5 đặc tính của nhân viên sắp bị sa thải: Công ty không nuôi người nhàn hạ, tập thể không giữ kẻ bàn lùi
Sa thải nhân viên đôi khi là giải pháp bất khả kháng mà một doanh nghiệp buộc phải thực hiện để thanh lọc môi trường, giúp công việc được vận hành trơn tru và tổ chức ổn định hơn.
Buộc nhân viên thôi việc là chuyện "cực chẳng đã" đối với mỗi doanh nghiệp bởi thời gian và chi phí bỏ ra để tuyển dụng, đào tạo một nhân viên là cả một quá trình và không hề nhỏ. Về phần mình, khi bị sa thải, một nhân viên cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn câu chuyện, vấn đề khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần.
Mặc dù chia tay trong đau thương là điều hai bên chẳng ai mong muốn. Tuy nhiên, đuổi việc nhân viên đôi khi là giải pháp bất khả kháng mà một doanh nghiệp buộc phải thực hiện để thanh lọc môi trường, giúp công việc được vận hành trơn tru và tổ chức ổn định hơn. Lý do để sa thải một nhân viên vốn có nhiều và dưới đây là 5 đặc tính thường gặp ở một nhân viên sắp phải "nói chuyện" với bộ phận nhân sự:
1. Thường xuyên phàn nàn hay đòi hỏi
Liên tục phàn nàn, than vãn về nhiều điều diễn ra xung quanh là biểu hiện quen thuộc của những nhân viên thiếu tố chất. Trong mắt họ, đồng nghiệp, môi trường làm việc, khối lượng công việc đảm nhận, không có gì là hoàn hảo. Cụ thể họ có những biểu hiện hành vi như: thường xuyên tìm kiếm vấn đề để khiếu nại, phàn nàn về những sai lầm của đồng nghiệp, "tạo sóng" bằng cách lan truyền những tin đồn tạo ra sự thị phi, nói xấu sau lưng đồng nghiệp.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, những nhân viên này đôi khi còn đòi hỏi quá nhiều về mức lương trong khi bản thân không tự đánh giá được khả năng của mình hoặc đòi hỏi những nhu cầu mà họ xem là cấp thiết như: các thiết bị hỗ trợ, chính sách phúc lợi xã hội,..
Thực trạng phàn nàn kéo dài, những nhân viên này có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của tổ chức/doanh nghiệp.
2. Thiếu tinh thần trách nhiệm
Không một công ty nào mong muốn nhân viên của mình thiếu trách nhiệm với công việc cả. Để tránh làm ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của mọi người cũng như ảnh hưởng lớn đến chiến lược xây dựng và sự phát triển chung của công ty thì những đối tượng nhân viên có các biểu hiện sau đây cần được xem xét "thanh lọc" sớm:
- Hay đổ lỗi cho hoàn cảnh khi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đổ lỗi cho người khác
- Thực hiện và giải quyết công việc hời hợt, không tập trung
- Luôn viện cớ bào chữa cho những hạn chế, sai phạm do bản thân gây ra
- Không hề có biểu hiện nào của sự cố gắng
- Chiếm dụng quỹ thời gian để làm việc riêng
3. Thiếu tập trung, thái độ kém
Bên cạnh năng lực chuyên môn, thái độ sống tích cực thì nhiệt huyết và sự đam mê trong công việc rất quan trọng. Sự thiếu nhiệt huyết đôi khi được thể hiện thông qua sự lười biếng hoặc thậm chí nghỉ việc quá nhiều. Một nhân viên tự ý nghỉ việc không lý do chính đáng, thiếu nhiệt huyết trong công việc thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
4. Không có tinh thần làm việc nhóm
Để phát triển sự nghiệp lâu dài, làm việc độc lập một mình không phải là cách mà cần sự hợp tác nhóm, nên việc giúp đỡ, trao đổi với đồng nghiệp là điều cần thiết.
Nếu muốn phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp thì việc cọ xát và trải nghiệm nhiều vai trò là điều cần thiết. Làm việc nhóm chính là cơ hội để nhân viên thử sức học hỏi những điều này.
Nếu cứ chăm chăm làm việc của mình mà không quan tâm đến thành quả chung mang tính đồng đội, không hiểu giá trị của sự cộng tác thì nhân viên sẽ mãi giậm chân tại chỗ, mãi vẫn là một ngôi sao tỏa sáng đơn độc.
5. Đã không sáng tạo lại thiếu chủ động
Môi trường làm việc năng động yêu cầu nhân viên phải chủ động và rèn luyện tính sáng tạo. Sự chủ động có thể hiểu là sự linh hoạt trong suy nghĩ dẫn đến biểu hiện cụ thể qua hành động.
Bên cạnh đó, để có thể tiếp tục theo đuổi công việc, nhân viên cần có sự sáng tạo để mở lối tư duy, tránh đi vào đường cũ, lối mòn. Cá nhân mọi tổ chức, doanh nghiệp đều mong muốn nhân viên của họ có tính chủ động và sáng tạo trong công việc.
Đôi khi chúng ta có thể chưa sáng tạo nhưng sự chủ động có thể thay thế và ngược lại. Đồng thời, người làm văn phòng phải có sự thích ứng nhanh đối với công việc, luôn tìm tòi, học hỏi và tự phát triển bản thân theo lộ trình riêng.
Hãy thể hiện cho người quản lý thấy sự nỗ lực của chúng ta như thế nào, sự thay đổi tích cực của chúng ta ra sao thông qua các thành quả thay vì chỉ mãi thụ động và dậm chân tại chỗ.