6 cách để tránh xung đột với đồng nghiệp
Làm việc không cùng chí hướng, khác nhau về quan điểm nhìn nhận một vấn đề, ấm ức vì những câu nói khó chịu của đồng nghiệp... tất cả đều có thể đưa đến những cuộc đối đầu căng thẳng. Sau đây là một số bí quyết giúp bạn tránh khỏi xung đột không đáng có với đồng nghiệp:
Thật khó để không mâu thuẫn với đồng nghiệp khi đi làm. Tuy nhiên, có vài mẹo giúp cho bạn tránh được xung đột lớn khi có điều không hài lòng với đồng nghiệp -(Ảnh minh họa)
Đừng lên giọng
Trong bất cứ tình huống nào, bạn cũng nên giữ bình tĩnh và giọng điệu bình thường, đừng để lộ sự bất bình, giận giữ với đồng nghiệp. Cùng một nội dung nhưng ngữ điệu khác nhau sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Khi không bằng lòng với đồng nghiệp, tốt nhất bạn hãy hít một hơi thật sâu, giọdùngng điệu nhẹ nhàng để trao đổi lại. Chỉ cần bạn lớn tiếng, mọi việc nhiều khi có thể đi xa hơn bạn nghĩ.
Hạn chế xưng "tôi" với đồng nghiệp
Nhiều người cho rằng, xưng tôi là cách nói đúng mực nơi công sở, có thể dùng với cả người bằng tuổi, người kém tuổi hay lớn tuổi hơn. Tuy vậy, đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất này lại đem đến cảm giác không gần gũi.Thông thường, các đồng nghiệp vẫn xưng hô với nhau một cách thân tình, chị - em, cậu tớ, anh - em... và chỉ xưng tôi khi thực sự có vấn đề. Khi bạn xưng tôi sẽ tạo cho mọi người cảm giác khó chịu như kiểu bạn đang cáu giận hay phản ứng gay gắt với một vấn đề nào đó.
Đừng to tiếng với đồng nghiệp khi tranh luận. Bạn sẽ đẩy mọi việc không hay đi xa hơn đấy -(Ảnh minh họa)
Đừng phán xét người khác
Bạn và các đồng nghiệp khác đều là những người làm công ăn lương. Mỗi người mỗi việc nhưng cần có sự trao đổi, hợp tác để tạo thành cỗ máy, đưa mọi việc vận hành suôn sẻ. Có lúc đồng nghiệp phạm sai lầm cũng như bạn đôi khi không tránh khỏi bị mắc lỗi. Bởi vậy, hãy có cái nhìn thiện cảm hơn với mọi người, đừng dùng con mắt "cú vọ" để phán xét mọi hành động của họ. Thói quen phán xét chỉ khiến đồng nghiệp khó chịu và xung đột xảy ra chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Xác định rõ những tin đồn không hay
Khi bạn nghe thấy có những tin đồn không hay liên quan đến bạn, dù là trong công việc hay cuộc sống cá nhân, bạn cũng đừng vội nổi nóng với người đưa tin. Thay vào đó, bạn nên bớt chút thời gian tìm hiểu xuất xứ, nguyên nhân của những tin đồn thất thiệt đó. Một khi đã xác định rõ, bạn nên ngồi lại nói chuyện với kẻ tung tin để làm rõ vấn đề. Sự cáu giận nhiều khi dễ khiến bạn mất khôn, gây nên những mâu thuẫn với đồng nghiệp một cách không đáng có.
Không bàn tán về đời tư người khác
Đây cũng là một vấn đề dễ khiến đồng nghiệp nổi đóa bởi chẳng ai thích có kẻ đứng ngoài chọc ngoáy vào cuộc sống cá nhân của gia đình họ. Đừng bao giờ tạo cho mình thói quen lấy câu chuyện làm quà, buôn chuyện của người khác với đồng nghiệp cùng cơ quan. Điều đó chỉ khiến mối quan hệ của bạn với các đồng nghiệp xấu đi, thậm chí nhiều khi còn phải đối diện với những mâu thuẫn không đáng có.
Soi mói, bàn tán về đời tư của người khác là một thói quen không tốt nơi công sở -(Ảnh minh họa)
Đừng phớt lờ ý kiến của đồng nghiệp vì sự mâu thuẫn trước đó
Trong một cuộc họp bạn đóng vai trò chủ chốt, muốn tham khảo ý kiến mọi người, bạn lại bỏ qua chia sẻ của một đồng nghiệp vì mâu thuẫn cá nhân trước đó. Điều này hoàn toàn không nên bởi nó chỉ khiến mẫu thuẫn thêm trầm trọng khi đồng nghiệp cảm thấy bạn thiếu tôn trọng họ, chưa kể bạn có thể bỏ qua một đóng góp hữu ích. Bởi vậy, đừng để chuyện cũ làm hỏng việc mới, hãy gạt sang một bên mâu thuẫn cũ, bắt tay nhau thực hiện tốt nhiệm vụ trước mắt và càng không nên đẩy mâu thuẫn đi xa hơn.