5 nguyên nhân chính khiến các nàng công sở rơi vào tình trạng mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng
Sau khi trở về từ văn phòng sau một ngày làm việc dài, bạn có rơi vào trạng thái chỉ muốn nằm ngủ ngay lập tức và chẳng buồn làm bất kỳ việc gì khác? Bạn ước mỗi ngày có 48 tiếng đồng hồ để có thời gian thư giãn và nghỉ ngơi?
Theo các chuyên gia của Bộ Y tế Mỹ, cứ 10 người trên thế giới thì lại có 1 người rơi vào trạng thái mệt mỏi kéo dài; cứ 5 người Mỹ thì có 1 người nói rằng áp lực công việc khiến chất lượng cuộc sống của họ đi xuống trầm trọng.
Thỉnh thoảng xảy ra dấu hiệu mệt mỏi và uể oải là điều hoàn toàn bình thường, nhưng nếu tình trạng ấy kéo dài liên tục trong suốt một khoảng thời gian dài thì các nàng nên xem lại ngay xem mình có mắc phải những dấu hiệu dưới đây không:
1. Suy giảm chức năng thận
Triệu chứng này xảy ra khi bạn bị rối loạn hormone và nội tiết tố trong cơ thể, biểu hiện như sau:
- Lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ dù đã ngủ đủ giấc
- Ngái ngủ quá lâu vào buổi sáng
- Hay cảm thấy hoa mắt, chóng mặt
- Hay thèm ăn đồ ngọt
- Lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng, dễ cáu gắt
2. Thiếu vitamin B12
Vitamin B12 rất cần thiết trong quá trình hình thành các tế bào hồng cầu, giúp tế bào thần kinh hoạt động trơn tru để giữ cho bạn sự minh mẫn. Hậu quả của sự thiếu hụt B12 khó mà nhận biết ngay trong thời gian đầu, nó chỉ biểu hiện sau vài tháng, thậm chí là nhiều năm sau mới bộc phát ra. Những người có triệu chứng này thường đã trên 35 tuổi và phải chịu áp lực công việc ở cường độ cao.
Các dấu hiệu phổ biến nhất khi thiếu hụt vitamin B12 là:
- Thường xuyên khó thở
- Nhịp tim không đều và có hơi thở nặng nề
- Nhiệt miệng
- Cân nặng giảm sút
- Vàng da, da dẻ tái nhợt
- Kinh nguyệt không đều
Xét nghiệm máu có thể nhận ra ngay sự thiếu hụt của vitamin B12, các nàng đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện được bệnh càng sớm càng tốt nhé!
3. Trầm cảm
Càng trưởng thành, chúng ta càng phải đối diện với nỗi buồn và sự cô đơn nhiều hơn. Nhưng nếu những cảm xúc tiêu cực ấy cứ liên tục kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm thì khả năng cao bạn đã mắc phải chứng trầm cảm lâm sàng.
Các dấu hiệu dễ nhận biết là:
- Mệt mỏi, ủ rũ và chỉ thích ở trong nhà
- Trí nhớ giảm sút
- Cảm thấy bản thân vô dụng, yếu kém
- Hay có cảm giác buồn nôn, chóng mặt
- Thường xuyên mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Không có hứng thú với các hoạt động bên ngoài
- Không có ham muốn trong "chuyện yêu"
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều
- Lúc nào cũng có cảm giác bi quan, tuyệt vọng
- Luôn cảm thấy buồn bã, lo lắng về những chuyện cũ
- Từng có suy nghĩ muốn tự tử
Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng trên, hãy đến gặp các bác sĩ tâm lý ngay lập tức để điều trị kịp thời trước khi căn bệnh thế kỷ này trở nên trầm trọng hơn.
4. Ngủ không đủ giấc
Những tác hại của việc ngủ không đủ giấc là điều không phải bàn cãi. Rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng sống hàng ngày của các chị em. Làm gì thì làm, hãy nhớ ngủ đủ ít nhất 6 tiếng mỗi ngày để có đủ năng lượng làm việc nhé!
Các triệu chứng dễ gặp phải nếu bạn không ngủ đủ giấc:
- Thường xuyên đau nửa đầu
- Hay tỉnh giấc giữa đêm
5. Lười tập thể dục
Một lối sống ít vận động chắc chắn sẽ dẫn đến sự mệt mỏi, ủ rũ. Nhất là đối với các chị em phải ngồi làm việc liên tục 8 tiếng ở văn phòng, việc tập thể dục lại càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn. Những bài tập aerobic hay yoga nhẹ nhàng sau giờ làm là sự chọn hợp lý giúp chúng mình giải tỏa mọi căng thẳng và áp lực từ công việc.
Tuổi trẻ là quãng thời gian mà chúng ta sẵn sàng đánh đổi sức khỏe để hoàn thành công việc nhưng cũng vô tình khiến bản thân mắc phải những căn bệnh nguy hiểm như thoát vị đĩa đệm, tim mạch, ung thư… hay suy giảm trí nhớ vì thức khuya.
Vì guồng quay của công việc, mong muốn thành công, dường như nhiều người đang quên mất sự quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần như: Ngủ nghỉ để nạp năng lượng hay tập thể dục để cải thiện thể hình, thay vào đó họ đánh đổi nhiều thứ với suy nghĩ công việc là quan trọng nhất. Nhưng những căn bệnh mà chúng ta có nguy cơ mắc phải vì bỏ bê sức khỏe lại chính là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động, hiệu quả làm việc và khả năng thành công của mỗi người.
(Tổng hợp)