Ám ảnh những "đầu trọc" bé nhỏ trong viện K Tam Hiệp

Mây Trinh, ảnh: C.T,
Chia sẻ

Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu này, không ai nghĩ các em đang mắc trong mình căn bệnh ung thư quái ác.

Tại buồng bệnh số 1 của Khoa Ung bướu trẻ em, Bệnh viện K Tam Hiệp, 6 giường bệnh được kê đối diện nhau. Trên mỗi giường bệnh có từ 2 đến 4 bệnh nhân bé nhỏ. Nhìn những đứa trẻ thông minh, đáng yêu và lạc quan ở đây, không ai nghĩ đó là những bệnh nhân đang bị bệnh hiểm nghèo. Hiện tại, ở Khoa Ung bướu trẻ em của bệnh viện K TW cơ sở 2, có hơn 60 em điều trị. Một nửa trong số đó là bệnh nhân điều trị nội trú. Tại đây, có những em bé chỉ chưa tròn tuổi nhưng tóc đã rụng gần hết, chỉ còn lại lơ thơ mấy sợi. Nhìn những đứa con vô tư đùa nghịch mà bố mẹ các em không khỏi xót xa.

Nụ cười trong trẻo của những "đầu trọc" bé nhỏ trong Khoa Ung bướu trẻ em, Bệnh viện K Tam Hiệp



Căn bệnh ung thư nhãn cầu đã khiến đôi mắt của em không còn hoàn thiện






Một bà mẹ bế con đi nhận cháo từ thiện


Mỗi ngày chỉ có 10 suất cơm miễn phí cho các cháu nên không phải ai cũng may mắn được nhận

Nước mắt đẫm gối, cô bé Nguyễn Thị Thanh Thủy kể cho chúng tôi nghe về ước mơ được trở thành tiếp viên hàng không, và miền quê nghèo lam lũ của mình. Thủy mắc bệnh ung thư xương, mặc dù đã qua nhiều lần điều trị hóa chất nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Đầu gối Thủy sưng to, căng cứng có cảm tưởng như sắp vỡ ra. Bàn tay em chi chít những vết sẹo do truyền, tiêm thuốc thường xuyên.

Khi nghe nhắc đến trường lớp, Thủy bật khóc nghẹn ngào:
“Em phải về đi học. Bạn bè nhớ em lắm. Em không muốn làm người tàn tật. Con không muốn bị cắt chân đâu mẹ ơi…”. Ngồi ở đầu giường bên kia nghe Thủy nói, mẹ em chỉ biết mím chặt môi để nước mắt không trào ra. Rồi mai kia, với đôi chân không lành lặn, ai sẽ giúp em viết tiếp giấc mơ còn dang dở? Chỉ ít ngày nữa thôi sau lần khám lại vào ngày mai, chiếc chân phải bị bệnh của em sẽ bị cắt bỏ. Có lẽ giấc mơ thành một nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp của Thủy vẫn mãi chỉ là mơ ước. 13 tuổi và cô bé này vẫn chưa một lần được đến Hồ Gươm, chưa một lần được ăn kem Tràng Tiền cũng như chưa một lần đặt chân đến lăng Bác. Ấp ủ mong muốn được ra Thủ đô bấy lâu nhưng trớ trêu thay, em lại đến Hà Nội trong hoàn cảnh bi đát như thế này.

Đang hỏi han bệnh tình của Thủy, bỗng cạnh đó vang lên những tiếng ho dữ dội, cơn khó thở đang hành hạ một cậu bé mệt mỏi nằm trên giường. Bác sĩ phải khẩn trương mang bình oxi vào. Nhìn bà mẹ lóng ngóng đắp lại chăn cho cậu bé, đâu đó có người chép miệng thở dài: "Tế bào di căn vào phổi rồi. Mong manh lắm!".

Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên này, không ai nghĩ các em đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác


Trong viện cũng có đồ chơi để các bé tạm quên đi nỗi đau phải gánh chịu


Nụ cười đáng yêu này vượt lên trên cả bệnh tật


Bé Phượng đang chăm chú xem kết quả xét nghiệm


Trên cả bệnh tật là tình mẫu tử thiêng liêng




Bé Nguyễn Thành Đức say sưa bên cuốn truyện Doremon


Không lúc nào rời bình thuốc 


Sợ hãi và đau đớn khi nhìn thấy bình truyền

Nằm kề giường Thủy là cậu bé Nguyễn Minh Khánh (Quảng Ninh). Sinh ra mắc bệnh Down bẩm sinh, sau đó không lâu thì em bị phát hiện mắc căn bệnh ung thư máu quái ác. Chỉ chưa đầy 14 tháng tuổi nhưng Khánh đã mang trong mình tới 3 căn bệnh. Có bệnh thì vái tứ phương, anh chị ôm con đi gõ cửa từng bệnh viện từ bệnh viện Quảng Ninh cho đến viện Nhi Thụy Điển và 2 tháng nay thì “trú chân” tại đây.

Ôm con vào lòng, bà mẹ trẻ Tạ Thị Kim Oanh 27 tuổi lén lau nước mắt nói với chúng tôi: “Nhiều khi bón bột cho con mà không giấu được nước mắt. Khánh mắc hội chứng Down từ lúc sinh ra nên phế quản không nở, hốc họng ngắn, dạ dày cũng không co bóp. Do đó, việc ăn uống rất khó khăn. Đặc biệt mỗi khi truyền thuốc bé gần như không ăn được gì, vừa bón được thìa sữa thì lại bị nôn ộc ra. Nhìn con mệt nhọc ăn từng thìa sữa mà mẹ nhói cả lòng.” Hơn 1 tuổi mà em vẫn không biết gì, cứ ngây ngô chẳng khác gì một em bé sơ sinh. Thế giới của em từ khi sinh ra cho đến bây giờ đều gắn chặt với màu trắng của bệnh viện.

Chỉ mới 14 tháng tuổi nhưng Khánh đã mang trong mình 3 căn bệnh




Nhìn con mà bố mẹ không khỏi xót xa

Giấc ngủ ngắn ngủi của cậu bé Nguyễn Đức Tân


Đôi mắt lo lắng của bà nội bé Tân khi nghĩ về tương lai của 2 đứa cháu


Mới 3 tuổi nhưng Tân đã bị mắc bệnh ung thư vú giống mẹ



11h, đến giờ bác sĩ vào truyền hóa chất, cậu bé Vũ Đức Tân (Hưng Yên) nắm chặt lấy bàn tay bà nội đầy sợ hãi. Khuôn mặt non nớt xanh, xao lem nhem đầy nước mắt. Mới 3 tuổi nhưng em đã sớm phải chịu cảnh mồ côi mẹ từ một năm nay. Không có bàn tay mẹ chăm sóc, 2 anh em, anh lớn 3 tuổi, em trai hơn 1 tuổi suốt ngày quanh quẩn bên ông bà nội để bố chạy vạy ngược xuôi kiếm việc. Cách đây 4 tháng Tân lên cơn đau, đi khám được bác sĩ thông báo em mắc bệnh ung thư vú giống mẹ. Lại một lần nữa căn bệnh quái ác tiếp tục “hành hạ” gia đình khốn khổ này. Từ ngày phát hiện Tân bị bệnh, bà nội nuốt nước mắt vào trong lên Hà Nội nuôi cháu. Cứ cuối tuần, bố em lại vượt đoạn đường dài hơn 50 cây số tất tả lên thăm con.

Hóa chất trị liệu là phương pháp điều trị ung thư được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Mỗi đợt hóa chất thông thường kéo dài khoảng 15 ngày, trong thời gian đó ngày nào bé cũng phải truyền từ 6 đến 8 chai. Sau đó khoảng 2, 3 tuần các bệnh nhân lại bước vào một đợt điều trị tiếp theo. Hôm nay, bé Tân phải truyền 8 chai đến tận đêm mới xong. Không lấy được ven ở tay và chân nên buộc bác sĩ phải lấy ven trên đầu. Tân nằm đó, dặt dẹo, yếu ớt, dính lấy chiếc giường sắt của bệnh viện và đầu được băng trắng muốt. Khuôn mặt em nhợt nhạt, xanh xao, đôi mắt nhắm nghiền vì mệt. Bà nội em không giấu được lo lắng: “Ông ngoại, bác, mẹ và giờ đây đến lượt Tân đều ung thư, không biết ông trời có thương, tha cho đứa cháu trai thứ hai mới 14 tháng tuổi ở nhà?"

Trò chuyện với chúng tôi, hộ lý Trần Thị Lan trăn trở: "Ngày Tết thiếu nhi sắp đến gần, các em phần đông từ những vùng quê nghèo đến đây. Nếu không vì mắc căn bệnh hiểm nghèo phải lấy bệnh viện làm nhà, thì có lẽ ít em trong số này được đặt chân đến thủ đô Hà Nội. Mình chỉ mong ước ngày Tết thiếu nhi năm nay, các em có cơ hội được đến thăm vườn thú hay được đi xem xiếc, có cơ hội ngắm tận mắt những con vật mà từ trước tới giờ chúng mới chỉ thấy qua tivi, tranh, ảnh. Vì với những đứa bé này, đó là món quà ý nghĩa nhất.”

Chia tay những "đầu trọc" bé nhỏ ở đây, chúng tôi không khỏi xót xa và ám ảnh. Vẫn còn đó những tâm sự, những câu chuyện đau lòng còn dang dở mà qua bài viết này chưa thể đăng tải hết. Và ước mơ một lần được đi sở thú, xem xiếc vẫn ánh lên trong mắt những đứa trẻ tội nghiệp mỗi khi chúng phải trải qua sự sợ hãi, đau đớn ngước mắt nhìn cây truyền hóa chất.

Chia sẻ