8 thực phẩm thơm ngon này thường chứa nhiều muối hơn bạn tưởng, nếu ăn quá nhiều và thường xuyên sẽ tăng nguy cơ suy tim, suy thận thậm chí ung thư dạ dày
Chúng ta không thể phủ nhận muối là một gia vị có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, chế độ ăn thừa muối sẽ làm tăng nguy cơ suy tim, suy thận, tăng huyết áp, thậm chí tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Nạp quá nhiều muối vào cơ thể, coi chừng suy tim, suy thận, ung thư
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Trung Quốc, hiện nay lượng natri ăn vào trong chế độ ăn của người trưởng thành trung bình là 3,7g/ngày hay tương đương với lượng muối ăn vào là 9,4g/ngày, gần gấp đôi mức ăn vào khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 2g natri/ngày hay 5g muối/ngày.
Khi một người tiêu thụ quá nhiều muối có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro sức khỏe sau đây:
- Chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
- Ăn mặn sẽ làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này như suy tim, suy thận.
- Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn.
- Khi chúng ta ăn thừa muối, cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác, từ đó có thể gây loãng xương, sỏi thận và các rối loạn khác do mất các khoáng chất.
- Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori.
- Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ béo phì do tăng cảm giác khát và tăng tiêu thụ các đồ uống nhất là các loại nước ngọt.
- Ngoài ra ăn thừa muối còn làm tăng tình trạng giữ nước và phù, đặc biệt ở bệnh nhân có suy tim và xơ gan.
Như vậy rõ ràng là ăn thừa muối (natri) sẽ gây nhiều hậu quả có hại về sức khỏe và giảm ăn muối (natri) chính là giải pháp để giảm nguy cơ bệnh tăng huyết áp, tim mạch và rất nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Cũng theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, muối có trong muối ăn và các gia vị chứa muối như bột canh, hạt nêm, nước mắm, xì dầu, mắm tôm, mắm tép… không những vậy, muối còn có trong các thực phẩm chế biến sẵn và cả trong thực phẩm tự nhiên.
Nhiều người không hề biết bản thân lại tiêu thụ vượt quá lượng muối cho phép bởi có rất nhiều thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày tiềm ẩn lượng muối khá cao.
8 thực phẩm chứa nhiều muối hơn những gì bạn nghĩ
1. Các món muối thực phẩm để lên men (dưa muối, cà muối, kiệu, dưa chuột muối…)
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dù không thể phủ nhận là dưa muối, cà muối, bắp cải muối là những món ăn "đưa cơm". Tuy nhiên, các món này đều được chế biến bằng cách ngâm với nước pha muối và chút đường để lên men chua. Lượng muối trong 100g dưa chuột muối khoảng 2,5gr muối.
2. Các loại thịt, cá "ăn liền"
Dù đem lại cảm giác ngon miệng cho người ăn xong các loại thực phẩm ăn liền như giò, chả, ruốc, xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp, cá hộp… cũng có chứa muối. Do đó đây cũng là những thực phẩm nên hạn chế chấm thêm gia vị chứa muối trong khi ăn.
3. Các loại súp, nước dùng, nước sốt
Các loại súp, nước dùng cũng đặc biệt chứa nhiều muối. Trong 1 bát nước phở, nước bún cá, bún riêu cua (tương đương 200ml nước dùng) chứa khoảng 2-4gr muối.
4. Đồ ăn vặt
Các loại đồ ăn vặt như bimbim, hạt điều rang muối, bánh gạo vị mặn cũng chứa nhiều muối. Trong gói bim bim 48g có tới gần 900mg muối. Trong 1 chiếc bánh gạo chỉ nặng 3g có tới 195mg muối.
5. Pizza
Chuyên trang về sức khỏe Healthline cho biết trong pizza có nhiều thành phần như phô mai, nước sốt, bột, thịt chế biến... chúng đều là những nguyên liệu có chứa lượng natri đáng kể, thậm chí còn tăng cao hơn sau khi các nguyên liệu này kết hợp với nhau.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học người Mỹ, một miếng pizza lớn đông lạnh có kích cỡ 140gr, trung bình chứa 765mg natri. Thậm chí, một miếng pizza cùng kích cỡ được bán ở các nhà hàng thậm chí còn chứa nhiều muối hơn - trung bình 957mg natri.
6. Bánh quy
Một khẩu phần bánh quy 28 gram trung bình chứa 322mg natri. Thêm một lý do khiến bạn phải hạn chế ăn bánh quy là vì chúng thường được làm bằng bột mì trắng và có giá trị dinh dưỡng kém.
7. Nước sốt cà chua đóng hộp
Trước đây, có lẽ bạn không bao giờ nghĩ rằng nên kiểm tra natri trong một lon nước sốt cà chua hoặc các sản phẩm cà chua đóng hộp khác, nhưng bây giờ thì bạn nên làm. Khoảng 62 gram nước sốt cà chua có chứa 321mg natri.
May mắn thay, các sản phẩm nước sốt cà chua đóng hộp mà không thêm muối vẫn được bán rộng rãi, vì vậy trước khi mua bạn nên kiểm tra bao bì.
8. Phô mai
Phô mai là một nguồn canxi và protein tuyệt vời, tuy nhiên nó cũng tương đối nhiều muối. Một khẩu phần 113 gram phô mai chứa trung bình 350mg natri. Muối trong phô mai không chỉ góp phần làm tăng hương vị mà còn có chức năng như một chất bảo quản. Do đó bạn thường khó để tìm loại phô mai nào chứa ít muối.
Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy rửa sạch phô mai trong nước dưới 3 phút, sau đó rút hết nước, lượng natri trong phô mai lúc này đã giảm 63%.