37 ngày nữa mới Tết, lo sợ thực phẩm bẩn, bà nội trợ Việt đã nháo nhác đặt lợn rừng ăn Tết
Dù biết lợn rừng giá đắt hơn lợn thường khoảng 70 ngàn đồng/kg nhưng lo sợ thịt lợn không sạch và không ngon ngày Tết, nhiều bà nội trợ đã bắt đầu tìm về Hòa Bình, Yên Bái để đặt lợn rừng ăn Tết.
Tính đến thời điểm này, còn đúng 37 ngày nữa là Tết Nguyên Đán 2020, mặc dù giá thịt heo nuôi đang leo thang từng ngày nhưng nhiều bà nội trợ Việt vẫn không yên tâm vì nỗi e ngại thực phẩm bẩn.
Vì thế, tranh thủ thời điểm giáp Tết, họ nhốn nháo tìm mua lợn rừng cho gia đình mình ăn Tết.
Trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Giang, 37 tuổi ở Minh Khai, Hà Nội là 1 ví dụ.
Bà nội trợ này chia sẻ, dù chị biết giá lợn rừng cao hơn hẳn so với giá lợn nuôi thông thường đến gần trăm ngàn/1kg nhưng những gia đình có mức thu nhập trung bình như nhà chị vẫn có thể mua được.
Chị Giang chia sẻ, năm nào nhà chị cũng ăn Tết bằng một con lợn rừng khoảng 25kg. Chị thường đặt mua lợn tận một nhà dân ở Yên Bái với giá móc 220 ngàn đồng/1kg (chưa gồm tiền vận chuyển về Hà Nội). Giá cả có phần đắt đỏ nhưng chị bảo khi ăn thịt thấy ngon, lại có thể làm được nhiều món nên chị không mấy lăn tăn về mức giá này.
"Nhà mình thường chung thịt lợn rừng với nhà chị gái. Hai chị em đụng chung con lợn khoảng 25kg. Nhà mình rất thích ăn thịt lợn rừng. Bởi thịt lợn rừng ít được ăn ngày thường. Còn thịt lợn nuôi thì ăn cả năm đã chán rồi".
"Hơn nữa giá lợn nuôi leo thang thế này, mình sợ người nuôi sẽ cho ăn tăng trọng để thúc tăng cân nhanh nên sợ không đảm bảo. Còn lợn rừng thì đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Lợn được người dân ở Yên Bái nuôi toàn bằng rau củ của nhà nên chất lượng thịt bảo đảm sạch hơn", chị Giang nói.
Bà nội trợ ở Minh Khai này khẳng định chắc nịch, ăn thịt lợn rừng vừa ngon vừa chế biến được nhiều món mà không ngấy ngán. Bởi thế, dù tốn tiền gấp đôi, gấp 3 lần nhưng chị cảm giác mua được sự an toàn, ngon miệng cho gia đình mấy ngày Tết nên không xót ruột khi phải chi tiền.
Cũng đang nháo nhác tìm nguồn lợn rừng lông đen cắp nách để đặt ăn Tết giống như chị Giang nói trên là gia đình bác Phạm Thị Hải, 60 tuổi ở Cầu Diễn, Hà Nội.
Nhà bác Hải có 3 người con trong đó có 2 gái, 1 trai. Các con bác đều đã lập gia đình và đi làm ăn xa. Chỉ đến Tết cả nhà bác mới có dịp quây quần đông đủ với nhau. Vì thế năm nào với gia đình bác cái Tết cũng được chuẩn bị tươm tất.
Thông thường, cứ vào thời điểm cận Tết Nguyên Đán, bác lại gọi điện cho một người bà con hiện đang sống tại Tân Lạc, Hòa Bình để đặt 1 con lợn rừng lông đen khoảng 30kg ăn Tết. Bác cứ đặt để đó, khoảng ngày 28 Tết các con trai bác về nhà sẽ đánh ô tô lên Tân Lạc để thịt lợn ngay trên đó rồi đóng thùng xốp trở lợn rừng về Hà Nội.
Khi ấy cả nhà bác sẽ thịt lợn sạch ăn một bữa liên hoan trước Tất Niên tưng bừng. Sau đó phần còn lại sẽ gói giò, cho vào làm nhân bánh chưng, làm nem, xào sả ớt ăn mấy ngày trong Tết.
Người phụ nữ trung tuổi này đánh giá: "Vài năm trước không biết, con trai tôi cứ mua 1 con heo sữa quay cũng mất gần 2 triệu đồng. Thế nhưng thịt không ngon chút nào. 2-3 năm trở lại đây, cứ ăn lợn rừng thấy thơm ngon mà giá tiền cũng chỉ đắt lên gấp đôi. Nhưng đắt xắt ra miếng, ăn thấy đã miệng vô cùng".
Chia sẻ về giá lợn rừng thời điểm cận Tết, bà Hoàng Thị Yên, 1 hộ dân nuôi lợn rừng ở Tân Lạc, Hòa Bình cho hay: Thời điểm này rất nhiều người đặt mua lợn rừng ăn Tết. Chủ yếu khách mua là dân thành phố có kinh tế khá nên đặt lợn rừng để "đổi món".
Bà Yên cũng tiết lộ, lợn được nhà bà hay các hộ dân ở đây nuôi chỉ có số lượng mỗi nhà vài con và được chăn nuôi cho ăn rất sơ sài nên thịt lợn thật sự thơm ngon.
"Lợn nhà bà thì thả quanh năm trong vườn nhà. Chỉ ăn rau cỏ và cây chuối. Mỗi chú lợn nhà bà thường có cân nặng khoảng 30-50kg/con. Mọi năm, thịt lợn chưa lên giá gia đình bà thường bán 150 ngàn đồng/kg. Nhưng năm nay thịt lợn nuôi lên giá chóng mặt nên lợn rừng cũng tăng giá theo. Song ngày sát Tết nhưng gia đình bà vẫn bán giá 230 ngàn đồng/kg thịt".
Người nuôi lợn rừng tại nhà này cũng cho biết thêm, hầu hết các khách ở Hà Nội đặt hàng từ thời điểm này để giữ lợn. Đến cận Tết họ sẽ lên chở về thành phố làm thịt hoặc thuê gia đình bà Yên thịt luôn, sau đó mổ xẻ lợn ra làm từng phần rồi mang về thành phố.