Ăn gì để bớt "nóng trong"
Từ thời xửa thời xưa, những người bà, người mẹ trong gia đình đã biết nấu món chè hạt sen hay tô cháo đậu xanh ăn giải nhiệt vào những ngày trời nóng bức.
Hạ nhiệt không phải là làm giảm thân nhiệt, mà chủ yếu là làm giảm sự chuyển hóa của cơ thể, giảm sự tạo ra nhiệt bên trong cơ thể, hoặc giúp thải bỏ nhanh các chất chuyển hóa khỏi cơ thể.
Những loại thực phẩm ngọt như bánh kẹo, nước giải khát có đường, chè... hoặc các loại bột tinh chế như bột mì, nếp... cũng có thể làm gia tăng chuyển hóa, tăng hoạt động của các tuyến dưới da và có thể dẫn đến tăng nguy cơ mụn nhọt trong những ngày nắng nóng. Lượng thực phẩm giàu đạm vẫn duy trì ở mức 150g mỗi ngày. Ưu tiên các loại thịt trắng như cá, đậu hủ, thịt gà, vịt... hơn, so với thịt đỏ như bò, heo, dê, cừu, tôm, cua...
Các món ăn không nên chế biến bằng cách chiên trong dầu mỡ, nướng, quay... mà nên chọn cách chế biến đơn giản với nhiệt độ thấp như hấp, luộc, xào nhanh... Khi chế biến nên giảm bớt các gia vị có tính cay nóng có nhiều thành phần fl avonoid như hành, tỏi, nén, riềng, tiêu, ớt...
Rau xanh và trái cây tươi là những thực phẩm rất tốt trong mùa nóng, không chỉ vì cung cấp các loại vitamine, chất khoáng và chất xơ mà còn chứa các thành phần chống oxy hóa và giúp tăng sức đề kháng. Trung bình mỗi ngày một người cần ít nhất 200g trái cây và 300g rau xanh các loại. Rau trái ăn dưới dạng tươi sống và ăn luôn cả xác sẽ tốt hơn ép lấy nước uống. Các loại trái cây nhiều nước và ít ngọt như thanh long, bưởi, thơm, cam quýt, dưa gang... sẽ giúp hạ nhiệt tốt hơn các loại trái cây ngọt như chuối, mít, nhãn...
Các thực phẩm có tác dụng an thần như hạt sen, củ sen, cũng giúp làm dịu các kích thích thần kinh nên giảm sự tạo thành nhiệt lượng trong cơ thể. Ngoài ra, các loại ngũ cốc thô như đậu xanh, đậu đen, bo bo (ý dĩ)... ăn cả vỏ cũng là những thực phẩm giải nhiệt tốt, do cung cấp các vitamine nhóm B, E... và chất xơ làm thông thoáng hệ tiêu hóa. Nhiều loại rau quả có tác dụng lợi tiểu nhẹ như rau má, lô hội, phổ tai... cũng có tác dụng làm mát cơ thể, nhưng đừng quên uống bù đủ lượng nước sau khi đi tiểu để tránh tình trạng mất nước.
Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM