4 bước để nói không với sếp
Nếu bạn không đồng ý với một quyết định sếp đưa ra, bạn không nên bày tỏ ý kiến phản đối của mình trước mặt người khác hoặc gửi một email đầy những lời lẽ khiêu khích, bất mãn.
Bạn tham gia cuộc họp giao ban với toàn thể công ty đầu tuần và trình bày ý kiến về việc làm thế nào để tăng năng suất, tiết kiệm chi phí. Nhưng sau đó sếp lại nhanh chóng loại bỏ ý tưởng đó với một lý do rất mơ hồ. Bạn biết rằng mình nói đúng và sếp đã sai khi không nghe ý kiến của bạn. Tuy nhiên, bạn không thể bật dậy mà phản ứng ngay trong cuộc họp, trước mặt toàn bộ các thành viên. Thế nhưng, im lặng, buông xuôi ý tưởng sáng tạo của mình lại khiến bạn khổ sở, không thoải mái.
Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn thận trọng khi nói không với sếp mà hoàn toàn không ảnh hưởng đến công việc:
- Làm chủ cuộc hội thoại
Trước tiên, bạn phải nhận ra khả năng làm chủ cuộc hội thoại là cực kỳ quan trọng tại nơi làm việc. Những người gặp khó khăn khi đối thoại với người khác dễ gây nên ảnh hưởng tiêu cực đối với cả công ty.
Việc học cách làm chủ cuộc hội thoại là yếu tố quan trọng để thành công. Muốn di chuyển lên những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp, bạn phải học cách xử lý các cuộc hội thoại khó khăn không theo mong muốn của bạn. Càng sớm tìm hiểu để giải quyết vấn đề một cách hợp lý thông qua đối thoại, chúng ta càng dễ thành công hơn.
Nói không với sếp cũng là một nghệ thuật - (Ảnh minh họa).
- Đưa ra vấn đề đáng để sếp quan tâm
Đừng bao giờ trình bày những vấn đề nhỏ nhặt với sếp, bạn cần chọn lọc những vấn đề xứng đáng với vai trò của sếp để họ thấy rằng đề tài bạn nói rất đáng quan tâm. Khi sếp bị quấy rầy bởi những vấn đề cá nhân giữa các nhân viên, họ cảm thấy như đang đảm nhận vai trò “trông trẻ” hơn là vị trí của một lãnh đạo. Bạn nên chủ động, cố gắng giải quyết các vấn đề với đồng nghiệp trước khi chạy đến kêu với sếp bởi sếp còn những mối quan tâm lớn hơn như hiệu quả kinh doanh, hiệu suất của tổ chức hay phương án giải quyết khó khăn cho công ty…
- Chọn không gian và thời gian thích hợp
Nếu bạn không đồng ý với một quyết định sếp đưa ra, bạn không nên bày tỏ ý kiến phản đối của mình trước mặt người khác hoặc gửi một email đầy những lời lẽ khiêu khích, bất mãn.
Hãy chắc chắn rằng bạn chọn đúng thời điểm để nói không đồng ý với sếp. Theo chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Andrea Kay, thách thức sếp trong cuộc họp không phải là một ý tưởng hay.
Bạn tuyệt đối đừng bao giờ xông thẳng vào văn phòng của sếp mà hãy yêu cầu một cuộc gặp tại một nơi riêng tư, có thể trong phòng sếp, hoặc phòng họp. Cuộc nói chuyện đối diện với sếp như thế này sẽ tốt hơn để giải quyết những khúc mắc.
- Bắt đầu bằng một lưu ý tích cực
Đừng bắt đầu cuộc trò chuyện với toàn thông tin tiêu cực, hãy bắt đầu bằng cách khen ngợi một điểm nào đó trong tình huống hiện tại. Sau đó làm rõ ý định, mối quan tâm của bạn, đưa ra ý kiến để mọi thứ tiến triển tốt hơn.
Đừng nản lòng nếu cuối cùng sếp không thay đổi suy nghĩ. Hãy nhớ rằng việc bày tỏ ý kiến của bạn là tốt cho công ty và cho sếp thấy rằng bạn quan tâm đến sự thành công của tổ chức chứ không phải chỉ biết đến lợi ích cá nhân.