5 tín hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường ngày càng trầm trọng và dễ xảy ra biến chứng: Có 4 thói quen cần tuân thủ để kiểm soát lượng đường hiệu quả
Thông qua 5 tín hiệu sau đây người bệnh có thể biết rằng bệnh tiểu đường đang ngày càng nguy hiểm mà tìm cách can thiệp sớm.
Những người chưa mắc bệnh tiểu đường đều cho rằng bệnh tiểu đường không có gì ghê gớm, nhưng thực tế là những biến chứng của bệnh tiểu đường lại vô cùng khủng khiếp. Một khi các biến chứng xảy ra, chất lượng cuộc sống của người bệnh đái tháo đường sẽ giảm sút rất nhiều, gây bệnh tim mạch, tổn thương thận, mù mắt, nghiêm trọng thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Khi mắc bệnh tiểu đường, điều quan trọng nhất đó là tự kiểm soát tình trạng bệnh của mình. Theo bác sĩ nội tiết Li Aiguo (chuyên gia Khoa Nội tiết của Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật) thông qua 5 tín hiệu sau đây người bệnh có thể biết rằng bệnh tiểu đường đang ngày càng nguy hiểm mà tìm cách can thiệp sớm.
5 dấu hiệu bệnh tiểu đường ngày càng nặng
1. Đường huyết luôn ở mức cao hoặc dao động lớn
Tăng đường huyết trong thời gian dài có liên quan mật thiết đến các biến chứng mạch máu của bệnh tiểu đường, đặc biệt là các biến chứng vi mạch, biến chứng ở thận, bệnh võng mạc và bệnh thần kinh. Việc kiểm soát đường huyết càng kém thì các biến chứng này càng xuất hiện sớm và nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ nội tiết Li Aiguo nhận định, tác hại của sự dao động đường huyết còn đáng sợ hơn cả việc bạn có đường huyết cao ổn định, có thể khiến bệnh nhân yếu, mệt, tai biến mạch máu não, đột quỵ.
2. Nhìn mờ hơn
Nếu một người bị bệnh tiểu đường nhận thấy các triệu chứng nhìn mờ thì hãy chú ý đến biến chứng võng mạc tiểu đường, nên đi khám mắt thường xuyên trước khi mắt bị tổn thương nặng.
3. Viêm hệ thống sinh sản
Khi tình hình xấu đi, bệnh nhân tiểu đường có thể bị viêm ở hệ thống sinh sản bởi sau khi mắc bệnh tiểu đường, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ suy giảm nhanh chóng, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập và dễ xảy ra viêm ở cơ quan tiểu tiện của người bệnh, do đó có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm âm đạo.
4. Các biến chứng mãn tính đã phát triển
Tác hại chính của bệnh tiểu đường đến từ các biến chứng mãn tính khác nhau, các biến chứng mãn tính này bao gồm bệnh thận, bệnh mắt, bệnh thần kinh, các bệnh tim mạch và mạch máu não, nhiễm trùng bàn chân... Đây đều là những nguyên nhân chính gây tàn phế và tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường.
Theo thống kê, khoảng 3/4 bệnh nhân đái tháo đường cuối cùng tử vong vì các biến chứng tim mạch. Vì vậy, sự xuất hiện của các biến chứng mãn tính của bệnh tiểu đường là một trong những chỉ số quan trọng nhất để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
5. Tay chân dễ bị lạnh
Nếu bệnh nhân đái tháo đường bị lạnh tay chân, đau hai chi dưới, đau quặn từng cơn thì rất có thể kèm theo xơ cứng động mạch và tắc hai chi dưới, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hoại tử bàn chân, thậm chí phải cắt cụt chi.
4 thói quen cần tuân thủ để kiểm soát lượng đường huyết hiệu quả
1. Kiểm soát chế độ ăn uống
Bệnh nhân tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống của mình, không nên ăn những món nhiều đường, có hàm lượng calo cao, giàu chất béo; nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, đậu và các loại thực phẩm nhiều chất xơ thô vì chúng có hàm lượng đường thấp hơn, hơn nữa còn có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường.
2. Khám sức khỏe định kỳ
Ngoài việc theo dõi đường huyết, bệnh nhân đái tháo đường cũng nên khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra mắt, nước tiểu, chân tay, huyết áp xem có ổn định hay không.
3. Cần đều đặn tập thể dục
Tập thể dục có thể thúc đẩy quá trình tiết insulin, rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Ngay cả những bài tập thể dục đơn giản, chẳng hạn như đi bộ 20 phút mỗi ngày cũng có thể đem lại hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng kháng insulin và giảm cân miễn là bạn kiên trì thực hiện.
4. Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ
Học cách điều chỉnh cảm xúc, vượt qua nỗi sợ hãi, tránh các thái độ tiêu cực cũng giúp sức đề kháng của cơ thể tốt hơn, giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả.