi khuẩn cũng khó mà lọt qua được hệ thống này, việc lây truyền vi khuẩn, virus từ con mẹ sang trứng không phải là điều dễ dàng.
Từng giải thích trên báo chí, GS.TS Bùi Hữu Đoàn, Phó Trưởng khoa Chăn nuôi & Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết: trường hợp sán lá chui qua được các tuyến của ống dẫn trứng để vào lòng trắng là vô cùng hiếm hoi, xảy ra với xác suất vô cùng thấp: Một phần triệu đến hàng trăm triệu.
Trường hợp này chỉ có thể xảy ra khi mà trên ống dẫn trứng có sán đồng thời niêm mạc ở một khu vực nào đó của ống dẫn trứng bị tổn thương để con sán “chui” qua từ đó lọt vào lòng trắng. Nhưng cần lưu ý, ngay cả trong trường hợp này có xảy ra đi thì phần lớn gà mái đã bị ngừng đẻ.
Vậy nên, đừng vì thông tin trứng có sán lá mà người tiêu dùng quá lo lắng, ảnh hưởng đến đời sống, ăn uống...
Hơn nữa, cũng theo ý kiến của BS. H.Đô (viện Y học Cổ truyền) thì bằng mắt thường chúng ta rất khó phát hiện thực phẩm nhiễm sán. Vì vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nhiễm các loại kí sinh trùng nguy hiểm này, bạn không nên ăn đồ ăn sống, tái hoặc gỏi mà nên nấu chín, vì các loại sán này sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 80 độ C trở lên.
Ăn đồ tái càng dễ nhiễm sán