5 món “rau vàng” vừa bổ gan lại giảm nhiệt bên trong một cách tự nhiên, nên ăn thường xuyên trong mùa hè
Những món rau này không chỉ tươi ngon theo mùa mà còn tốt cho gan và có "tính chất giảm nhiệt tự nhiên", giúp bạn có một mùa hè sảng khoái.
Khi mùa hè bắt đầu, những đợt gió nóng bắt đầu hoạt động mạnh khiến cơ thể bức bối, mệt mỏi. Vào thời điểm này, nhiệt độ tăng cao, lượng mưa tăng, không khí nóng ẩm. Quá trình trao đổi chất của cơ thể con người tăng tốc, khiến bạn dễ đổ mồ hôi quá nhiều, chán ăn và gặp phải các triệu chứng "mùa hè cay đắng", gan nóng.
Do đó, khi vào hè, bạn nên hạn chế những món ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng. Nên thường xuyên bổ sung những loại rau củ ngọt mát, giúp thanh nhiệt. Chỉ khi bạn áp dụng chế độ ăn uống theo mùa hợp lý mới có thể hòa hợp giữa mùa với sức khỏe. Các thành phần món ăn nên tập trung vào tác dụng làm sạch, nuôi dưỡng gan, loại bỏ độ ẩm và giải nhiệt tốt. Hôm nay chúng tôi liệt kê giúp bạn 5 loại "rau vàng" cùng 5 công thức chế biến món ăn phù hợp để nấu trong bữa cơm mùa hè. Chúng không chỉ tươi ngon theo mùa mà còn tốt cho gan, có "tính chất giảm nhiệt tự nhiên", giúp bạn có một mùa hè sảng khoái.
1. Dưa chuột - Món ăn gợi ý: Dưa chuột thái sợi trộn
Dưa chuột có thể được gọi là "nhà vô địch về hàm lượng nước" trong số các loại rau mùa hè, với hàm lượng nước lên tới 96% trên 100gr. Khi ăn bạn không chỉ cảm nhận được vị giòn, mát, mà còn chứa nhiều vitamin C, kali và chất xơ. Nó có thể nhanh chóng bổ sung chất điện giải bị mất qua mồ hôi và có thể được gọi là "nước khoáng thiên nhiên". Ngoài ra, dưa chuột có chứa khoáng chất và chất dinh dưỡng (kali và chất xơ...) giúp gan hoạt động tốt hơn đồng thời hỗ trợ loại bỏ các độc tố và chất thải có hại.

Nguyên liệu làm món dưa chuột thái sợi trộn chua ngọt
2-3 quả dưa chuột, 100g giá đỗ, một ít măng củ, 1 quả ớt, 5 tép tỏi, nước mắm (hoặc nước tương), giấm trắng, đường, dầu mè và chút xíu muối.
Cách làm món dưa chuột thái sợi trộn chua ngọt
Bước 1: Rửa sạch và ngâm dưa chuột với nước muối pha loãng. Sau đó bạn xắt sợi dưa chuột. Măng củ rửa sạch và thái sợi tương tự như dưa chuột. Giá đỗ rửa sạch, để ráo nước. Tỏi lột bỏ vỏ, băm nhỏ. Ớt cắt thành khoanh nhỏ.
Bước 2: Đun sôi 1 nồi nước sau đó chần giá trong khoảng 30 giây rồi vớt ra. Tiếp đó bạn thả măng vào luộc cho đến khi chín, vớt ra thả vào âu nước lạnh. Khi măng nguội bạn vớt ra, vắt ráo nước. Cho dưa chuột, măng, giá đỗ vào âu trộn.

Bước 3: Cho tỏi băm, ớt, 1 thìa canh nước tương, nửa thìa canh giấm, nửa thìa canh đường, một chút dầu mè và chút xíu muối vào bát, trộn đều để được phần nước sốt trộn. Sau đó bạn rưới đều nước sốt vào âu đựng các loại rau củ đã xắt nhỏ rồi trộn đều, nhẹ nhàng. Như vậy là món ăn đã hoàn thành. Bạn có thể thêm chút rau mùi xắt nhỏ, lạc rang giã dập vào để tăng hương vị món ăn.
2. Mướp - Món ăn gợi ý: Mướp hấp miến sốt tỏi
Mướp vốn là loại nguyên liệu được mệnh danh là "nàng tiên xanh" trong vườn rau vào mùa hè. Theo Đông y, mướp có vị ngọt, tính mát, có tác dụng điều kinh, chỉ đới, bình can tức phong, thanh nhiệt, nhuận da, thông kinh lạc, thông đại tiểu tiện, hành huyết mạch. Do là loại thực phẩm có tính mát nên mướp có thể giúp thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, giảm sưng tấy. Mướp có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất nhầy thực vật và các chất khác nên cũng rất tốt cho gan.

Nguyên liệu làm món mướp hấp miến sốt tỏi
1-2 quả mướp, 1 nắm miến dong nhỏ, 1 củ tỏi, hành tím, dầu hào, nước tương, đường và muối với lượng vừa đủ.
Cách làm món mướp hấp miến sốt tỏi
Bước 1: Ngâm miến dong trong nước ấm khoảng 10 phút sau đó vớt ra. Mướp gọt bỏ vỏ, rửa sạch rồi xẻ dọc thành 4 phần. Sau đó bạn cắt từng phần thành các đoạn dài khoảng 5cm. Thả mướp vào chậu nước muối pha loãng để tránh quá trình oxy hóa, khiến mướp bị thâm.

Bước 2: Tỏi bóc vỏ, đập dập rồi băm nhỏ, cho vào bát. Nếu thích ăn cay bạn có thể băm thêm 1 quả ớt. Sau đó bạn đun nóng một chút dầu ăn rồi đổ vào bát đựng tỏi. Tiếp theo thêm 1 thìa canh dầu hào, 1 thìa canh nước tương, chút muối rồi khuấy đều để được hỗn hợp sốt tỏi.
Bước 3: Chuẩn bị một đĩa sâu lòng, rải miến xuống đáy rồi xếp mướp sao cho đẹp mắt. Tiếp theo bạn rưới nước sốt vừa chuẩn bị lên trên. Đun sôi nước trong nồi hấp rồi đặt đĩa nguyên liệu vào và hấp trong khoảng 8 phút là món ăn chín. Sau đó bạn lấy ra, rắc chút hành lá lên trên là có thể thưởng thức.
3. Mướp đắng - Món ăn gợi ý: Mướp đắng nhồi trứng
Khi nói đến thực phẩm giải nhiệt mùa hè, không thể không nhắc đến mướp đắng. Đừng để bề mặt xấu xí, gồ ghề và vị đắng của nó đánh lừa bạn, bởi đây chính là "bình dập hỏa tự nhiên" cho mùa hè nóng nực. Dân gian đã có câu truyền miệng là "ăn đồ đắng vào mùa hè để phòng ngừa mọi bệnh tật". Chính vị đắng tự nhiên của mướp đắng đó rất tốt cho gan; làm giảm chứng gan nóng; giúp thải độc gan. Nhưng có một mẹo giúp bạn giảm vị đắng từ loại thực phẩm này là hãy loại bỏ bớt phần màng trắng bên trong, thái lát và ngâm trong nước muối khoảng 10 phút, vị đắng có thể giảm đi.

Nguyên liệu làm món mướp đắng nhồi trứng
1-2 quả mướp đắng tùy khẩu phần ăn, 3-4 quả trứng gà, một chút muối.
Cách làm mướp đắng nhồi trứng
Bước 1: Rửa sạch và ngâm mướp đắng trong nước muối pha loãng để loại bỏ tạp chất. Sau đó bạn cắt bỏ đầu, đuôi của quả mướp đắng xẻ đôi. Tiếp theo loại bỏ ruột và màng trắng của quả mướp đắng. Đặt nồi nước lên bếp, thêm một chút muối và dầu ăn vào, đun sôi. Khi nước sôi, cho mướp đắng vào chần nhanh trong 30 giây.
Bước 2: Tách riêng lòng đỏ và lòng trắng trứng rồi đánh đều từng phần. Sau đó bạn đổ lòng trắng trứng lần lượt vào từng nửa quả mướp đắng. Lưu ý bạn không nên đổ đầy mà chỉ để 1/2 là được. Tiếp theo đặt nhẹ nhàng vào xửng hấp (nước đã được đun sôi), hấp ở lửa vừa trong 3 phút.

Bước 3: Sau khi lòng trắng trứng đã đông lại thì bạn tiếp tục đổ lòng đỏ trứng vào, đậy nắp nồi và hấp thêm 5 phút nữa là xong.
Bước 4: Bạn chuẩn bị bát, cho tỏi băm, ớt xắt miếng, rau mùi thái nhỏ, chút vừng trắng rang, nước tương, nước cốt chanh (hoặc giấm) vào, trộn đều. Khi mướp đắng nguội bớt, bạn thái thành các miếng vừa ăn, chấm vào nước chấm trước khi thưởng thức.
4. Rau muống - Món ăn gợi ý: Rau muống xào tỏi
Rau muống là một loại rau thân rỗng rất phổ biến ở chợ Việt. Theo Đông y, rau muống có tính mát, vị ngọt. Trong các loại rau giải độc gan, rau muống được đánh giá là loại rau rất dễ trồng, chỉ cần bạn ngắt một đoạn, cắm xuống đất ẩm là chúng có thể sinh trưởng và phát triển. Theo nghiên cứu hiện đại, cứ trong 100g rau muống có khoảng 78g nước, 2,7g protein, 85mg canxi, 31mg photpho, 1,2mg sắt và 20mg vitamin C, do đó rau muống cũng được chứng minh là có thể góp phần hỗ trợ bảo vệ gan khỏi các tổn thương do hóa chất độc hại từ thức ăn, môi trường gây ra; mặt khác nó cũng góp phần hỗ trợ thanh nhiệt cơ thể, cải thiện và bảo vệ chức năng gan. Ngoài ra, trong rau muống cũng rất giàu chất xơ và niacin có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.

Nguyên liệu làm món rau muống xào tỏi
500g rau muống, 5 tép tỏi, lượng gia vị thích hợp, một chút bột nêm.
Cách làm món rau muống xào tỏi
Bước 1: Nhặt bỏ phần rau già, lá úa rồi rửa sạch. Sau đó bạn có thể cắt rau muống thành các đoạn vừa ăn. Tỏi bóc vỏ, đập dập và băm nhỏ. Tiếp theo đổ một lượng dầu ăn vừa phải vào, thêm tỏi băm rồi phi thơm đến khi chuyển màu hơi vàng.

Bước 2: Tiếp theo bạn nhanh tay cho rau muống vào để toàn bộ rau tiếp xúc với dầu và tỏi băm. Xào rau muống cho đến khi chín, màu chuyển sang xanh đậm, lá bắt đầu mềm, nêm thêm lượng gia vị vừa đủ, bột nêm để tăng thêm hương vị. Tiếp tục xào đều rồi lấy ra dùng.
5. Bí đao - Món ăn gợi ý: Canh bí đao, tảo bẹ và tôm khô
Bí đao là một loại rau ít calo, giàu nước, nhiều kali, vitamin B1 và chất xơ. Nó có thể được gọi là "thuốc tiêu phù nề" và có thể thúc đẩy bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể. Theo y học cổ truyền, bí đao có tính ngọt, giúp thanh nhiệt, lương huyết và giải độc cơ thể. Điều này giúp hỗ trợ làm mát và ngăn ngừa nóng trong, tránh tình trạng viêm gan do tích tụ độc tố từ thực phẩm và môi trường (đặc biệt vỏ bí đao cũng có tác dụng thanh nhiệt, giải khát). Bên cạnh đó, rất giàu các chất chống oxy hóa như vitamin C, flavonoid và polyphenol nên cũng giúp bảo vệ gan khỏi các chất độc hại...

Nguyên liệu làm món canh bí đao, tảo bẹ và tôm khô
1 khúc bí đao, 1 miếng tảo bẹ (rong biển), một nắm nhỏ tôm khô, lượng muối vừa đủ, bột nêm.
Cách làm món canh bí đao, tảo bẹ và tôm khô
Bước 1: Do dùng cả vỏ để tăng công dụng thanh nhiệt, giải khát nên bạn hãy chọn miếng bí đao có lớp vỏ non vừa phải sau đó rửa thật sạch. Cắt bí đao thành miếng vừa ăn. Tảo bẹ rửa sạch (nếu dùng tảo bẹ khô thì hãy ngâm cho mềm trước khi nấu), thái miếng vừa ăn.

Bước 2: Thêm lượng nước thích hợp vào nồi cùng tôm khô, tảo bẹ sau đó đun sôi trong khoảng 15 phút. Sau đó bạn thả bí đao vào, tiếp tục nấu cho đến khi bí chuyển màu trong. Thêm lượng muối và bột nêm vừa đủ khẩu vị. Sau đó lấy canh ra tô là có thể thưởng thức.