5 khúc biến tấu lạ của món tào phớ Hà Nội
Món ăn giản dị, lâu đời này giờ lại lắm khúc biến tấu. Người ta ăn tào phớ cùng với chính nguyên liệu tạo nên nó, hay thêm đậu xanh, thạch, thậm chí thêm cả nếp cẩm vào.
Tào phớ là cách gọi phổ biến của món ăn được chế biến từ đậu nành, xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt, cho thêm chất tạo đông (ngày xưa là thạch cao thực phẩm, nay là các loại bột thạch, đường nho...). Không biết xuất xứ chính xác của món này, nhưng nhiều người nói nó do người Hoa làm, món ăn này cũng rất phổ biến ở các nước Châu Á, ở Trung Quốc, người ta coi tào phớ như một món canh, có thể chan ăn với cơm.
Tại miền Trung, miền Nam, tào phớ còn được gọi là tàu hũ, đậu hủ nước đường... Ở miền Bắc, rất nhiều người quen thuộc với câu rao: Phơơơớ đây! với giọng nam trầm to khỏe.
Phớ chan nước đường truyền thống ở miền Bắc. Nguồn báo Hải Quan.
Thuở ban đầu, tào phớ được ăn rất đơn giản, phớ được múc ra bát sành, sứ, chán ít nước đường trắng, đường đỏ. Tới mùa hoa bưởi, hoa nhài, đường được ướp hương hoa tăng thêm phần hương vị thơm mát cho món ăn này.
Ở Huế, người ta gọi tào phớ là đậu hủ. Món này khi làm đông không đặc bằng ở Hà Nội, người Huế cũng không quen chan ngập nước đường như cách ăn ở ngoài Bắc mà cho nước vừa phải, họ còn rắc thêm đường trắng, thêm gừng vào nước đường hoặc đơn giản chỉ là ăn không.
Đậu hũ Huế.
Còn ở Sài Gòn, món tào phớ thường được gọi là tàu hũ. Và cách ăn cũng khiến không ít người Bắc ngạc nhiên vì tuy Sài Gòn không có mùa đông nhưng món tàu hũ lại được ăn rất nóng. Nóng từ tàu hũ, tới nước đường mật nấu lên cùng với gừng đập dập. Ngoài ra, điểm đặc trưng của hầu hết các món ngọt ở Sài thành là đều thêm nước cốt dừa vị beo béo, bùi bùi.
Tàu hũ Sài Gòn.
Đó là món tào phớ truyền thống, cách ăn riêng theo từng vùng miền. Nhưng ngày nay, ở Hà Nội, còn rất nhiều "khúc biến tấu" lạ của món táo phớ do người bán sáng tạo hoặc do người ăn yêu cầu, thấy hay hay, lạ lạ người bán giữ lại để tạo thành món mới.
1. Tào phớ sữa đậu nành
Món này không cách biệt với món tào phớ truyền thống là bao. Nhưng cái cách "lấy nó ăn nó" quả thật là một sáng tạo thú vị. Thay bằng nước đường chính là sữa đậu nành, cách ăn này giúp món ăn tăng thêm hương vị, thêm chất, đồng thời bớt cái vị ngọt the thé của đường.
Món này ra đời sau món tào phớ truyền thống và nhanh chóng phổ biến khắp các hàng quán Hà Nội. Bạn có thể thưởng thức món này tại quán vỉa hè số 9 Đoàn Thị Điểm, số 8 phố Quang Trung... Giá mỗi cốc, bát tào phớ từ 5.000-7.000 đồng.
2. Tào phớ ăn cùng với chè đậu xanh
Món này khá mới mẻ, do một hàng vỉa hè rất nhỏ nằm ở ngõ 105 phố Bạch Mai (Q. Hai Bà Trưng, HN) tự sáng chế ra. Món này thường dược ăn nóng, tào phớ có thể nguội nhưng chè đậu xanh là loại chè nóng. Khi trộn 2 thứ đó vào nhau tạo nên một bát phớ-đậu xanh với màu rất hấp dẫn. Chè đậu xanh cũng thay luôn nước đường hay đậu nành.
Nguồn ảnh facebook: địa chỉ Hà Nội.
Với nhiều người, cách ăn này phần nào làm "lu mờ" món tào phớ vì cái sự ngọt và bùi của đậu xanh lấn át quá nhiều. Nhưng cũng có nhiều người khác nhận xét, nó làm cho món đậu xanh thêm mát, vị của món phớ cũng đậm đà hơn.
Quán nằm ở số nhà 46 trong ngõ, bán buổi sáng, giá mỗi bát phớ-đậu xanh từ giá rẻ giật mình, chỉ có 3.000 đồng.
3. Tào phớ hạt sen
Nếu bạn có dịp đi qua khu tập thể Vĩnh Hồ (ở phố Thái Thịnh, Q. Đống Đa, HN), ắt hẳn bạn sẽ ấn tượng bởi một quầy hàng rong nhưng rất khang trang, với biển hiệu rất "oách" : vua tào phớ. Chỉ 3 chữ đó thôi cũng khiến bạn tò mò: tại sao lại là vua tào phớ, món ăn này có gì đặc biệt mà chủ quán dám xưng vua...
Tào phớ hạt sen. Nguồn ảnh FB địa chỉ Hà Nội.
Ghé vào, bạn sẽ thấy quả thực ở đây đúng là có lắm món tào phớ lạ lẫm, có cái chủ quán nói du nhập từ Hồng Kông, Đài Loan về, có món do anh tự nghĩ ra.
Trong đó, món tào phớ hạt sen là một ví dụ. Hạt sen được nấu chín cùng với nước đường, sau đó mới múc tào phớ vào, thêm đá bào nhỏ. Món này khá gần gũi với món tào phớ nước đường truyền thống vì nước nấu hạt sen khá ngọt, thơm. Còn hạt sen ăn cùng thì có vị bùi bùi, thường thì tào phớ tan trước khi hạt sen được... nhai gọn trong bụng.
Cửa hàng "vua tào phớ".
Có 2 cách đi vào phố Vĩnh Hồ, bạn có thể đi từ đường Tây Sơn (phố đối diện với trường Đh Thủy Lợi, cạnh mấy hiệu thuốc to), hoặc đi từ đường Thái Thịnh hoặc Thái Hà vào (phố bị cắt bởi đường Thái Hà).
Hiện có 2 hàng vua tào phớ ở phố này, 1 ở đầu Thái Thịnh, 1 ở gần phố Tây Sơn. Giá mỗi bát tào phớ ở đây là 10.000 đồng. Theo đánh giá của nhiều người đã từng thưởng thức quá, tùy hôm và tùy mùa mà hạt sen ăn cùng tào phớ mềm, nhừ. Nếu chủ quán làm ẩu thì hạt sen ăn bị cứng. Hàng ở đầu phố Tây Sơn được đánh giá là ngon hơn.
Quán bán cả ngày, tuy nhiên, món tào phớ hạt sen bán từ trưa tới khoảng 6 giờ chiều là đóng cửa.
4. Tào phớ... cafe
Trên phố Quang Trung có một quán chuyên bán tào phớ và sữa đậu nành với phong cách rất hiện đại. Quán nhỏ nhưng cách bài trí gọn gàng, thu hút những thực khách nào ưa sự mới mẻ, sạch sẽ.
Trong thực đơn của quán có rất nhiều món tào phớ với sự kết hợp lạ và có phần táo bạo. Chủ quán chia sẻ anh đã ăn hầu như tất cả các món tào phớ khắp đất nước. Mỗi món có một cái ngon riêng, hương vị độc đáo từng vùng miền hay do chính tay người làm sáng tạo ra.
Về đất Thủ đô mở quán, anh cũng tự mình mày mò học hỏi, sáng tạo ra kha khá các món tào phớ độc đáo. Lạ nhất trong số đó phải kể tới việc kết hợp giữa tạo phớ và cafe.
Nguồn ảnh Zing.
Cafe cũng có vô vàn khúc biến tấu với sữa chua, trứng, sữa..., nhưng sự kết hợp với tào phớ lại mang tới sự lạ lẫm cho thực khách. Một cốc cafe được pha ở độ vừa phải, thêm chút sữa tươi hoặc sữa đặc, sau đó, múc tào phớ thành từng lát mỏng vào ly. Nhìn bình thường, nhiều thực khách lầm tưởng đó là món cafe kem từ phương Tây nhưng không ngờ đó là món 100% Việt Nam.
Vị đắng ngọt của cafe kết hợp với tính mát, thanh của tào phớ quả thật là một thức uống khá hay ho mà bạn nên thử mới cảm nhận hết được.
Bạn có thể tới số 8 phố Quang Trung để thưởng thức.
5. Tào phớ thập cẩm
Món tào phớ này có thể coi là tổng hòa của các món tào phớ kể trên. Tuy nhiên, nó lại nghiêng về phía các loại chè thập cẩm có thêm tào phớ gia giảm.
Tào phớ mềm hơn thạch, ăn tan nhanh trong miệng, điểm nổi bật của nó là "mượn" nước cốt của các loại chè để trở nên ngon hơn. Vì thế cũng dễ hiểu, với món thập cẩm này, tào phớ thường "bị" hết trước.
Cũng là tào phớ thập cẩm nhưng mỗi quán lại có cách kết hợp nguyên liệu khác nhau, như quán ở số 8 phố Quang Trung, chủ quán đã khéo léo kết hợp nước pha cùng tào phớ của cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, rồi thêm đậu đỏ, hạt sen...
Nguồn ảnh Zing.
Hầu hết các quán bán tào phớ hiện đại đều có món tào phớ thập cẩm này.