Amazon đã ép bà mẹ mới sinh con và bị ung thư phải nghỉ việc như thế nào?
Julia Cheiffetz, người từng là Tổng biên tập của kênh xuất bản Amazon từ năm 2011 - 2014, tiếp tục chia sẻ câu chuyện của mình khi làm việc tại Amazon.
Amazon là một trong những công ty công nghệ có môi trường làm việc khắc nghiệt nhất, khi tất cả các nhân viên tại đây đều phải làm việc với nỗ lực cao nhất nếu như không muốn bị đuổi việc. Trong một cuộc điều tra gần đây, 100 nhân viên đã phơi bày sự thật kinh khủng khi làm việc tại “địa ngục” Amazon. Tuy nhiên đó chưa phải là điều tồi tệ nhất.
Julia Cheiffetz, người từng là Tổng biên tập của kênh xuất bản Amazon từ năm 2011 - 2014, đã kể lại rằng Amazon từng gây những khó khăn để ép buộc cô phải nghỉ việc, sau khi cô này nghỉ một thời gian để sinh con và đồng thời cũng bị chuẩn đoán bị mắc bệnh ung thư.
Câu chuyện của Cheiffetz vừa được công bố, trong đó cô kể lại từ lúc mình bắt đầu được mời làm việc tại Amazon, một công việc đáng mơ ước của nhiều người đang làm trong ngành xuất bản.
“Đó là một cơ hội lớn, nhiều người khuyên rằng tôi không nên bỏ lỡ cơ hội này. Tôi đã bị hấp dẫn bởi những gì Amazon nói về sự đổi mới, sự năng động và văn hóa nội bộ của công ty”.
Tuy nhiên, sau khi bắt đầu làm việc tại Amazon, Cheiffetz nhận ra môi trường làm việc ở đây có thể khiến người ta phát điên. Với tốc độ nhanh đến chóng mặt và sự căng thẳng luôn được đẩy lên cao nhất. Cô cũng nhấn mạnh rằng ở cấp độ quản lý, luôn có sự chi phối từ những người đàn ông ngay cả khi cô và họ cùng cấp bậc.
Mặc dù vậy, Cheiffetz vẫn có thể chịu đựng được mọi chuyện cho đến khi cô sinh đứa con đầu lòng và bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư ngay sau đó. Trong khoảng thời gian nghỉ phép 5 tháng để sinh con, Amazon đã ngừng hiệu lực bảo hiểm y tế của cô khiến Cheiffetz phải điều trị dựa trên bảo hiểm của chồng.
Có những mặt tối trong cách quản lý và hoạt động nội bộ của Amazon đến bây giờ mới được tiết lộ
Và khi cô quay trở lại công ty thì mọi chuyện cũng thay đổi: “Tôi được sắp xếp ăn trưa với một người phụ nữ mà tôi chưa từng gặp mặt. Chúng tôi nói chuyện về một số công việc diễn ra khi tôi nghỉ phép. Tất cả đều có vẻ bình thường, chỉ trừ có một điều duy nhất. Đó là, nhân viên cấp dưới của tôi thay vì báo cáo mọi công việc thường ngày cho tôi, thì cô ấy lại làm việc với một người khác. Trong những tháng sau, tôi nhận được một kế hoạch mới mà phải cải thiện và tăng hiệu suất công việc lên, nếu không tôi sẽ bị đặt trong tình trạng báo động. Không chịu nổi sức ép đó, tôi đã xin nghỉ việc”.
“Kế hoạch cải thiện hiệu suất” được Cheiffetz mô tả như một phương pháp để Amazon ép bạn phải xin nghỉ việc, khi họ không có một lý do chính đáng để làm điều đó. Trong trường hợp của Cheiffetz, việc cô vừa sinh con và mắc bệnh ung thư khiến cho cô bị liệt vào danh sách những nhân viên không đủ năng lực để đáp ứng công việc.
Kết thúc câu chuyện của mình, Cheiffetz cho biết cô đang rất hạnh phúc và cảm thấy cuộc sống trở nên cân bằng hơn sau khi nghỉ việc, mặc dù có đôi chút thất vọng. Cô cũng gửi tới CEO Jeff Bezos của Amazon một vài dòng tâm sự của mình:
“Jeff, ông biết rằng phụ nữ và các bậc cha mẹ là những khách hàng tiềm năng của mình. Họ mua tã, họ mua các món đồ thiết yếu cho gia đình trên Amazon, họ mua nhiều món đồ cho những người thân của mình. Vậy tại sao ông không thể coi trọng các nhân viên là phụ nữ hay những người đã làm cha làm mẹ? Thay mặt cho những người muốn lên tiếng nhưng không thể, làm ơn hãy thay đổi môi trường làm việc tại Amazon”.