4 việc cần làm sau khi thức dậy để phòng bệnh mùa lạnh, đột quỵ tránh xa

Châu Anh (Tổng hợp),
Chia sẻ

Khi thời tiết có xu hướng rét sâu hơn về đêm và sáng sớm thì các nguy cơ sức khỏe cũng tăng lên, đặc biệt là các bệnh mùa lạnh phổ biến và có thể đe dọa tới tính mạng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp,...

Thời tiết lạnh là mối nguy cơ lớn với người có miễn dịch yếu như trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi, nhất là người có sẵn các bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường,... Việc duy trì một số thói quen nhỏ vào buổi sáng sau khi ngủ dậy có thể giúp cải thiện hệ miễn dịch và bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các bệnh mùa lạnh hiệu quả.

1. Uống một cốc nước ấm sau khi ngủ dậy

Uống một cốc nước ấm vào buổi sáng giúp kích thích niêm mạc dạ dày, thúc đẩy nhu động ruột và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn vào bữa sáng.

Ngoài ra, sau một đêm ngủ dài, cơ thể có xu hướng bị mất nước tự nhiên, do đó uống nước ấm giúp bù đắp lượng nước đã mất, duy trì cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Điều này cũng giúp cho hoạt động bài tiết các chất cặn bã và độc tố qua hệ tiết niệu được thuận lợi hơn cũng như thúc đẩy làm sạch cơ thể từ bên trong.

4 việc cần làm sau khi thức dậy để phòng bệnh mùa lạnh, đột quỵ tránh xa - Ảnh 1.

Uống một cốc nước ấm sau khi ngủ dậy (Ảnh: ST)

Nước ấm cũng có thể giúp giảm cảm giác căng thẳng và thư giãn cơ bắp, tạo cảm giác dễ chịu và chuẩn bị tinh thần cũng như năng lượng cho ngày mới. Đặc biệt là vào mùa lạnh, nước ấm còn giúp cơ thể làm ấm nhanh chóng, giảm cảm giác lạnh buốt đồng thời nước ấm giúp tĩnh mạch và động mạch mở rộng từ đó cải thiện lưu lượng máu hiệu quả.

2. Vận động nhẹ nhàng, làm ấm cơ thể và cải thiện tuần hoàn máu

Đã có rất nhiều trường hợp bị đột tử vào sáng sớm do sốc nhiệt khiến mạch máu co lại đột ngột, huyết áp tăng lên nhanh chóng và tim chịu gánh nặng lớn để điều hòa thân nhiệt dễ gây ra thiếu máu nuôi dưỡng não trong một thời gian ngắn. Bởi vậy thức dậy đúng cách như thế nào trong mùa lạnh cũng cần đặc biệt chú ý. Nhất là với người lớn tuổi, người có bệnh lý nền như xơ vữa động mạch, cao huyết áp thường gặp khó khăn trong tuần hoàn máu, căng cứng cơ bắp.

4 việc cần làm sau khi thức dậy để phòng bệnh mùa lạnh, đột quỵ tránh xa - Ảnh 2.

Vận động nhẹ nhàng, làm ấm cơ thể và cải thiện tuần hoàn máu (Ảnh: ST)

Theo đó, sau khi ngủ dậy, đừng đứng lên ra khỏi giường ngay lập tức. Hãy dành vài phút nằm trong chăn để tỉnh táo sau đó cử động nhẹ nhàng bằng các động tác giãn cơ, xoay cổ tay, cổ chân để máu được lưu thông tốt, làm ấm gân cốt hơn sau một đêm dài nằm trên giường rồi mới ra khỏi giường. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ bị sốc nhiệt hiệu quả.

3. Giữ ấm cơ thể trước khi ra khỏi phòng

Để cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài, ngoài vận động nhẹ nhàng bạn cũng cần chuẩn bị sẵn quần áo ấm, mũ ấm, tất chân và găng tay nếu cần để mặc trước khi ra khỏi phòng ngủ. Đặc biệt là với các phòng có sử dụng máy sưởi ấm khiến nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có sự chênh lệch lớn.

Nếu không giữ ấm cơ thể đúng cách, cơ thể tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh dễ khiến các mạch máu co lại, tuần hoàn máu kém dẫn tới hạ thân nhiệt, tăng huyết áp, hoa mắt, chóng mặt thậm chí là đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Các vùng cơ thể cần chú ý giữ ấm vào mùa lạnh bao gồm:

- Vùng vai gáy và đầu: Giữ ấm vùng này giúp tránh tình trạng xương khớp đau nhức và tê bì do tình trạng khí huyết ngưng trệ. Hơn nữa, đây là những khu vực tập trung nhiều mạch máu, nếu bị lạnh dễ gây ra đau đầu, tê nhức khó chịu.

4 việc cần làm sau khi thức dậy để phòng bệnh mùa lạnh, đột quỵ tránh xa - Ảnh 3.

Giữ ấm cơ thể trước khi ra khỏi phòng (Ảnh: ST)

- Vùng cổ và mũi: Bảo vệ cổ và mũi giúp hạn chế các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm họng, khàn giọng, viêm mũi dị ứng, cảm cúm, viêm xoang và ngăn chặn tình trạng lạnh toàn cơ thể.

- Vùng bụng: Giữ ấm bụng hỗ trợ hệ tiêu hóa và phòng tránh các tình trạng như đi ngoài, tiêu chảy do nhiễm lạnh.

- Tay và chân: Đeo găng tay, tất chân giữ ấm cho các khớp và ngón tay, chân, đặc biệt quan trọng đối với người mắc bệnh về khớp, hỗ trợ lưu thông khí huyết và giảm đau nhức.

4. Ăn một bữa sáng giàu chất dinh dưỡng

Vào mùa lạnh, giữ ấm cơ thể không chỉ đến từ nhiều lớp quần áo bên ngoài mà còn cần bổ sung dinh dưỡng, ăn uống lành mạnh đủ chất để cơ thể cảm thấy "ấm" từ bên trong. Và điều quan trọng là bữa ăn giàu chất dinh dưỡng cũng góp phần nâng cao hệ miễn dịch, tốt cho hệ tiêu hóa cũng như hoạt động trao đổi chất của cơ thể, giúp chúng ta có sức "chống chọi" với thời tiết mùa đông.

Theo đó, nên ưu tiên lựa chọn các thực phẩm có tác dụng sinh nhiệt mạnh mẽ, chẳng hạn như: Thịt (chất đạm có tác dụng sinh nhiệt của thực phẩm từ 15 - 30%), ngũ cốc, các món súp, phở, món hầm, trái cây và rau củ, các loại hạt và quả hạch cùng một số loại gia vị có tác dụng giữ ấm cơ thể như hạt tiêu, thì là, gừng, quế, mật ong.

4 việc cần làm sau khi thức dậy để phòng bệnh mùa lạnh, đột quỵ tránh xa - Ảnh 4.

Ăn một bữa sáng giàu chất dinh dưỡng với các thực phẩm sinh nhiệt (Ảnh: ST)

Bên cạnh đó, bạn cũng nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu probiotics vào bữa sáng giúp duy trì hệ vi sinh vật đường ruột, từ đó thúc đẩy hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Ngoài 4 việc cần làm sau khi thức dậy để phòng bệnh mùa lạnh kể trên, mọi người cũng cần chú ý:

- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp phòng ngừa các bệnh lây nhiễm do virus, vi khuẩn. Người lớn tuổi có thể ngâm chân bằng nước ấm giúp cải thiện lưu thông máu, làm ấm cơ thể.

- Ngủ đủ giấc từ 7 - 9 tiếng mỗi đêm giúp cơ thể có thời gian phục hồi. Nếu gặp khó khăn trong việc ngủ đủ giấc vào mùa lạnh, hãy kiểm tra xem phòng có đủ ấm hay chưa. Đồng thời cần hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, tránh các đồ uống kích thích như caffeine có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ.

- Tiêm phòng cúm và các bệnh lây nhiễm đã có vaccine phòng bệnh. Nhóm người có miễn dịch kém, thể trạng dễ lây nhiễm như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai nên chú ý tiêm phòng đầy đủ do nhóm này có nguy cơ cao bị tiến triển nặng hơn khi nhiễm cúm hay các bệnh truyền nhiễm khác.

- Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Hạn chế tập thể dục vào thời điểm sáng sớm và đêm muộn bởi hai thời điểm này nhiệt độ thường xuống thấp nhất. Khi tập thể dục cần mặc nhiều lớp quần áo giữ ấm để linh hoạt cởi bỏ bớt khi cảm thấy nóng. Người thiếu vận động, vận động quá ít không có lợi cho quá trình tuần hoàn, trao đổi chất và sinh nhiệt của cơ thể, tay chân dễ bị lạnh hơn, khả năng chống lạnh của cơ thể kém. Sau khi tập luyện đều đặn, máu lưu thông nhanh chóng, nhiệt lượng được sinh ra kịp thời, tứ chi sẽ được giữ ấm.

Chia sẻ