4 bước nhất định các bạn trẻ phải biết trước khi thực hiện mục tiêu mua nhà

Lam Anh,
Chia sẻ

Đối với những người trẻ, mua nhà có thể là một mục tiêu khó khăn, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không thể làm được.

Mua nhà vẫn luôn là một trong những ước mơ và mục tiêu lớn nhất đối với hầu hết tất cả mọi người. Và bởi thế, không quá khó hiểu khi nhiều người nói về cảm giác sau khi sở hữu nhà riêng như một điều gì đó vô cùng thiêng liêng và khó quên nhất đời. Điều này đặc biệt đúng hơn nữa với những người trẻ - khi khoản tiết kiệm chưa có nhiều.

Sinh viên vừa mới tốt nghiệp mua nhà bằng cách nào? - Ảnh 1.

Để có được cảm giác khó quên khi tự mình sở hữu nhà riêng, những người trẻ có thể sẽ phải trải qua nhiều khó khăn.

Mặc dù mua được nhà được coi là một bước nhảy vọt trong hành trình trưởng thành của bạn nhưng nếu không có kế hoạch thích hợp và hiểu rõ về trách nhiệm cũng như chi phí mua nhà, quyết định này có thể sẽ khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy hối tiếc.

Đừng quá lo lắng, chỉ cần bạn có kế hoạch và xác lập mục tiêu phù hợp, điều này có thể dễ dàng tránh được. Dưới đây là một số mẹo hữu ích giúp bạn hiện thực hóa giấc mơ:

1. Xác định khả năng chi trả

Là một sinh viên mới tốt nghiệp, việc có thêm một khoản vay thế chấp có thể đi kèm với một số rủi ro. Và đương nhiên, đi kèm với các khoản nợ luôn là gánh nặng vô hình. Do đó, điều quan trọng là bạn phải hiểu được tất cả những gì mình muốn, ước lượng được chính xác những thứ bản thân bạn có.

Để bắt đầu, bạn nên xem xét các yếu tố như: thu nhập và các khoản chi phí bạn đã/sẽ có sau khi mua nhà, bao gồm: chi phí sinh hoạt hằng ngày, hóa đơn tiền điện - nước, khoản vay nợ khác (nếu có), khoản dự phòng...

Sau khi đã có cho mình một bức tranh toàn cảnh về tình hình ngân sách của bản thân thì hãy lưu ý một điều như sau trước khi tìm cho mình một căn nhà phù hợp: Chi phí liên quan tới nhà ở tốt nhất nên bằng 1/3 tổng thu nhập hàng tháng (bao gồm cả khoản thanh toán thế chấp, hóa đơn điện nước,...). Không chỉ thế, các khoản chi phí cần đóng hàng tháng của bạn cũng cần được tính toán cẩn thận khi bắt tay thực hiện quá trình này.

Nếu bạn nhận thấy rằng mình đã sẵn sàng (về cả tài chính lẫn tinh thần) để mua một căn nhà, bước tiếp theo bạn cần làm là TIẾT KIỆM cho một khoản trả trước.

2. Tiết kiệm cho một khoản trả trước

Bước đầu tiên của bạn sau khi lập ngân sách và xác định khả năng chi trả là bắt đầu tiết kiệm cho khoản trả trước. Mặc dù với tất cả các chính sách ưu đãi như hiện nay có thể cho phép bạn mua nhà với khoản trả trước thấp hơn 20% nhưng đó vẫn là một lựa chọn không nên xảy ra.

Để làm được, hãy tập chia nhỏ thu nhập hàng tháng của mình ra thành các khoản: chi phí chi tiêu, khoản thanh toán vay nợ (nếu có) và tiền tiết kiệm.

Nhưng để tránh tình trạng bị tiêu vào khoản tiết kiệm này, hãy thử giữ an toàn tài chính cá nhân bằng một tài khoản tiết kiệm trực tuyến theo thời hạn dài và cất thẻ này ở một vị trí riêng, ít nhìn thấy.

3. Quản lý điểm tín dụng của bạn

Điểm tín dụng đóng vai trò quan trọng trong quá trình mua nhà của bạn, vì nó có thể xác định xem bạn có đủ điều kiện vay tiền mua nhà hay không, cũng như các mức lãi suất mà bạn có thể được hưởng.

Để biết điểm tín dụng của mình như thế nào, bạn nên nhờ đến sự trợ giúp của nhân viên ngân hàng. Thông thường, thang điểm tín dụng an toàn được cho là nằm trong khoảng từ 300-850. Đồng thời nếu có số điểm từ 700 trở lên thường được coi là rất tốt, theo đó rủi ro ở mức rất thấp, đủ điều kiện vay, lãi suất thấp và ưu đãi.

Sinh viên vừa mới tốt nghiệp mua nhà bằng cách nào? - Ảnh 2.

Việc tiến hành kiểm tra điểm tín dụng sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến bạn, ngược lại nó sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân cần làm gì tiếp theo. Cụ thể, sau khi có thông tin chính xác, bạn có thể thực hiện các bước đầu tiên để gặp người cho vay thế chấp và được chấp thuận trước cho khoản vay mua nhà của bạn. Đồng thời nó cũng sẽ giúp ích cho bạn khi bạn gặp một đại lý bất động sản, họ sẽ giúp bạn tìm được một ngôi nhà phù hợp với tài chính của bạn.

Nếu điểm tín dụng thấp hơn mức lý tưởng, hãy thay đổi thói quen và cách thức chi tiêu. Ngoài ra, bạn cũng có thể cải thiện bằng việc giảm mức sử dụng thẻ tín dụng, trả hết nợ và thanh toán đúng hạn hàng tháng.

4. Tìm kiếm và gặp gỡ những người môi giới hoặc đại lý bất động sản

Khi bạn đã sắp xếp ngân sách và tình hình tài chính của mình, tiết kiệm cho khoản trả trước và xác định được thang điểm tín dụng của mình thì điều quan trọng nhất trước khi sở hữu ngôi nhà đã đến.

Bây giờ, hãy tìm tới sự giúp đỡ của những người môi giới hoặc các đại lý bất động sản để tìm kiếm cho mình một ngôi nhà phù hợp với các tiêu chí của bạn. Hãy nhớ, trước khi bắt đầu, việc bạn cần làm chính là kiểm tra lại tài chính một lần nữa, cũng như thời hạn mong muốn của bạn khi ở ngôi nhà này. Bởi, căn hộ đầu tiên chưa chắc đã là nơi bạn sẽ ở mãi mãi.

Vì vậy, hãy nhớ rằng khả năng chi trả và việc tìm kiếm những gì bạn muốn đều đóng vai trò có giá trị như nhau trong quá trình này.

Mua nhà lần đầu tiên có thể là một quá trình khó khăn, đặc biệt đối với những sinh viên mới tốt nghiệp. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu đầy đủ về quy trình và chiến lược tài chính. Làm như vậy sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tốt nhất về ngôi nhà mà bạn có thể mua được và cho bạn đáp án chính xác về việc mua nhà có phải là lựa chọn lý tưởng của bạn trong thời điểm hiện tại hay không.

Chia sẻ