4 bệnh dễ chẩn đoán nhầm với sa tử cung
Do có nhiều triệu chứng như nhau nên nhiều bệnh phụ khoa dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh sa tử cung.
Chị em nên nắm rõ những triệu chứng của các bệnh để bảo vệ mình khỏi những hệ lụy sức khỏe đáng tiếc nhé!
Sa tử cung (sa dạ con) là tình trạng tử cung bị sa xuống dưới vị trí bình thường. Sa tử cung xảy ra khi các cơ vùng chậu bị yếu đi, khiến cho nhiều cơ quan vùng chậu bao gồm: bàng quang, trực tràng, niệu đạo bị tụt xuống âm đạo.
Phần lớn sa tử cung là do chấn thương ở các cơ đáy xương chậu, cổ tử cung hoặc các mô nâng đỡ tử cung trong quá trình chuyển dạ, nhất là khi bệnh nhân chuyển dạ lâu, sinh con quá to hoặc sinh nhanh. sa tử cung thường gặp nhất ở những phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là những phụ nữ đã sinh nở. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp sa dạ con gặp ở người trẻ, dù chỉ sinh ít con.
Triệu chứng của sa tử cung:
- Cảm giác nặng và căng tức ở vùng âm hộ, thậm chí thấy rõ một khối tròn lồi hẳn ra ngoài âm đạo.
- Chị em sẽ dễ bị dau nhiều khi giao hợp và không thể đạt được cực khoái.
- Cảm giác đau lưng dữ dội.
- Cảm giác trì nặng vùng chậu
- Sa niệu đạo hay mót đi tiểu.
- Tiêu tiểu không tự chủ do căng thẳng thần kinh.
- Sa trực tràng, thấy khó khăn trong việc đi tiêu.
Tuy nhiên, ở mỗi người, mức độ sa dạ con hoàn toàn khác nhau và đó cũng là một trong những nguyên do khiến cho một số bệnh bị chẩn đoán nhầm thành bệnh sa tử cung.
Ảnh minh họa
1. U xơ tử cung
U xơ tử cung là những khối u lành tính nên thường không gây nguy hiểm nếu được phát hiện sớm. Nhưng vì chủ quan, nhiều chị em không có thói quen khám phụ khoa định kỳ nên bệnh thường phát hiện muộn.
Khi u xơ tử cung tiến triển tới giai đoạn nặng, những khối nhân xơ tạo thành polip (bướu thịt) tụt vào âm đạo khiến bệnh nhân bị ra máu nhiều và có cảm giác vướng mỗi khi sinh hoạt tình dục. Những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với sa cổ tử cung.
2. Bệnh ở cổ tử cung
Bệnh ở cổ tử cung như viêm cổ tử cung, u cơ cổ tử cung về lâu ngày sẽ khiến cho cổ tử cung bị mở rộng dù chưa sinh con. Tuy nhiên, bệnh này không bị sa thành âm đạo, vòm âm đạo vẫn cao và tử cung vẫn nằm trong khoang chậu mà chỉ có cổ tử cung bị mở rộng và lộ ra ở miệng âm đạo khiến người bệnh có cảm giác như mình bị sa tử cung.
3. Bệnh mãn tính trong tử cung
Bệnh mãn tính trong tử cung cũng có thể tạo ra các khối u trong tử cung, ống dẫn trứng và cả thành âm đạo (trên bề mặt của những khu vực này có màng tế bào màu đỏ nhầy, dễ chảy máu). Các biểu hiện này cũng giống với triệu chứng của sa tử cung, gây cảm giác trì nặng ở vùng chậu nên dễ bị chẩn đoán nhầm.
4. Nang âm đạo
Nang âm đạo tương đối hay gặp nhưng rất hiếm thấy các nang lớn, thường gặp ở thành trước hoặc thành dưới âm đạo. Nang lớn nhất thường bằng quả óc chó. Bệnh nhân có thể là mắc một nang hoặc nhiều nang (các nang âm đạo này có thể là nguyên nhân gây đau khi giao hợp) nên dễ chẩn đoán nhầm là sa bàng quang hoặc sa tử cung. Nhưng trong trường hợp này tử cung vẫn còn ở vị trí bình thường sau khi kiểm tra hoặc ép vào đầu của khối u.
Nắm được những căn bệnh dễ nhầm lẫn này, chị em nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa tin cậy để được kiểm tra, thăm khám và chẩn đoán chính xác. Không nên chủ quan, tự khám và tự điều trị theo kinh nghiệm dân gian hay truyền miệng, dễ dẫn đến những hệ lụy sức khỏe không đáng có.
Sau khi sinh em bé, nhiều chị em mắc phải chứng tiểu không tự chủ, chỉ một cái hắt xì, một cơn ho hay một trận cười là quần “ẩm ướt”