4 vấn đề tranh cãi không hồi kết trong việc quản lý tiền sao cho đúng

TN,
Chia sẻ

Giống như bất kỳ vấn đề nào trong xã hội, việc quản lý tiền thế nào cho đúng cũng có những tranh luận nảy lửa.

Nhìn chung, các chuyên gia tài chính cá nhân có xu hướng đồng ý với nhau về một số quy tắc cơ bản trong tài chính cá nhân: Bạn nên bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu càng sớm càng tốt; cố gắng hết sức để tránh bất kỳ khoản nợ lãi suất cao nào.

Và nếu bạn thấy mình có thêm tiền, bạn nên tập trung đầu tư nhất quán vào các phương tiện như quỹ chỉ số chi phí thấp. Tài chính cá nhân thực sự khá đơn giản: hãy chi tiêu ít hơn khả năng của bạn.

Tuy nhiên, có một số vấn đề chính mà các chuyên gia tài chính cá nhân vẫn luôn tranh cãi:

1. Trả hết nợ hay lập quỹ khẩn cấp và đầu tư

Hẳn bạn đã nghe rất nhiều người khuyên bạn không nên nợ nần. Tất cả các khoản nợ đều có hại, ngay cả các khoản nợ thế chấp và nợ vay sinh viên với lãi suất thấp, và bạn nên ưu tiên điều này bằng cách dồn toàn bộ số tiền của mình để trả nợ ngoại trừ một quỹ khẩn cấp nhỏ 1.000 đô la (khoảng 23 triệu).

4 vấn đề tranh cãi không hồi kết trong tài chính cá nhân - Ảnh 1.

Hãy cố gắng xóa hết các khoản nợ khi bạn có thể. Ảnh minh họa.

Mặt khác, có một số chuyên gia tài chính cho rằng bạn nên tập trung vào việc bắt đầu với một quỹ khẩn cấp lớn hơn và bảo hiểm thay vì trả hết nợ nần.

Bởi theo họ, trong trường hợp mất việc hoặc khi nhập viện cấp cứu, bạn có thể sống nhờ vào quỹ khẩn cấp hoặc bảo hiểm, nhưng nếu bạn đã dồn toàn bộ số tiền của mình cho việc trả nợ, bạn có thể không tìm được người sẵn lòng cho vay và sẽ lâm vào tình trạng tồi tệ.

Cuối cùng, điều này tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của bạn. Ví dụ: nếu bạn ở trong một hộ gia đình có thu nhập kép không có người phụ thuộc và cảm thấy rằng trong tình huống khẩn cấp, bạn có gia đình có thể giúp đỡ, việc thanh toán nhanh chóng mọi khoản nợ lãi suất cao sẽ có ý nghĩa hơn việc gửi tiền vào quỹ khẩn cấp của bạn với lãi suất thấp.

Tuy nhiên, nếu bạn chỉ dựa vào bản thân để kiếm thu nhập và không cảm thấy mình có công việc ổn định, thì việc nắm giữ một quỹ khẩn cấp lớn hơn có thể có ý nghĩa.

Và nếu các khoản nợ của bạn có lãi suất thấp hơn, bạn có thể thấy rằng ngay cả sau khi tiết kiệm một quỹ khẩn cấp, bạn nên tập trung vào lợi nhuận kỳ vọng cao hơn trong việc đầu tư, thay vì nhanh chóng trả hết nợ thế chấp hoặc khoản vay sinh viên.

2. Lập ngân sách theo danh mục hay tiết kiệm tự động đơn giản

Tương tự, một số chuyên gia tài chính rất kiên quyết trong việc lập ngân sách theo danh mục - lập ngân sách cho thực phẩm, quần áo, chăm sóc cá nhân, du lịch,....

4 vấn đề tranh cãi không hồi kết trong tài chính cá nhân - Ảnh 2.

Không chỉ là các kế hoạch lớn, bạn nên có kế hoạch cho từng năm, từng tháng để theo dõi chi tiết. Ảnh minh họa.

Nhưng những chuyên gia khác lại cho rằng chỉ cần đặt tỷ lệ tiết kiệm, tự động hóa số tiền tiết kiệm của họ và sau đó cho phép bản thân chi tiêu số dư một cách thoải mái.

4 vấn đề tranh cãi không hồi kết trong tài chính cá nhân - Ảnh 3.

Ngày nay, các ngân hàng đều có tính năng tiết kiệm tự động với thẻ ATM mà bạn đang dùng. Ảnh minh họa.

Nếu bạn đang đấu tranh để tiết kiệm đủ, hãy bắt đầu bằng cách hiểu rõ về chi tiêu của bạn theo danh mục thông qua một ứng dụng quản lý tài chính.

Nó có thể giúp bạn suy nghĩ về những gì bạn thực sự coi trọng và những gì bạn có thể cắt giảm chi tiêu của mình. Bạn có thể thấy hữu ích khi tiếp tục lập ngân sách theo danh mục để tự chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, nếu bạn thấy việc lập ngân sách theo danh mục tẻ nhạt và bạn có thái độ chi tiêu tiết kiệm vốn có, thì việc tự động hóa số tiền tiết kiệm có thể là tất cả những gì bạn cần để duy trì ổn định tài chính và sẽ giải phóng thời gian của bạn cho các hoạt động có giá trị cao hơn.

3. Cắt giảm chi phí hay tăng thu nhập

Trong nhiều năm, nói đến tài chính cá nhân người ta sẽ nhắc chủ yếu về cắt giảm chi phí, người ta khuyến khích cắt giảm bất kỳ khoản chi nào có vẻ như lãng phí.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các chuyên gia tài chính bắt đầu truyền đạt một thông điệp khác: không phải ai cũng mắc vấn đề về việc chi tiêu quá đà - nhiều người trong số họ mắc vấn đề về thu nhập.

Nếu bạn có thu nhập khá cố định trong một nghề nghiệp mà bạn đã chọn vì những lý do khác ngoài tiền bạc, chẳng hạn như giảng dạy, bạn nên tập trung vào việc cắt giảm chi phí - trừ khi bạn nghĩ rằng bạn có thời gian và năng lượng để đảm nhận thêm một công việc khác.

Tuy nhiên, nếu bạn kiếm được dưới mức thu nhập trung bình trong khu vực của mình và cảm thấy rằng bạn đã thực hiện mọi nỗ lực hợp lý để giảm chi phí của mình nhưng vẫn không có nhiều hiệu quả. Thay vào đó, bạn có thể thấy rằng việc tập trung thời gian để tăng thu nhập sẽ có tác dụng hơn nhiều.

Tất nhiên, việc bảo mọi người tìm cách tăng thu nhập có vẻ khó nghe trong một nền kinh tế nơi những người giàu nhất luôn có phương tiện để trở nên giàu hơn, và việc làm ở những cấp bậc thấp hơn liên tục bị cắt giảm.

Nhưng nếu bạn có thời gian để học thêm các kỹ năng mới liên quan đến lĩnh vực bạn đang làm để giúp tăng thu nhập (như học thêm ngoại ngữ, đồ họa, marketing...) hay nhận làm các công việc giản đơn nhưng không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng như giúp việc theo giờ, trực page bán hàng online tại nhà, shipper, xe ôm... bạn cũng sẽ tăng thu nhập đáng kể và giúp cho quỹ khẩn cấp cũng như khoản lương hưu của bạn được bảo đảm.

4 vấn đề tranh cãi không hồi kết trong việc quản lý tiền sao cho đúng - Ảnh 4.

Nghe thì có vẻ khó khăn, nhưng thực tế các công việc làm thêm tại nhà hay cần có mặt tại địa điểm làm việc ngày nay cũng rất dễ dàng tìm kiếm. Ảnh minh họa.

4. Quy tắc ngón tay cái và thực tế khác biệt

Tin tức tài chính không giống bất kỳ tin tức nào khác: Các tiêu đề táo bạo thường có xu hướng thu hút sự chú ý. Quy tắc ngón tay cái nhanh có thể giúp người viết đưa ra những tiêu đề táo bạo và viết một câu chuyện hấp dẫn.

Bạn có thể đã nghe nói về một số quy tắc chung như: Bạn nên tiết kiệm gấp 1 lần thu nhập để nghỉ hưu khi bạn 30 tuổi, tiết kiệm 10-15% thu nhập của bạn để nghỉ hưu và chi tiêu không quá 30% thu nhập của bạn về nhà ở.

Các quy tắc chung có thể hữu ích cho việc hướng dẫn nhanh chóng, nhưng nếu bạn nghĩ rằng bạn đang ở trong một trường hợp duy nhất, bạn nên tự điều chỉnh các con số của riêng mình.

Ví dụ: Nếu bạn đã học lên cao học, bạn có thể “tụt hậu” trong việc tiết kiệm gấp 1 lần thu nhập của mình để nghỉ hưu, nhưng hãy tìm hiểu xem bạn đang đi đúng hướng dựa trên tỷ lệ tiết kiệm và chi tiêu hiện tại của bạn hay chưa.

Mỗi người có một câu chuyện riêng, hãy tìm cách tốt nhất và hiệu quả nhất với bạn thay vì áp dụng cứng nhắc theo cách mọi người nói.

Chia sẻ