4 điều có thể bạn chưa từng biết về "chuyện ấy" sau tuổi 30
Bạn có thể cho rằng, đời sống tình dục của mình sẽ vẫn thế cho tới giai đoạn mãn kinh nhưng thực tế không như vậy.
Những thay đổi bắt đầu từ khoảng giữa những năm 30 tuổi sẽ tác động mạnh mẽ tới việc "chuyện ấy" làm cho nó tốt lên hay xấu đi.
1. "Tuổi 30 đỉnh cao" không chắc sẽ xảy ra
Tất cả chúng ta đều nghe nói rằng, giai đoạn đỉnh cao trong đời sống tình dục của phụ nữ bắt đầu từ cuối những năm 30 tuổi và kéo dài tới đầu những năm 40. Nhưng điều này không đúng với tất cả.
Theo bác sĩ Leah S. Millheiser, giám đốc Chương trình Y khoa về tình dục nữ giới tại Stanford Health Care, nhiều phụ nữ ngạc nhiên khi biết hàm lượng testosterone, hormone ham muốn, của họ bắt đầu suy giảm từ đầu độ tuổi 20. Nhưng mọi phụ nữ đều trải nghiệm mức độ suy giảm testosterone lên tới 50% trong giai đoạn 20-50 tuổi.
Những áp lực cuộc sống trong độ tuổi 30 (công việc, gia đình, bạn bè và thời điểm bạn có thể toàn tâm toàn ý với việc tập luyện thể dục thể thao) cũng can thiệp vào chuyện ham muốn tình dục. Bác sĩ Millheiser nhấn mạnh: "Về khía cạnh tình dục, phụ nữ biểu hiện tính mềm dẻo rõ rệt. Điều này có nghĩa là ham muốn của họ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh nhiều hơn so với nam giới". Nói cách khác, khi cuộc sống trở nên áp lực, khó khăn, ham muốn tình dục của bạn cũng sẽ ngủ yên.
2. Tình trạng khô âm đạo có thể xảy ra thường xuyên
Không chỉ do hàm lượng testosterone suy giảm tự nhiên, hiện tượng khô âm đạo còn do loại biện pháp tránh thai mà bạn lựa chọn.
Bạn có xu hướng sử dụng một biện pháp tránh thai nào đó trong khoảng thời gian từ tuổi 20-40, theo kết quả một báo cáo từ CDC – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ. Cụ thể, 75,3% phụ nữ 40-44 tuổi có sử dụng biện pháp tránh thai, 69,7% phụ nữ 30-34 tuổi và 58,3% phụ nữ 20-24 tuổi.
Nếu biện pháp được chọn là thuốc tránh thai, hàm lượng testosterone sẽ chịu tác động mạnh mẽ. Bác sĩ Alyssa Dweck, trợ giảng lâm sàng tại khoa Khoa học về sinh sản, phụ khoa tại Trường Y Mount Sinai, cho biết: "Thuốc tránh thai khiến bạn ngừng rụng trứng, từ đó làm giảm testosterone, trong khi lại tăng hàm lượng một protein liên kết testosterone. Điều này có nghĩa là có ít testosterone trôi nổi tự do trong máu hơn. Do đó, bạn sẽ cảm thấy khô hạn hơn trong quan hệ tình dục, khiến "chuyện ấy" trở nên kém thoải mái".
Mặc dù vậy, sử dụng chất bôi trơn âm đạo có thể giải quyết vấn đề này nhưng bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ phụ khoa để có biện pháp xử lý tốt hơn.
3. Tần suất "quan hệ" giảm đến bất ngờ
Các cặp đôi cho biết họ đạt đỉnh cao hạnh phúc khi "yêu" nhau 1 lần/tuần – theo nghiên cứu mới đây đăng tải trên tờ Social Psychological and Personality Science (Khoa học về tính cách và tâm lý xã hội).
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ hơn 30.000 người và phát hiện thấy rằng mặc dù thường xuyên giảm bớt tần suất quan hệ tình dục có thể làm suy giảm cảm giác hạnh phúc, vui sướng nhưng "yêu" 2 lần/tuần cũng không khiến con người hạnh phúc gấp đôi. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn nhận thấy chuyện gối chăn trở nên ảm đạm thì hãy nhớ rằng, 1 lần/tuần có thể là tất cả những gì bạn cần.
4. "Lên đỉnh" không cần quá khó khăn mới đạt được
Việc đạt được cực khoái trở nên dễ dàng hơn với phụ nữ khi họ nhiều tuổi thêm – theo kết quả cuộc điều tra quốc gia về Sức khỏe và Hành vi tình dục ở Mỹ.
Bởi vì, trước khi cực khoái dễ dàng đến với bạn hơn thì bạn sẽ phải học cách để đạt được nó. Bác sĩ Dweck tiết lộ: "Nam giới đạt cực khoái khi họ phóng tinh – nó mang ý nghĩa một chu trình kỹ thuật nhiều hơn. Nhưng khi phụ nữ đạt cực khoái, não bộ của họ phải hoàn toàn cảm nhận được cảm giác đó. Do đó, nhiều phụ nữ ở độ tuổi 20 vẫn tập trung vào chuyện giao hợp như chìa khóa cho trạng thái thăng hoa cao nhất khi "yêu". Và phải khoảng giữa những năm 30 tuổi, họ mới nhận ra rằng, sự kết hợp của những động chạm và suy tưởng sẽ đưa bạn tới nơi bạn muốn".
Theo: Operah/WHM/Cos