5 thói quen tưởng bình thường nhưng có thể khiến bạn tăng cân
Bất cứ thói quen bình thường nào cũng cần được thực hiện một cách khoa học, vì có như vậy mới đạt hiệu quả tốt và giúp bạn tránh bị tăng cân.
Mặc dù đã ăn nhiều rau quả, dành nhiều thời gian cần mẫn trong phòng tập thể dục nhưng mỗi khi bước lên chiếc cân quen thuộc, bạn vẫn thấy dường như cân nặng có xu hướng nhích lên. Điều này có thể khiến bạn nghi ngờ một điều rằng: Một số thói quen bạn tưởng tốt vẫn có thể khiến bạn lên cân như thường.
Tuy nhiên, đừng quá lo lắng, chỉ với một chút tinh chỉnh trong sinh hoạt hàng ngày, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được trọng lượng của mình một cách tốt nhất.
Dưới đây là 5 thói quen tưởng bình thường nhưng cũng có thể khiến bạn tăng cân.
Ảnh minh họa
1. Bạn tập thể dục quá lâu
Vấn đề là những buổi chạy kéo dài hàng giờ và miệt mài đổ mồi hôi trên máy tập có thể làm tăng nồng độ hormone stress cortisol, điều này lại khuyến khích lưu trữ chất béo trong cơ thể. Tốt hơn là bạn nên chia buổi tập thành từng quãng ngắn, trong đó mỗi lượt tập gắng sức theo sau bằng những phút nghỉ ngơi thư giãn.
Ví dụ, bạn chạy với cường độ cao trong 30 giây, sau đó chạy bộ trong một phút hoặc lâu hơn một chút trong khi cơ thể hồi phục. Lặp lại chu kỳ này trong 15-20 phút, nó sẽ giúp đốt cháy nhiều calo và giảm cân nhanh hơn.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Western Australia đã chứng minh điều này bằng cách so sánh 20 phút tập luyện theo từng quãng ngắn với lộ trình tập 40 phút ở cường độ ổn định trong một nhóm phụ nữ thừa cân và không ăn kiêng. Sau 15 tuần, nhóm 20 phút đã giảm được khoảng 6,5 kg, trong khi nhóm còn lại lại tăng lên gần 0,5 kg.
Ngoài ra, lời khuyên cho bạn là nên tránh các đồ uống thể thao và các thanh kẹo năng lượng (protein bar) sau buổi tập, bởi chúng có thể sẽ nạp thêm nhiều calo hơn lượng mà bạn vừa đốt cháy được. Thay vào đó, hãy uống nước lọc và ăn một chút trái cây.
2. Dùng các loại thuốc được kê đơn
Thuốc kê theo toa cũng có thể khiến bạn tăng cân. Nhiều loại thuốc chống trầm cảm, steroid chống viêm và thuốc kháng histamine đều ít nhiều có tác dụng phụ đối với trọng lượng cơ thể. Chúng có thể can thiệp vào quá trình chuyển hóa hoặc cơ chế phát tín hiệu đói: Thuốc chống trầm cảm thường cản trở serotonin - chất truyền dẫn thần kinh điều khiển sự thèm ăn; steroid chống viêm như prednisone không chỉ làm chậm trao đổi chất mà còn chuyển chất béo đến những khu vực không mong muốn như mặt, cổ và bụng.
"Nếu bạn phát hiện tăng cân, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để cân nhắc việc giảm liều lượng hoặc chuyển sang một loại thuốc khác không ảnh hưởng đến cân nặng", Lawrence Cheskin, tiến sĩ Y khoa, giám đốc Trung tâm Quản lý Trọng lượng Johns Hopkins cho biết.
Ảnh minh họa
3. Ăn sáng với ngũ cốc yến mạch và nước trái cây
"Vấn đề số một ở đây là nhiều người trong chúng ta đã lựa chọn ngũ cốc yến mạch và nước trái cây cho bữa sáng. Họ nghĩ rằng chúng lành mạnh bởi không chứa chất béo và ít calo, nhưng rồi họ vẫn đói và lại bị tăng cân", Louis Aronne, chuyên gia dinh dưỡng, đồng thời là một chuyên gia về bệnh béo phì tại Trung tâm Y tế Presbyterian/ Weill Cornell, New York cho biết.
Trên thực tế, các loại thực phẩm ăn sáng như ngũ cốc và yến mạch khiến cho đường huyết trong cơ thể tăng đột biến. Nước trái cây hoặc một quả chuối sẽ chất chồng thêm lên lượng carbs và thúc đẩy cơ thể lưu trữ chất béo.
Thay vào đó, chuyên gia Aronne khuyên bạn nên ăn một bữa sáng giàu protein, như sữa chua Hy Lạp kèm quả mọng, hay món trứng tráng với thật nhiều rau củ. Bắt đầu một ngày mới với một chế độ ăn uống low-carb và giàu protein có thể giúp bạn đốt cháy thêm 150 calo mỗi ngày, theo một nghiên cứu năm 2012 trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ.
4. Bạn chỉ mua các thực phẩm hữu cơ và không béo
"Thông thường những người mua sản phẩm không chứa hoặc chứa ít chất béo đều nghĩ rằng càng tiêu thụ nhiều loại đồ ăn này càng tốt", tiến sĩ Cheskin nói. "Tuy nhiên, các chất béo thường được thay thế bằng đường, và các thực phẩm thì vẫn đầy calo", ông cho biết thêm.
Do đó, khi nhìn thấy nhãn ghi “hữu cơ” hay “ít béo”, mọi người sẽ có xu hướng ước tính sai lượng calo và phục vụ mình khẩu phần ăn quá lớn, theo nghiên cứu từ Phòng Nghiên cứu Thực phẩm và Nhãn hiệu, Đại học Cornell. Đừng để thói quen mua sắm lành mạnh dỗ dành bạn có thể ăn bao nhiêu túy ý.
Ảnh minh họa
5. Bạn cắt giảm đường tuyệt đối
Nhưng những chất làm ngọt nhân tạo mà bạn đang sử dụng thực sự có thể lại khuyến khích bạn ăn nhiều hơn. Sử dụng lâu dài các chất tạo ngọt nhân tạo sẽ dẫn đến tăng cân và thậm chí làm thay đổi phản ứng của các vi sinh vật đường ruột với đường, khiến cho bạn dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hơn.
Một vấn đề nữa là chất tạo ngọt nhân tạo thường ngọt hơn đường rất nhiều. Chúng đánh lừa bộ não rằng bạn đang tiêu thụ đường, và do đó bắt đầu thèm đồ ngọt điên cuồng, điều này cuối cùng lại dẫn đến ăn quá nhiều, khiến mức insulin trong cơ thể tăng vọt và bắt đầu lưu trữ chất béo nhiều hơn. Đừng rơi vào vòng luẩn quẩn đó, hãy tiếp nhận đường từ tất cả các loại trái cây, đặc biệt là những quả giàu chất chống oxy hóa.
(Nguồn: Prevention)