60 tuổi, kết hôn với người đàn ông giàu, mỗi tháng ông ấy đưa 17 triệu đồng, ‘không đủ tiêu’: Tôi muốn ly hôn!
Bà Tôn chia sẻ, sau khi chung sống với ông Trương, bà thấy cuộc sống vất vả hơn trước, ngay cả một bộ quần áo, bà cũng không dám mua. Bà muốn ly hôn nhưng lo họ hàng, bạn bè, con cái "đánh giá" nên bà vẫn chưa đưa ra quyết định.
*Bài viết đăng tải trên diễn đàn Toutiao (MXH của Trung Quốc) gây chú ý khi chia sẻ về câu chuyện của bà Tôn.
Trong cuộc sống, một trong những điều quý giá nhất chính là tình cảm. Ai cũng hy vọng có một người bên cạnh, yêu thương nhau đến khi đầu bạc. Có một người bạn đời cùng mình sống đến già, ít nhất đến khi về già, lúc ốm đau có người chăm sóc, khi buồn còn có người an ủi, cuộc sống sẽ không quá tẻ nhạt.
Tìm được một người bạn đời có điều kiện kinh tế, có thể sống hạnh phúc khi về già không? Ở tuổi 60, sau khi sống một mình nhiều năm, tôi tìm được một người bạn đời, mỗi tháng ông ấy đưa 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng) tiền sinh hoạt phí, nhưng chỉ trong 3 tháng, tôi liền muốn chia tay.
Tôi họ Tôn, năm nay 60 tuổi. Trước đây tôi có một gia đình rất hạnh phúc, có một người chồng hiền lành và một đứa con hiếu thảo. Mọi người xung quanh đều ngưỡng mộ tôi. Tôi và chồng cùng làm việc ở một đơn vị, thường xuyên tiếp xúc trong công việc, chúng tôi quý mến nhau và tiến tới hôn nhân.
Chồng tôi rất tốt bụng, có trách nhiệm với gia đình. Bạn bè xung quanh đều khen tôi may mắn, tìm được một người chồng tốt, một gia đình hòa thuận, đúng là gia đình mẫu mực. Sau này, con trai tôi lấy vợ, vợ chồng tôi cuối cùng cũng đến tuổi nghỉ hưu. Chúng tôi dự định khi nghỉ hưu sẽ mua một chiếc ô tô, sau đó dùng tiền lương hưu để đi du lịch và tận hưởng cuộc sống.
Chúng tôi đang háo hức chờ đợi tương lai tươi đẹp thì chồng tôi bất ngờ đổ bệnh. Dù đã tích cực điều trị suốt nửa năm, ông ấy vẫn không qua khỏi. Tôi không thể chấp nhận nổi sự thật này. Thời gian đó, tôi buồn bã, trầm cảm. Thấy tôi một mình, con trai tôi cũng hy vọng tôi có thể lên thành phố để giúp con chăm sóc cháu, để con dâu có thể đi làm. Tôi nghĩ việc lên thành phố giải khuây cũng tốt, mỗi ngày ở cùng người thân có lẽ sẽ giúp tôi quên đi nỗi đau này. Sau đó, tôi thu dọn đồ đạc và lên thành phố.
Ban đầu tôi khá mong đợi, nghĩ rằng ngoài việc chăm sóc cháu và làm việc nhà, tôi vẫn khá tự do, ở nhà con trai để an dưỡng tuổi già. Khi đến đó, tôi phát hiện ra việc ở nhà con trai không nhẹ nhàng, mỗi ngày đều mệt mỏi, không thoải mái như ở một mình. Không chỉ phải làm việc nhà cho cả gia đình, mà còn phải nhìn sắc mặt của con dâu, sống không khác gì một bảo mẫu.
Lúc đầu, con dâu còn đối xử khá tử tế với tôi, nhưng sau đó bắt đầu kiếm cớ chỉ trích tôi đủ điều. Con trai tôi lại sợ vợ, không bao giờ đứng ra nói đỡ cho tôi, khiến tôi hoàn toàn không có chút địa vị nào trong nhà này, cuộc sống thực sự rất bức bối.
Khi cháu nội vào học tiểu học, tôi quay về quê. Tôi nghĩ rằng với 4,000 NDT (khoảng 14 triệu đồng) tiền hưu trí mỗi tháng, dù con trai không quan tâm, tôi vẫn có thể trang trải được. Tôi quyết định sẽ không quay lại nhà con trai nữa. Sống một mình ở quê, dù có cô đơn nhưng tôi không phải nhìn sắc mặt ai.
Khi trở về quê, tôi đã có một khoảng thời gian yên bình trong vài năm. Tuy nhiên, một sự việc đã xảy ra khiến tôi có suy nghĩ mới về việc dưỡng già.
Hôm đó trời mưa, tôi đi siêu thị mua đồ. Khi xuống cầu thang, tôi bị trượt ngã, phải nhập viện. Bác sĩ bảo tôi bị bong gân và cần nghỉ ngơi một thời gian. Về nhà, do chân đau, tôi không thể tự nấu ăn, phải nhờ hàng xóm mang đồ ăn đến, tôi cũng thấy áy náy. Vào thời điểm đó, tôi nảy ra ý định tìm một người bạn đời để chung sống và chăm sóc nhau.
Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, tôi đã gặp ông Trương. Ông Trương có điều kiện kinh tế tốt, không chỉ có nhà ở trung tâm thành phố mà còn có căn hộ cho thuê. Điều này có nghĩa là sống cùng ông Trương, ít nhất tôi không phải lo lắng về vấn đề kinh tế.
Sau nửa năm hẹn hò, chúng tôi đã xác định mối quan hệ, quyết định kết hôn và sống chung. Chúng tôi rất hợp nhau về quan điểm, từ khi quen biết đến giờ chưa từng cãi nhau. Dù ông ấy có tiền, nhưng không phô trương, luôn quan tâm đến cảm xúc của tôi. Ngoài ra, ông ấy còn rất hào phóng, không chỉ mua cho tôi những sản phẩm chăm sóc da đắt tiền mà còn thường xuyên đưa tôi đi ăn ở trung tâm thương mại. Ở bên ông ấy, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Trước khi tôi chuyển đến nhà ông Trương, ông đã nói với tôi: “Tôi không biết làm việc nhà, mong bà sau này có thể trở thành một người vợ, người mẹ tốt. Việc nhà phải nhờ vào bà. Từ bây giờ, tôi sẽ đưa cho bà 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng) mỗi tháng để chi trả cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta, phần còn lại bà có thể tùy ý sử dụng, tôi sẽ không bao giờ can thiệp”.
Nghe vậy tôi rất vui, hai người già một tháng có thể tiêu bao nhiêu tiền chứ? Cùng lắm là 3.000 NDT (khoảng 10 triệu đồng), số còn lại 2.000 NDT (khoảng 7 triệu đồng) tôi có thể coi như tiền tiêu vặt. Ông Trương thật là hào phóng!
Khi thực sự sống cùng ông Trương, tôi nhận ra mọi chuyện không đơn giản như vậy. Không có bữa trưa nào miễn phí, ông ấy không hào phóng, tất cả những gì ông ấy nói đều có mục đích riêng.
Từ khi tôi đến sống tại nhà ông Trương, ông ấy như một ông chủ, còn tôi thì giống như một người giúp việc. Mỗi ngày tôi đi chợ, nấu ăn, quét nhà, giặt quần áo,... Vừa mới có chút thời gian rảnh, tôi nghĩ có thể ngồi nghỉ một chút, thì ông Trương lại giao cho tôi việc khác để làm. Tôi nghi ngờ liệu ông ấy có cố tình không, sao lại không để tôi có chút thời gian nghỉ ngơi nào?
Dù ông Trương cho tôi 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng) mỗi tháng, nhưng tháng nào cũng không đủ tiêu, tôi thậm chí còn phải bù thêm tiền của mình.
3 người con của ông Trương đều sống gần đó, mỗi cuối tuần họ đều về nhà ăn cơm, 2 con trai và 1 con gái, còn có con dâu, con rể và cháu. Ông Trương nói rằng không thể bỏ bê gia đình ông ấy, nếu không tôi sẽ không phải là một người bạn đời đạt chuẩn và con cái ông cũng sẽ không đồng ý chúng tôi ở bên nhau. Mỗi cuối tuần tôi phải mua nguyên liệu ngon, hải sản họ thích ăn. Một đại gia đình mười người, có thể tưởng tượng được cần bao nhiêu tiền mua đồ ăn?
Họ ăn xong rồi đi, tôi phải dọn dẹp phòng khách và nhà bếp, còn phải rửa bát. Mỗi lần thức ăn còn thừa, tôi và ông Trương phải ăn lại cả tuần. Vừa ăn hết đồ thừa thì họ lại đến ăn cơm, cứ thế mà lặp đi lặp lại, ngày nào cũng ăn đồ thừa, thật mệt mỏi.
Con cái ông Trương đến đã đành, ông còn thích dẫn bạn bè về nhà ăn uống. Tôi đã nói nhiều lần rằng nếu muốn mời bạn thì ra nhà hàng, tôi cũng đã lớn tuổi, nấu nhiều món vậy cũng mệt. Ông Trương nói mời bạn ra nhà hàng là không tôn trọng họ, ông ấy luôn có lý lẽ của mình, tôi không tìm được cách nào phản bác.
Bạn bè đến, chắc chắn không thể thiếu đồ ăn thịnh soạn. Thêm vào đó, tất cả đồ dùng hàng ngày đều do tôi mua, số tiền 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng) này thực sự không đủ tiêu, thường chưa hết tháng đã hết sạch tiền. Khi tôi xin thêm tiền, ông Trương lại nói: "Tôi đã đưa bà nhiều tiền như vậy mà, sao tiêu nhanh thế?"
Tôi thực sự muốn khóc, ông ấy không hiểu chi tiêu bây giờ đắt đỏ thế nào. Nhà tiêu nhiều tiền vậy, ông ấy còn uống trà ngon, còn tiền mua thực phẩm chức năng cho người già, số tiền này chắc chắn không đủ dùng.
Ban đầu tôi nghĩ rằng lấy ông Trương sẽ không phải tằn tiện như trước, không ngờ bây giờ còn khổ hơn trước, ngay cả một bộ quần áo, tôi cũng không dám. Giờ tôi thực sự muốn ly hôn với ông Trương. Nghĩ đến họ hàng và con trai tôi đều biết tôi và ông Trương ở bên nhau, nếu ly hôn, mặt mũi tôi biết để vào đâu? Thật là mâu thuẫn, tôi có nên ly hôn không?
Theo Toutiao