Túi đựng hộp cơm trưa sành điệu, đẹp mắt

Mai Anh, ảnh: fleeflyflown,
Chia sẻ

Hơi tỉ mỉ và mất thời gian một chút, nhưng bạn sẽ thấy thành quả của mình thật xứng đáng với công sức đã bỏ ra, bạn sẽ có được một chiếc túi chắc chắn và lại đẹp mắt nữa!

 
 
Bạn cần chuẩn bị các nguyên vật liệu như sau:
 
- Mếch vải hoặc bông chần loại mỏng. Thước, kéo, kim, chỉ, máy khâu,…
- Dây rút miệng túi và kim băng để luồn dây. Bạn có thể dùng dây thừng, sợi to, hoặc ruybăng, hay tự may may dây vải.
- Vải: ít nhất là 2 màu khác nhau. Bạn có thể tận dụng những dải vải màu vụn có cùng tông hài hòa. Vải được cắt thành những mảnh chữ nhật có số lượng và kích thước như sau (đã bao gồm cả đường may 1cm):
- 4 miếng nẹp miệng túi: 6cm x 31cm
- 2 miếng quai túi: 5cm x 30cm
- 2 miếng lót quai túi: 5cm x 30cm
- 2 miếng thân túi: 23cm x 32cm
- 2 miếng lót túi: 23cm x 32cm
- 2 miếng nắp miệng túi: 20cm x 32cm
 
Bước 1: May thân túi:
 
May nối hai miếng thân túi vào với nhau tại cạnh dài 32cm của chúng, đường may đó chính là đường đáy túi.
 
Nếu bạn thích mặt trước và sau túi có hoa văn khác nhau thì dùng hai mảnh vải khác nhau để cắt thân túi.
 
May xong bạn rẽ đôi đường biên vải ra là cho phẳng.
 
Đặt miếng thân túi vừa ghép lên mếch vải để sang dấu và cắt lấy một miếng mếch to bằng nó.
 
Là miếng mếch vải dán chặt vào vải thân túi, như thế túi sẽ đứng dáng hơn.
 
Nếu bạn dùng vải bò hoặc vải dày cứng thì không cần dán mếch vải.
 
Nếu bạn thích chần bông cho túi thì dùng bông chần loại mỏng cắt thay cho mếch, cắt xong ghim vừa vặn vào vải và tự may các đường chần có kiểu hình mà bạn thích: ô vuông, quả trám, trái tim,…
 
Gập đôi miếng thân túi vừa may tại đường đáy túi, mặt trái (mặt mếch vải) lộn ra ngoài, may hai đường sườn túi chặn hai bên.
 
Ép góc túi bẹt xuống sao cho đường đáy túi và sườn túi trùng nhau, như thế đáy ngoài túi sẽ tạo thàn một góc nhọn.
 
Kẻ một đường vuông góc với đường sườn túi vừa may, đường may đó dài bao nhiêu thì độ rộng của túi lớn bấy nhiêu, thường là 13cm. Bạn có thể cho rộng hơn nếu hộp cơm của bạn to.
 
May theo đường vừa kẻ rồi cắt phần tam giác vải thừa ở đáy túi để khi lộn phải túi không bị cộm.
 
Làm tương tự với góc đối diện của túi.
 
Bước 2: May lót túi:
 
Bạn may phần lót túi tương tự như phần may thân túi (bước 1) nhưng không cần dán mếch vải.
 

Bước 3: May quai túi:

May nối hai miếng quai túi và lót quai túi với nhau theo chiều dài của chúng. Rẽ đường may sang hai bên rồi là phẳng.
 
Cắt một miếng mếch vải 5cm x 30cm, đặt nó vào chính giữa miếng quai túi vừa may nối, như vậy một nửa miếng mếch vải nằm bên miếng quai túi, một nửa còn lại nằm bên miếng lót quai túi.
 
Dùng bàn là miết nóng cho miếng mếch vải dán chặt vào quai túi, rồi gập mép vải thừa vào trong miếng quai túi, là phẳng cho quai không bị nhăn hay bị cộm lên.
 
Gập đôi miếng quai túi tại đường nối vải quai túi và lót quai túi.
 
May sát mép hai bên quai túi. Vậy là bạn đã may được một chiếc quai túi có một mặt quai phía ngoài và một mặt lót quai túi phía trong.
 
Làm tương tự để có chiếc quai túi thứ hai.
 
Bước 4: May nẹp miệng túi:
 
Bạn cắt 2 miếng mếch vải có kích thước 6cm x 29cm rồi là dán từng miếng vào giữa mỗi miếng nẹp miệng túi. Như thế bạn có hai miếng nẹp miệng túi có dán mếch vải, hai miếng không có dán mếch vải làm lót nẹp miệng túi.
 
Dùng thước chia và đánh dấu nẹp miệng túi thành 3 phần bằng nhau, hoặc đánh dấu hai điểm lùi vào trong so với mép vải chừng 10cm.
 
Đặt hai đầu quai túi vào hai điểm vừa đánh dấu, trên mặt phải của miếng nẹp miệng túi, chú ý đặt sao cho quai túi cần đối và không bị vặn xoắn, rồi may chặn hai đầu quai túi cho cố định vào miếng nẹp miệng túi.
 
Đặt một miếng lót nẹp miệng túi (tức miếng nẹp miệng túi không dán mếch vải) trùng khít lên miếng nẹp vừa gắn quai, sao cho hai mặt phải vải úp vào nhau. Rồi bạn may một đường gắn hai miếng nẹp miệng túi lại, may qua cả hai đầu quai túi đã gắn chặt từ trước.
 
Như vậy bạn đã may xong một bên nẹp miệng túi bao gồm quai túi, làm tương tự để có bên còn lại.
 

Rồi mở rộng mỗi bên nẹp miệng túi ra, úp hai mặt phải vải vào nhau, may chặn hai bên đầu nẹp để chúng được nối với nhau thành cái nẹp miệng túi tròn vẹn.

 
Gập đôi miếng nẹp miệng túi tại đường may nối, miết phẳng rồi may đè một đường ngay mặt phải vải, đường may này lộ ra ngoài túi nên bạn gắng may cho thật mượt mà, cách đều đường vành túi, khi may tới phần quai túi nó sẽ hơi cộm vải lên, cẩn thận để đường may không chệch.
 
May nối nốt phần chân nẹp miệng túi lại với nhau bạn sẽ có một vòng nẹp miệng túi hoàn chỉnh với hai quai đã gắn chặt.
 
Bước 5: May nắp túi:
 
Nắp túi tròn có rút dây ở chính giữa là đặc trưng của túi đựng bộ đồ ăn vì thế bạn không thể may thiếu nó.
 
Áp hai mặt phải vải vào nhau, may nối hai đầu vải, tạo thành ống vải tròn, chừa lại 5cm không may, phần chừa lại sẽ dùng làm nẹp rút chun của nắp miệng túi.
 
Rẽ đường may và miết (hoặc là) phẳng phiu rồi may sát mép hai bên đường may nối lúc trước, may lên cả phần vải chừa phía trên.
 
Gập mép vải (phần vải chừa làm nẹp nắp miệng túi) vào mặt trái chừng 1cm, miết phẳng rồi lại gập xuống 2cm và may một đường sát mép nếp gấp đầu tiên tạo thành nẹp ống, giống như nẹp chun quần.
 
Phần nẹp ống này không liền mạch một vòng tròn mà sẽ hở ở hai đầu nửa vòng tròn để bạn luồn dây rút.
 
Bước 6: Ráp nối các bộ phận túi vào nhau:
 
Lộn phải thân túi và lộn trái lót túi rồi lồng chúng trùng khít vào nhau. May một đường ở sát mép vành trên cùng thân túi.
 
Lộn ngược thành miệng túi (đã may gắn cùng quai túi), lồng vào bên ngoài thân túi (vừa ráp liền với lót túi), đặt sao cho cân đối, bạn dóng các đường may hai bên thẳng nhau sẽ giúp cho quai túi nằm vào chính giữa túi, rồi may sát mép trên của thân túi gắn với mép dưới của thành miệng túi.
 
Bạn đừng vội nhấc quai túi lên trên như vị trí thông thường, hãy để nguyên nó ở vị trí lộn ngược như vậy rồi lồng ngược miếng nắp miệng túi vào, mặt trái của miếng nắp miệng túi lộn ra ngoài và phần rút chun lộn xuống dưới, đặt sao cho mép vải khít nhau rồi may nối chúng tại phần mép trên thành miệng túi. Chú ý đặt sao cho các đường may hai bên sườn túi và hai bên nắp miệng túi trùng nhau, như thế khi luồn dây rút xong bạn sẽ rút dây cân đối hơn.
 
Sau khi may xong bạn nhấc nắp miệng túi lên thu vào trong lòng thân túi, dựng quai túi lên, bạn đã thấy cái túi khá hoàn tất rồi.
 
Miết vải phẳng phiu tại phần ráp nối thành miệng túi với thân túi rồi may đè một đường phía ngoài, giúp cho túi đứng dáng và miệng túi thêm chắc, nhớ để phần nắp miệng túi gọn gàng trong thân túi nếu không bạn sẽ may vướng cả vào nó.
 
Luồn hai đoạn dây (bạn có thể dùng dây thừng, sợi len to, dây ruy băng hay dây vải nhỏ tự may) vào hai phần nẹp ống của nắp miệng túi, rút cho dây đều nhau và buộc thắt nút chung hai đoạn ở hai đầu để chúng không tuột ra ngoài nữa, bạn có thể xỏ thêm hạt gỗ hoặc hạt trang trí ở chỗ thút nút này.
Vậy là bạn đã hoàn tất một chiếc túi đựng bộ đồ ăn trưa văn phòng rồi đấy, khá tỉ mỉ nhưng không quá khó phải không?
 
 
Bạn có thể chọn hoa văn vải cho phù hợp cá tính hoặc phù hợp với thời điểm lễ hội của năm, sẽ cảm thấy có không khí hơn, cảm hứng hơn nhiều từ món đồ nhỏ bé thân thương này. Nếu biết thêu bạn hãy dùng vải trắng cho phần thành miệng túi rồi dùng chỉ có cùng tông màu với hoa văn của vải để thêu theo sở thích:
 
 
Bạn cũng có thể may cho đáy túi rộng hơn và khi đựng đồ nó sẽ có dáng vuông thẳng chứ không to ngang nữa, bạn hoàn toàn làm chủ được dáng túi chỉ với việc thay đổi độ rộng đáy túi thôi:
 
 
Chúc bạn thực hiện thành công món đồ thân thuộc hàng ngày này nhé!
Chia sẻ