Ăn mặn trong thời gian mang thai: hậu quả nặng nề hơn mẹ bầu tưởng

Bs Hoa Hồng,
Chia sẻ

Ăn mặn trong thời gian mang thai có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho thai nhi mà nhiều bà bầu không để ý.

Chào bác sĩ, em đang mang bầu ở tuần thứ 10. Trước khi thời gian mang bầu em có thói quen ăn nhạt nhưng không hiểu sao đến hiện tại thời điểm mang bầu em rất thích ăn mặn, ăn mặn em lại cảm thấy khỏe. Tuy nhiên mẹ em  bảo ăn mặn không tốt cho sức khỏe thai nhi. Em nghĩ trong thời gian mang bầu ăn gì cũng được miễn là ăn được nhiều. Nhưng thấy mẹ nói vậy, em thấy hơi lo lắng . Em không biết ăn mặn trong thời gian mang thai ảnh hưởng như thế nào? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. (Lê Việt Nga)

Trả lời:

Việt Nga thân mến

Ăn mặn trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé, thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm độc thai nghén.

Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu ăn mặn trong thời gian mang bầu: Do thay đổi hormone khi mang thai;  Cơ thể bình thường, thường dự trữ nhiều nước hơn trong lúc bầu bí, bởi vậy mà nhu cầu về muối natri cũng được tăng lên. Ngoài ra có thể  ốm nghén vào buổi sáng và tình trạng thiếu nước trong cơ thể. Hoặc có thể do bạn đang thiếu muối trầm trọng – hậu quả của thói quen ăn nhạt trước đó.

ăn mặn khi mang thai
Bà bầu nên hạn chế thức ăn mặn để tốt cho sức khỏe (ảnh minh họa)

Bà bầu ăn mặn dễ bị nhiễm độc thai nghén. Một người phụ nữ bình thường tiêu thụ khoảng 1000-2000mg muối/ngày thì đến lúc mang thai, nhu cầu về muối có thể tăng lên 2000-4000mg/ngày. 

Nói vậy, không có nghĩa là bạn cần thêm muối vào khẩu phần ăn. Bởi vì nhu cầu thực phẩm tăng cao khi mang thai sẽ kéo theo lượng muối (chứa trong những loại thực phẩm đó) cũng tăng lên.

Việc thèm ăn mặn trong thời gian mang thai có thể dẫn tới nguy cơ phù nề và tình trạng tăng huyết áp bất thường ở người mẹ. Ăn mặn nhiều còn khiến bạn luôn bị khát nước, lượng chất trong cơ thể mất đi sự cân bằng và làm bạn mệt mỏi.
 
Hơn nữa, thói quen ăn mặn còn làm giảm sự bài tiết của nước bọt, tạo môi trường cho các loại vi trùng sinh sôi trong đường hô hấp. Kết quả, sức đề kháng của niêm mạc miệng sẽ bị yếu nên bạn dễ mắc chứng viêm họng và nhiễm độc thai nghén.
 
Ngoài ra, mẹ bầu ăn mặn sẽ không tốt cho thận của thai nhi. Do thận và các cơ quan tiêu hóa của thai nhi đang trong quá trình hình thành và phát triển nên nếu mẹ ăn quá nhiều muối sẽ khiến thận của bé bị tổn thương.

Vì vậy để hạn chế việc ăn mặn hạn chế tối đa các món ăn chế biến sẵn, các món ăn chứa nhiều chất mặn. Đồng thời bà bầu nên tạo thói quen uống nhiều nước trong ngày. Nếu cảm thấy nhạt miệng, nên uống một cốc nước lọc hoặc nước hoa quả vì nước không chỉ giải khát mà còn giúp giải độc, loại bỏ bớt lượng muối trong cơ thể.

Chế độ ăn uống hợp lý và khoa học kết hợp với sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa, kết hợp nhiều rau xanh và trái cây tươi sẽ giúp bà bầu giảm dần thói quen ăn mặn. Đồng thời, các loại thực phẩm này lại rất tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Chúc mẹ con bạn vui khỏe!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:suckhoe@afamily.vn.

Chia sẻ