5 ĐIỀU giúp xua tan nỗi cô đơn ở tuổi xế chiều, rèn luyện từ bây giờ để về già luôn yêu đời, hạnh phúc
Vấn đề nan giải lớn nhất của người già sống một mình là sự cô đơn.
Nhiều người trẻ thời nay khó mà chấp nhận được sự cô đơn, vậy người già làm sao có thể chịu đựng được?
Hẳn rằng bạn từng thấy cảnh một số cụ ông cụ bà luôn tìm cách trò chuyện với người thân gia đình, nhiều khi lại ngồi một mình nhìn chằm chằm người qua lại bên ngoài. Người già có gia đình bên cạnh còn cô đơn, chứ đừng nói đến những người sống một mình.
Vậy làm thế nào để làm vơi bớt sự cô đơn trong lòng người già? 5 cách dưới đây có thể giúp được, ngay cả bạn cũng nên rèn luyện từ bây giờ để chuẩn bị cho tuổi già an yên:
1. Luôn hoạt động
Khi người già ra ngoài đi dạo, họ không chỉ tập thể dục mà còn có thể thư giãn tâm trạng. Tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài giúp đầu óc thông thoáng, ít nảy sinh suy nghĩ tiêu cực.
Nếu điều kiện kinh tế đủ đầy, bản thân người già cũng nên đi du lịch, thăm thú nhiều nơi, hoặc nhờ con cháu mình đồng hành cùng. Khám phá thế giới là hoạt động giúp con người vơi bớt sự cô đơn, càng thêm nhiệt huyết với cuộc sống.
2. Quan tâm và đồng hành nhiều hơn
Trong xã hội ngày nay, người trẻ cũng phải chịu áp lực rất lớn. Nhiều người không phải không muốn đồng hành cùng người lớn ở nhà, chỉ là không có thời gian và sức lực để làm điều đó. Dần dần, ông lão cảm thấy các con mình bận rộn và không còn gọi điện cho chúng nhiều nữa.
Song dù bằng lý do nào, thế hệ trẻ cũng nên dành chút thời gian để đồng hành cùng người già và lắng nghe câu chuyện, lời nói của họ, giúp họ cảm thấy bản thân còn giá trị ở tuổi già, vẫn còn được quan tâm săn sóc.
Người đi học, đi làm xa, hãy chủ động gọi điện về nhà nhiều hơn khi còn có thể. Đừng để đến lúc họ ra đi, chúng ta mới ngậm ngùi hối hận, tự trách. Trên thực tế, dành hơn mười phút mỗi ngày để lắng nghe và giao tiếp với người lớn tuổi cũng sẽ làm sâu sắc thêm mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình.
3. Kiên trì và theo đuổi sở thích
Nếu người già có sở thích riêng thì cũng tương đương với việc họ có chỗ dựa tinh thần cho riêng mình. Sở thích không chỉ giúp người cao tuổi rèn luyện hoạt động trí óc mà còn giúp họ hòa nhập với xã hội, sau khi có những giao tiếp xã hội riêng, nỗi cô đơn tự nhiên sẽ giảm đi rất nhiều, tự nhiên cũng sẽ cảm nhận được giá trị của bản thân.
4. Trải nghiệm cuộc sống của người trẻ
Nhiều người trẻ có thể không biết phải nói gì với bố mẹ ngay cả khi ở nhà. Đó là do đôi bên không hiểu rõ cuộc sống của nhau, xuất phát từ khoảng cách thế hệ.
Trải nghiệm cuộc sống của người trẻ, nói đúng hơn chính là tạo cơ hội để người già biết thêm về cuộc sống của thế hệ sau, của con cháu mình. Từ đó, họ có thêm nhiều kiến thức, trải nghiệm và càng có sự thấu hiểu với thế hệ trẻ hơn.
Bằng cách này, bạn sẽ có chủ đề để trò chuyện, và những người lớn tuổi sẽ cảm thấy rằng cuối cùng họ không còn tách biệt hay bị xã hội bỏ lại.
5. Xây dựng niềm tin
Người già là nhóm người cần sự tin cậy, cũng như trẻ em, họ cũng cần được động viên. Những người cao tuổi sống một mình thường cảm thấy mình không có nhiều giá trị xã hội, vì "họ không còn làm việc và xã hội cũng không còn cần đến họ". Kiểu suy nghĩ này rất phổ biến ở nhiều người lớn tuổi.
Bản thân người trẻ cần giúp người già buông bỏ những suy nghĩ như vậy. Đồng hành, ủng hộ người lớn tuổi trong nhà được làm những gì họ thích ở giai đoạn xế chiều cũng là cách để họ tìm thấy giá trị và niềm tin.
Để họ tham gia vào các hoạt động xã hội; các hoạt động trò chơi tạo cơ hội giao tiếp... giúp người già cảm thấy họ đang theo kịp thế hệ trẻ, không lạc lõng với xu hướng của thời đại.