6 thủ thuật giã từ chứng đau bụng kinh

Thúy Phạm ,
Chia sẻ

Đau bụng kinh ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của chị em. Một vài thủ thuật dưới đây giúp bạn trải qua tình trạng khó chịu này một cách dễ dàng hơn.

Đau bụng kinh xảy ra trong vòng vài giờ sau khi có kinh, nhưng cũng có thể kéo dài trong ngày đầu tiên hoặc cả những ngày sau đó trong kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng có thể là đau bụng hoặc chuột rút. Cảm giác đau có thể lan rộng đến vùng xương chậu, hậu môn hoặc đùi. Trường hợp nghiêm trọng xảy ra là khi mặt tái xanh, môi nhợt nhạt, chân tay yếu, nôn mửa, tim đập nhanh, thậm chí ngất xỉu… Y học Trung Quốc tin rằng lý do chính gây ra đau bụng kinh là sự trì trệ khí, nhiệt ẩm, khí cơ thể suy giảm, gan và thận yếu. 
 
Dưới đây là một vài thủ thuật giúp bạn trải qua tình trạng khó chịu này một cách dễ dàng hơn.
 
1. Thư giãn tinh thần
 
Duy trì một trạng thái tâm thần ổn định, giảm lo âu, sợ hãi... có thể giúp giảm đau bụng kinh.
 
 
2. Chế độ ăn uống cân bằng
 
Chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng trong kỳ kinh nguyệt có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng. Bạn có thể ăn các loại rau (lá màu xanh đậm) và trái cây giàu vitamin C để bổ sung khoáng chất cho cơ thể. Tránh ăn các thực phẩm có chứa caffeine như cà phê, trà, sô-cô-la vì chúng sẽ làm cho bạn cảm thấy lo lắng, đồng thời dễ dàng tạo ra sự khó chịu của kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn dễ bị phù nề trong kỳ kinh nguyệt thì rượu sẽ làm cho các triệu chứng này trầm trọng thêm.
 
3. Giữ ấm cơ thể
 
Trong thời kỳ kinh nguyệt cần giữ cho cơ thể ấm áp, bao gồm việc mặc quần áo ấm (trong mùa lạnh), tránh mưa, không rửa nước lạnh, không ngồi trên nền đất lạnh, ẩm ướt. Đau bụng kinh nhẹ có thể uống nhiều nước nóng, chườm bụng bằng túi chườm hay chai nước nóng cũng giúp thư giãn các cơ, giảm đau bụng hiệu quả.
 
4. Tránh hoạt động mạnh, giảm sức đề kháng
 
Những bài tập đòi hỏi phải gắng sức nhiều sẽ làm giảm sức đề kháng của chị em, khiến cho kinh nguyệt tắc nghẽn gây ra đau bụng kinh. Vì vậy, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt nên tránh những hoạt động mạnh, gắng sức và đảm bảo giấc ngủ đầy đủ.
 
5. Chú ý vệ sinh 
 
Vệ sinh kỳ kinh nguyệt cần được chú ý đặc biệt. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, vệ sinh khăn lau, vệ sinh tay để ngăn chặn các vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo gây ra nhiễm trùng.
 
6. Thuốc để giảm đau
 
Nếu cơn đau không chịu nổi, bạn có thể dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chia sẻ