8 vụ bê bối thực phẩm gây chấn động khiến thế giới kinh hãi

Hồng Nam (tổng hợp),
Chia sẻ

Nước tương làm từ tóc người, ớt bột đỏ làm từ sơn chứa chì... đều gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, là những vụ bê bối thực phẩm nghiêm trọng trên thế giới.

Thực phẩm là một trong những mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành một bài toán nan giải đối với các nước trên thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10 người thì có một người bị nhiễm bệnh sau khi tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm độc.

Hàng năm, có khoảng 420.000 người tử vong vì thức ăn kém chất lượng, trong số đó có 40% là trẻ em. Và có nhiều vụ bê bối thực phẩm trên thế giới mỗi khi nhắc lại khiến người tiêu dùng phải rùng mình kinh hãi.

Ớt bột đỏ nhiễm chì

Gia vị tiêu biểu trong chế biến thực phẩm ở Hungary là ớt bột. Chúng xuất hiện trong gần như toàn bộ món ăn ở đây. Tuy nhiên, vào năm 1994, một vụ bê bối thực phẩm đã bị phát giác khi người ta phát hiện ra loại ớt dùng để nghiền bột có màu đỏ có được từ sơn chứa chì.

Sơn chứa chì sẽ làm ớt nặng hơn, có màu sắc đẹp hơn, nên nghiễm nhiên bán được giá hơn. Sự việc bị phát hiện khi có hàng chục người ngã bệnh, thậm chí tử vong do nhiễm độc sơn chì. Quá trình lấy mẫu thử cho biết 5,8% số ớt bột trong nước có nhiễm sơn có chì. Sau khi vụ bê bối này xảy ra, chính phủ Hungary đã cấm ớt bột hoàn toàn.

ớt bột
Sơn chứa chì sẽ làm ớt nặng hơn, có màu sắc đẹp hơn nhưng gây nhiễm độc cho người dùng, thậm chí có thể tử vong.

Thịt bò điên

Trường hợp đầu tiên của bệnh viêm não thể bọt biển ở bò (BSE) được chẩn đoán lần đầu tại Anh vào năm 1994. Sự hoảng loạn của người tiêu dùng nhanh chóng được lan truyền đi, bởi con người khi ăn thịt bò bị nhiễm bệnh có nguy cơ bị mất trí nhớ và không biểu hiện bệnh cho đến nhiều năm sau đó.

Hàng triệu gia súc tại Anh đã bị đưa đi tiêu hủy và khoảng một triệu gia súc đã trở thành nguồn thực phẩm cho quốc gia này. Bệnh dịch này nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Thậm chí, ở Canada, người ta đã chẩn đoán ra một số trường hợp bị bệnh.

thịt bò điên
Thịt bò điên đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Nước uống đóng chai từ nước máy

Hầu hết mọi người đều cho rằng nước uống đóng chai là nước khoáng tự nhiên, nhưng một số trường hợp thì không phải như vậy. Vào năm 2013, Coca Cola đã buộc phải thừa nhận rằng dòng sản phẩm Dasani của họ chỉ là nước máy tinh khiết, thông qua quá trình lọc giống như  nước vòi.

Trong thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Dasani không phải là kẻ có tội duy nhất. Cứ 2 trong số 5 chai nước được bán trên khắp thế giới này đều là nước máy.

Đầu năm 2004, công ty Coca Cola cũng phải thu hồi khoảng 500.000 chai nước mang nhãn hiệu Dasani tại thị trường Anh sau khi phát hiện các mẫu thử từ chai nước này chứa hóa chất bromated vượt ngoài tiêu chuẩn cho phép. Nếu tiếp xúc lâu dài với hóa chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

nước uống
Coca Cola đã buộc phải thừa nhận rằng dòng sản phẩm Dasani của họ chỉ là nước máy tinh khiết, thông qua quá trình lọc giống như  nước vòi.


Sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc

Vào năm 2008, tại Trung Quốc, 16 trẻ em được phát hiện mắc sỏi thận sau khi uống sữa bột do công ty quốc doanh thuộc tập đoàn Tam Lộc sản xuất, đặc biệt có 6 ca trẻ em sơ sinh bị tử vong.

Các cơ quan chức năng phát hiện ra rằng sữa và sữa bột trẻ em của tập đoàn này nhiễm chất độc melamine. Họ đã dùng melamine trộn trong sữa để làm cho thực phẩm có độ đạm cao hơn. 

Theo số liệu ước tính, tới tháng 11/2008, vụ bê bối này đã ảnh hưởng tới 300.000 người với 54.000 trẻ em phải nhập viện do tổn thương thận. Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận và các vụ kiện, một số quan chức chính phủ buộc phải từ chức. Đặc biệt, quá trình thu hồi sản phẩm sữa nhiễm methamine còn kéo dài tới cuối năm 2010.

sữa bột
Vụ bê bối này đã ảnh hưởng tới 300.000 người với 54.000 trẻ em phải nhập viện và 6 bé tử vong.

Rượu lậu trộn thuốc trừ sâu

Vào năm 2011, ngộ độc rượu nhập lậu là nguyên nhân gây ra cái chết của 143 người ở Tây Bengal, Ấn Độ. Chính quyền Ấn Độ đã bắt 10 người liên quan đến vụ ngộ độc rượu này. Một trong số đó khai nhận rằng một lô hàng nhiễm độc sau khi họ trộn rượu với nước cùng thuốc trừ sâu để tăng "hương vị".

Tử vong do uống rượu chất lượng kém rất phổ biến ở Ấn Độ vì người nghèo không có đủ khả năng mua rượu tốt. Nhũng kẻ buôn lậu thường trộn rượu với nhiều hóa chất như thuốc trừ sâu để tăng lợi nhuận. 

Dù vậy, các nhà máy sản xuất ở Tây Bengal vẫn hoạt động phi pháp mà không có sự cho phép từ chính quyền. Họ cũng thường hối lộ cảnh sát để làm ngơ trước yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

rượu độc
Để tăng lợi nhuận, những nhà sản xuất rượu lậu thường trộn thêm thuốc trừ sâu khiến nhiều người tử vong.

Nước tương làm từ tóc người

Tháng 1/2014, cộng đồng mạng Trung Quốc không khỏi ngỡ ngàng khi “khui” được một số cơ sở sản xuất xì dầu từ... tóc người. Thành phần chính làm nên nước tương là amino acid, được chế biến từ tóc của con người, thu nhặt từ các tiệm uốn tóc hoặc các đống rác thải ra từ các bệnh viện ở nhiều nơi trong nước Trung Quốc vô cùng độc hại.

Nguyên do người ta sử dụng tóc người để làm nước tương là vì nguyên liệu này rất rẻ, nhờ thế giá thành của nước tương cũng rẻ theo nên có thể cạnh tranh dễ dàng với những loại nước tương thật khác. Hơn nữa tóc của con người chứa dồi dào protein hơn đậu nành và lúa mì, khi làm thành nước tương lại có mùi vị thơm ngon hơn.

nước tương
Nước tương làm từ tóc (bên trái) đen sẫm hơn và không có độ trong, bóng.

Cung cấp thịt ôi thiu cho cửa hàng ăn nhanh

Tháng 7/2014, nhà máy cung cấp thực phẩm Husi Thượng Hải thuộc tập đoàn OSI của Mỹ buộc phải đóng cửa sau khi bị cáo buộc bán thịt gà và thịt bò hết hạn cho các chuỗi nhà hàng ăn nhanh ở Trung Quốc.

Những hình ảnh được chia sẻ rộng rãi cho thấy công nhân trộn thịt đã quá hạn sử dụng với thịt mới để sản xuất sản phẩm nhằm tăng sản lượng và giảm chi phí sản xuất. Thậm chí, lãnh đạo công ty sẽ đuổi việc các nhân viên nếu sự việc bị bại lộ. 

Vụ bê bối thực phẩm này còn lan sang nước láng giềng Nhật Bản khi chuỗi nhà hàng McDonald's ở quốc gia này cho hay, nhà máy Husi Thương Hải cũng đã cung cấp khoảng 20% thịt cho sản phẩm thịt gà chiên bột của nhà hàng.

đóng cửa
Hoạt động tại nhà máy Husi Thượng Hải trước khi bị đóng cửa.

Côn trùng, sâu bọ trong thực phẩm đóng gói cho trẻ em

Tập đoàn Nhật Bản Asahi Holdings ngày 8/1/2015 cho biết họ đang thu hồi khoảng 120.000 gói sản phẩm thịt trộn khoai tây cho trẻ em sau khi người tiêu dùng phát hiện một gói sản phẩm có chứa một con dế, một loại côn trùng nhỏ trông giống con cào cào, theo AFP.

Nhãn hàng thức ăn trẻ em Wakodo, công ty con của Asahi Holdings, hồi tháng 12.2014 nhận được phản ánh của một khách hàng ở tỉnh Tochigi cho biết bà phát hiện một con dế dài 7,4 mm trong gói sản phẩm thịt trộn khoai tây cho trẻ em Wakodo.

Cả Wakodo và Asahi Holdings cho hay họ không biết liệu rằng con dế lẫn vào thức ăn trong quá trình sản xuất hay không, nhưng vẫn ra quyết định thu hồi sản phẩm. Vụ việc này đã từng làm rung chuyển ngành công nghiệp thực phẩm ở nước này trong thời gian dài.

Nhật Bản
Nhật Bản dính phải vụ bê bối thực phẩm bẩn có chứa sâu bọ, côn trùng có thể gây nguy hại cho trẻ em.
Chia sẻ