3 biểu hiện đáng báo động của đứa trẻ thiếu tình yêu thương
Nếu tuổi thơ hạnh phúc, cả cuộc đời sẽ an lành. Nếu tuổi thơ bất hạnh sẽ phải dùng phần đời còn lại để chữa lành.
Đối với mỗi người, quãng thời gian khó quên nhất là tuổi thơ. Bởi khi đó ta chỉ là đứa trẻ vô lo vô nghĩ. Nếu trẻ được sống trong môi trường hòa thuận, nhận được sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ sẽ hình thành tính cách tự tin, dũng cảm và có cơ hội thành công cao trong tương lai. Ngược lại, đứa trẻ thiếu hụt tình yêu thương sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành tính cách. Trẻ có thể cảm thấy tự ti, mặc cảm, sống không có mục tiêu, thậm chí là mắc bệnh tâm lý dạng nhẹ.
Vì vậy, ngay khi con còn nhỏ, cha mẹ cần thiết lập mối quan hệ gắn bó, khăng khít. Hãy mang đến cho con sự ấm áp để con cảm thấy tin tưởng, không rơi vào trạng thái lo lắng, hoang mang. Cảm giác an toàn sẽ là bàn đạp giúp trẻ "bay cao, bay xa", nỗ lực chinh phục những mục tiêu mới.
Trong nhiều nghiên cứu về tâm lý trẻ nhỏ, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, cha mẹ nên lấp đầy não bộ của trẻ bằng những ký ức hạnh phúc. Những ký ức này sẽ được chuyển hóa vào tiềm thức và trở thành nguồn năng lượng tích cực giúp trẻ phát triển toàn diện. Ngược lại, nếu cha mẹ không chú trọng quan tâm, chăm sóc con sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý, gây ra khiếm khuyết về mặt tâm hồn.
Trên thực tế, những đứa trẻ thiếu tình yêu thương, sự quan tâm từ cha mẹ có thể xuất hiện một số biểu hiện sau:
1. Không tự tin, quá quan tâm đến ý kiến của người khác
Trong ngành Tâm lý học, các chuyên gia cho biết, độ tuổi để trau dồi sự tự tin cho trẻ là từ 3 – 6 tuổi. Nguồn gốc của sự tự tin đến từ việc giáo dục của cha mẹ. Nếu cha mẹ không quan tâm con từ những việc nhỏ nhất như: Việc ăn uống, kiểm tra bài vở,… sẽ khiến trẻ dần dần xa cách.
Những đứa trẻ thiếu tình yêu thương, sự động viên, hỗ trợ thường có tâm lý không ổn định, khó kiểm soát được cảm xúc. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể hình thành lối sống khép kín, tự ti, mặc cảm với mọi người.
Một biểu hiện dễ nhận biết nữa là trẻ luôn quan tâm đến ý kiến mọi người xung quanh. Trẻ có thể sợ người khác phê bình, góp ý, không dám nhận lỗi sai. Trẻ sợ những lời nói dù tốt, dù xấu có liên quan đến mình. Những đứa trẻ thiếu tình yêu thương thường không dũng cảm đối mặt, luôn sợ ánh nhìn dò xét và thái độ của người khác.
2. Tính cách u ám, không giỏi kết bạn
Trong gia đình, nếu mọi người hết mực yêu thương, quan tâm đến trẻ, không khí hoà thuận sẽ nuôi dưỡng cho trẻ sự tự tin, tính cách vui vẻ. Trẻ dám bộc lộ suy nghĩ bản thân, dám nhận lỗi sai và sửa lỗi khi mắc sai lầm. Trẻ cũng có nhiều bạn bởi tính cách hoà đồng, thân thiện.
Vậy còn những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm thì sao? Khi cha mẹ không đủ bao dung tha thứ lỗi lầm khiến trẻ trở nên sống khép kín. Trẻ sẽ nhút nhát, tự ti, làm việc gì cũng sợ bị cha mẹ mắng. Những đứa trẻ này khi lớn lên có nguy cơ trở thành người sống tiêu cực, hướng nội, không muốn kết bạn. Trẻ chỉ muốn ở một mình vì ngại và sợ bị từ chối.
3. Chống đối, thiếu tin tưởng vào mọi người
Những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm từ nhỏ thường có suy nghĩ chín chắn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Lâu dần, trẻ hình thành tâm lý và suy nghĩ: "Tôi không cần ai cả, dù chỉ có một mình, tôi vẫn sống tốt". Bề ngoài, trẻ tỏ ra là người độc lập nhưng thực chất bên trong lại cảm thấy bất an.
Do từ nhỏ đã thiếu thốn tình cảm của cha mẹ nên khi lớn lên, trẻ sẽ không mấy tin tưởng vào người khác, không tin rằng người khác sẽ đối xử tốt với mình. Và trẻ luôn cảm thấy lòng tốt và thiện chí của người khác là động cơ thầm kín và có chủ đích. Đặc biệt là về tình cảm và giao tiếp cá nhân, những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm thường ít chủ động tiếp xúc và quan tâm đến người khác. Tất nhiên không phải do trẻ nhẫn tâm mà vì nội tâm bất an.
Kết quả là trẻ sẽ áp dụng phương pháp né tránh và cô lập bản thân. Luôn giữ khoảng cách với người khác một cách vô thức, không mở lòng để tránh làm tổn thương mình.