300.000 trẻ em Ấn Độ bị đánh thuốc mê, bạo hành, bắt đi ăn xin kiếm tiền mỗi ngày
Giả ăn xin đang trở thành một ngành công nghiệp kiếm hàng triệu rupee nằm trong tay những kẻ buôn người.
Ít nhất 300.000 trẻ em trên khắp Ấn Độ đang hàng ngày bị đánh thuốc mê, bị đánh đập và phải đi ăn xin kiếm tiền cho chủ là những kẻ buôn người. Thông tin trên mới được công bố đã gây chấn động cả Ấn Độ, làm dấy lên sự lo ngại về tình trạng bạo hành trẻ em.
Theo Ủy ban Nhân quyền Ấn Độ, mỗi năm đất nước này có 40.000 trẻ em bị bắt cóc. Trong đó có ít nhất 11.000 trẻ em mất tích hoàn toàn không có dấu vết. Trong quá trình điều tra, cảnh sát thường bỏ qua những trường hợp ăn xin. Nhiều người cứ nghĩ rằng, trẻ em đi cùng người lớn tức là có quen biết, cùng nhà nên thường ít quan tâm.
Nhưng theo điều tra, cứ 50 trẻ em đi ăn xin có ít nhất 10 đứa bé là nạn nhân của nạn buôn người. Có thể nói, rất nhiều trẻ em bị bắt cóc chỉ với lý do làm công cụ ăn xin kiếm tiền.
300.000 trẻ em Ấn Độ đang phải đi xin ăn mỗi ngày.
Tại Ấn Độ, không ít trường hợp trẻ em bị đánh đập tàn nhẫn, bị thiêu đốt cho bỏng tay chân để kêu gọi lòng nhân ái của người khác và xin được nhiều tiền hơn.
Số tiền mà trẻ em xin được thường được đưa về cho những kẻ buôn người. Các em bé chịu đau đớn nhưng cuối cùng lại chỉ là công cụ lợi ích cho kẻ khác.
Những thông tin trên được đưa ra sau quá trình điều tra tại nhiều thành phố, trong đó chủ yếu tại Bangalore, miền nam Ấn Độ.
Những kẻ ăn xin chuyên nghiệp cũng hoạt động theo mùa. Những thành phố như Bengalore thường xuất hiện nhiều trẻ em lang thang, trẻ em đói nghèo,… ngay trước lễ hội hoặc sau thảm họa tự nhiên. Điều đó khiến các du khách hoặc nhiều người dân dễ tỏ ra thương cảm hơn.
Năm 2011, cảnh sát Bengalore đã đưa ra chiến dịch phối hợp với các tổ chức từ thiện để giải cứu các em bé ăn xin. Ban đầu, cảnh sát sẽ tỏa đi khắp thành phố, chụp ảnh trẻ em ăn xin, ghi chép lại hoạt động thường ngày của các bé, theo dõi các bé để xác định tình huống.
Rất nhiều em bé là nạn nhân của nạn bắt cóc.
“Lúc mới bắt đầu, chúng tôi không thể nào chứng minh được đâu là trẻ em ăn xin thật và đâu là trẻ em bị bắt cóc. Sau khi ghi chép tỉ mỉ, chúng tôi phát hiện ra dấu hiệu của những em bé bị bắt đi ăn xin trên phố.” – Bà Kanaiya, Giám đốc Dự án Ấn Độ tự do, nói.
Cảnh sát trưởng Pronob Mohanty, cho biết nhóm đã giải cứu được 300 trẻ em chỉ trong một ngày. Những kẻ bắt cóc sau đó đã bị phạt tù.
Có thể nói cách tìm hiểu chi tiết về các em bé ăn xin đang là mô hình để nhiều thành phố học theo. Giảm trẻ em ăn xin cũng là giảm tình trạng bắt cóc tràn lan.
Nguồn: Straitstimes