7 sai lầm phổ biến nhất khi lập kế hoạch tài chính cá nhân
Việc biết chính xác những cạm bẫy và sai lầm dễ mắc phải sẽ giúp bạn phòng tránh tốt hơn mỗi khi lập kế hoạch tài chính cá nhân.
Rất nhiều người đã từ bỏ việc lập kế hoạch tài chính cá nhân và quay về thói quen chi tiêu cảm tính do không thể thực hiện được những gì đã đặt ra.
Thông thường, những khó khăn mà bạn gặp phải khi tiến hành chi tiêu theo dự kiến đều bắt nguồn từ những sai lầm mắc phải ngay từ khâu lập kế hoạch tài chính cá nhân.
Những quan niệm sai lầm về tiền bạc có thể khiến kế hoạch chi tiêu của bạn bị đổ bể. Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn để sửa lại và xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân mới phù hợp hơn.
Việc biết rõ những sai lầm, cạm bẫy xuất hiện trong khâu lập kế hoạch tài chính cá nhân sẽ giúp bạn phòng tránh và kiểm soát tài chính của bản thân tốt hơn.
1. Không có kế hoạch chi tiêu
Một trong những sai lầm lớn nhất mà nhiều người mắc phải đó là không xây dựng kế hoạch chi tiêu cụ thể. Điều này đồng nghĩa với việc bạn chi tiêu theo cảm tính nhiều hơn, thậm chí bạn không thể biết rõ bản thân đã chi cho những gì. Hệ quả là, bạn sẽ rơi vào tình trạng bội chi, không thể để ra các khoản tiết kiệm hàng tháng, cũng như không đạt được mục đích tài chính quan trọng như dành tiền mua nhà, mua xe.
2. Không ước tính được chi tiêu cá nhân
Khi lập kế hoạch tài chính cá nhân theo từng tháng, bạn cần đánh giá tổng thể thu nhập và nhu cầu chi phí của bản thân, từ đó phân bổ ngân sách hợp lý cho từng hạng mục chi tiêu trong tháng. Tuy nhiên, việc này được nhiều người thực hiện hết sức cảm tính. Việc này khiến bạn hoặc phỏng đoán quá thấp hoặc quá cao khoản tiền cần chi tiêu cho các hạng mục.
Thay vì phỏng đoán dựa trên cảm tính, bạn hãy theo dõi chi tiêu trong một tháng và lấy đó làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân.
3. Không theo dõi chi tiêu hàng tháng
Nếu bạn chỉ lập kế hoạch tài chính mà không theo dõi chi tiêu hàng tháng thì nguy cơ rất cao là kế hoạch lập ra sẽ đổ bể. Việc không theo dõi chi tiêu khiến bạn không thể bám sát ngân sách chi cho từng hạng mục. Lúc này, việc bội chi hay thâm hụt tài chính là điều rất dễ xảy ra.
Trên thực tế, việc theo dõi chi tiêu hàng tháng rất đơn giản. Bạn chỉ cần đặt bút ghi chép lại thật rõ ràng những khoản chi tiêu hàng ngày trong tháng. Thậm chí, hiện nay có không ít ứng dụng thông minh trên điện thoại hỗ trợ bạn thực hiện việc này.
4. Bỏ sót các hạng mục chi tiêu
Một sai lầm điển hình mà nhiều người dễ mắc phải là bỏ sót các hạng mục chi tiêu bên trong kế hoạch tài chính cá nhân. Đó có thể là những khoản chi tiêu rất nhỏ lẻ nên dễ dàng bị bạn bỏ qua như tiền gửi xe, tiền uống trà, cà phê hàng ngày. Trong một vài trường hợp, khoản chi đó còn có thể là tiền mừng cưới, tiền đầy tháng, quà sinh nhật.
Mọi sự bỏ sót nào liên quan đến chi tiêu đều có thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của bạn.
5. Không có quỹ khẩn cấp
Quỹ khẩn cấp là một khoản tiền được chi để thanh toán cho các hạng mục ngoài kế hoạch như tiền y tế, tiền sửa xe. Tuy nhiên, đây không phải là cái tên thường có mặt trong kế hoạch tài chính cá nhân của nhiều người. Hệ quả là vào những lúc gặp trường hợp khẩn cấp, bạn sẽ dễ rơi vào tình huống thiếu hụt ngân sách.
6. Không có hạng mục giải trí
Bỏ qua chi tiêu cho mục đích giải trí cũng là một thiếu sót của nhiều cá nhân khi lập kế hoạch tài chính. Mọi người thường tập trung vào các hạng mục chi tiêu đáp ứng nhu cầu hàng ngày như thực phẩm, điện nước mà quên đi nhu cầu giải trí. Đi xem một bộ phim, một buổi biểu diễn, đi picnic đều nhằm mục đích cải thiện tâm trạng cá nhân và rất cần được đưa vào kế hoạch tài chính.
7. Không điều chỉnh các hạng mục chi tiêu theo tháng
Hàng tháng có những khoản chi tiêu cố định như tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Nhiều người có thói quen đặt ra một khoản ngân sách không đổi theo từng tháng. Tuy nhiên, vẫn có những hạng mục cần bạn điều chỉnh theo các tháng. Ví dụ, tiền điện chi cho các tháng hè thường nhiều hơn các mùa khác trong năm nên khi lập kế hoạch tài chính bạn cũng cần nâng ngân sách cho tiền điện. Đồng thời, khi đã qua mùa hè thì bạn có thể điều chỉnh xuống ở một mức ngân sách hợp lý hơn.
Theo The Balance Money