7 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch đang được can thiệp ECMO

Thanh Thanh,
Chia sẻ

Tiểu Ban điều trị cho biết, Việt Nam hiện có 129 bệnh nhân tiên lượng nặng, 125 bệnh nhân nặng thở ô-xy gọng kính, 26 bệnh nhân nặng thở máy không xâm nhập, 26 bệnh nhân nguy kịch thở máy xâm nhập và bảy bệnh nhân nguy kịch được chạy ECMO.

Theo số liệu báo cáo của Tiểu ban điều trị Covid-19, tính đến sáng nay, cả nước ghi nhận tổng cộng 8.364 bệnh nhân Covid-19. Trong số đó có 3.344 người khỏi bệnh ra viện, chiếm 40,5%.

Tổng số trường hợp mắc Covid-19 tử vong tại Việt Nam đến nay là 51 người, chiếm 0,62%. Hiện tại, 4.871 bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở y tế, chiếm 58,93%. Từ 27/4 đến nay, cả nước có 5.298 ca mắc, trong đó có 4.756 bệnh nhân đang điều trị (88,11%).

Các chuyên gia của Tiểu Ban điều trị và giáo sư đầu ngành đang nỗ lực hội chẩn, lên phương án điều trị cho bệnh nhân.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, cho biết 80% bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam ở tình trạng nhẹ, không triệu chứng. 20% còn lại là những người tiên lượng nặng. Trong đó, 5% bệnh nhân rất nặng, phải thở máy, ECMO.

Theo GS Nguyễn Gia Bình, những trường hợp cần thở ô-xy đều phải được coi là bệnh nhân nặng. Các cơ sở y tế cần củng cố, tăng cường hoạt động của đội ngũ cán bộ điều trị, nhằm bảo đảm chất lượng, sức khỏe cho thầy thuốc.

Trước đó, vị chuyên gia này nhận định nhiều bệnh nhân khi chưa mắc Covid-19 đã có tình trạng sức khỏe kém, tiên lượng tử vong. Do đó, việc điều trị với những trường hợp này là hành trình khó khăn.

BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Tổ trưởng Tổ điều trị của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Ninh phòng chống Covid-19 cho biết, hiện tỉnh Bắc Ninh có 24 bệnh nhân nặng, một bệnh nhân phải thở máy xâm nhập và lọc máu liên tục… Sức khỏe của số bệnh nhân nặng hiện đang được điều trị tích cực với sự hỗ trợ chuyên môn của các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai.

BSCK II Nguyễn Trung Cấp nhận định, BVĐK tỉnh Bắc Ninh đủ năng lực đáp ứng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân hiện nay, trên cơ sở nhân lực hiện có của bệnh viện, nhân lực hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương, các tỉnh. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư đều đáp ứng yêu cầu điều trị theo nhiệm vụ được giao trong vòng 28 ngày.

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch khi số bệnh nhân tăng lên 3.000 ca mắc, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh đã giúp địa phương củng cố, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bằng các hình thức đào tạo trực tuyến, về cơ sở y tế trực tiếp chỉ đạo “cầm tay chỉ việc”.

Nói về kịch bản khi Bắc Ninh có đến 3.000 mắc, BSCKII Nguyễn Trung Cấp cho rằng, cần tính đến phương án phân luồng từ xa cho BVĐK tỉnh Bắc Ninh để điều trị bệnh nhân thông thường; điều chuyển nhân lực các thầy thuốc của chuyên khoa sâu ra đơn vị điều trị mới, bao gồm các chuyên khoa: Ngoại khoa, Sản khoa, Nhi khoa, Sơ sinh, Tim mạch, Hô hấp…

Ngành y tế Bắc Ninh cần có kế hoạch chuyển bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không triệu chứng đã sang giai đoạn ổn định (sau ngày thứ 9 của bệnh) sang cơ sở cách ly riêng, chờ hồi phục để giảm tải cho các bệnh viện dã chiến.

BSCKII Nguyễn Trung Cấp cũng kiến nghị, để bảo đảm điều trị ban đầu tốt, hạn chế tỷ lệ diễn biến nặng, gây quá tải cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh (đặc biệt là đơn vị hồi sức tích cực (ICU), ngành y tế tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường năng lực về điều trị và xét nghiệm (tối thiểu phải làm được: D-Dimer, Ferritine, Procalcitonin, Định lượng CRP) cho các bệnh viện dã chiến…

Chia sẻ