Ăn tôm hùm đất và uống bia, chàng trai khỏe mạnh phải nhập viện vì tổn thương thận cấp tính

TÚ UYÊN,
Chia sẻ

Anh Phong (22 tuổi) sống tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, được đưa vào bệnh viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn sau khi ăn tôm hùm đất và uống bia.

Kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị tổn thương thận cấp tính, suy thận.

Chàng trai bị suy thận do thói quen ăn tôm hùm đất và uống bia - Ảnh 1.

Anh Phong được đưa vào bệnh viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn sau khi ăn tôm hùm đất và uống bia.

Bác sĩ Đinh Huệ Đăng, chủ nhiệm khoa Thận, bệnh viện Zhejiang Litongde Hospital, cho biết: "Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn suốt cả một ngày. Thời điểm đó, nồng độ creatinin là 200mmol/l, được xem là trạng thái ít tiểu hoặc không thể tiểu. Kết quả chẩn đoán là tổn thương thận cấp tính".

Chàng trai bị suy thận do thói quen ăn tôm hùm đất và uống bia - Ảnh 2.

Bác sĩ Đinh Huệ Đăng, chủ nhiệm khoa thận, bệnh viện Zhejiang Litongde Hospital.

Hỏi thăm thói quen sinh hoạt của bệnh nhân, bác sĩ được biết trước hôm nhập viện một ngày, anh Phong đã chạy bộ vào buổi chiều. Sau khi chạy bộ, cơ thể anh Phong ra nhiều mồ hôi và trong tình trạng thiếu nước. Tối hôm đó, anh Phong cùng bạn bè tổ chức ăn nhậu, lúc đó anh đã ăn tôm hùm đất kèm theo uống bia.

Bác sĩ Đinh Huệ Đăng chia sẻ: "Kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ acid uric của bệnh nhân rất cao. Nồng độ acid uric của nam giới bình thường là 420micromol/l, nhưng nồng độ acid uric của bệnh nhân là 700micromol/l".

Bác sĩ Vương Hiểu Lệ, phó chủ nhiệm khoa Thận, bệnh viện Zhejiang Litongde Hospital, giải thích: "Tôm hùm đất và bia có hàm lượng purine cao, sau khi vào cơ thể sẽ khiến nồng độ acid uric tăng cao. Thông thường 80% acid uric là do bên trong cơ thể sản sinh, chỉ có 20% là do những tác động ngoại sinh. Anh Phong không có tiền sử mắc bệnh gout và bệnh tăng acid uric máu. Cho nên, nồng độ acid uric của anh Phong tăng cao được xem là do tác động ngoại sinh, điều này chỉ ra thủ phạm là do ăn tôm hùm đất kèm uống bia. Sau quá trình điều trị, tình trạng hiện nay của bệnh nhân đã ổn định".

Chàng trai bị suy thận do thói quen ăn tôm hùm đất và uống bia - Ảnh 3.

Vương Hiểu Lệ, phó chủ nhiệm khoa thận, bệnh viện Zhejiang Litongde Hospital.

Tổn thương thận cấp tính là gì?

Tổn thương thận cấp tính là tình trạng suy giảm chức năng thận đột ngột gây mất cân bằng muối và điện giải trong cơ thể. Bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ra quá tải muối hoặc toan chuyển hóa, ảnh hưởng đến hoạt động của hầu hết các cơ quan trong cơ thể như: tim, phổi, não...

Nguy cơ mắc tổn thương thận cấp tính

Tổn thương thận cấp tính thường xảy ra ở các bệnh nhân đang nằm viện để điều trị một bệnh lý nào đó, thậm chí là đang trong tình trạng chăm sóc đặc biệt. Những bệnh nhân trên 65 tuổi, đang mắc bệnh nặng có nguy cơ cao mắc tổn thương thận cấp tính.

- Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây tổn thương thận cấp tính bao gồm:

Người trên 65 tuổi.

Người bị bệnh tiểu đường, bệnh gan mật, suy tim.

Người đang phải điều trị bù dịch.

Người bị nhiễm trùng nặng.

Ảnh hưởng của một số loại thuốc.

Người bị bệnh thận mạn.

Người bị mất nước.

Người đã từng bị tổn thương thận cấp tính.

- Trẻ nhỏ cũng có thể bị tổn thương thận cấp tính khi:

Mất nước do tiêu chảy nặng.

Điều trị bù dịch.

Huyết áp thấp.

Ung thư máu.

Nhiễm trùng nặng.

Viêm cầu thận.

Triệu chứng của tổn thương thận cấp tính

Tổn thương thận cấp tính có thể không có triệu chứng rõ ràng. Thông thường, bệnh xuất hiện khi bệnh nhân đang điều trị bệnh lý khác nên các biểu hiện của bệnh thường không nổi bật. Các triệu chứng của tổn thương thận cấp tính có thể xảy ra gồm:

Người mệt mỏi.

Nôn mửa.

Chán ăn.

Nước tiểu giảm.

Khó thở.

Phù chân.

Theo Pearvideo

Chia sẻ