3 yếu tố nhận biết trẻ có thông minh hay không ngay từ khi còn nhỏ
Cha mẹ nào cũng đều mong con mình sau này sẽ có IQ cao. Dựa vào các dấu hiệu này, phụ huynh có thể phần nào biết được khả năng thông minh của con trong tương lai.
Trên thực tế, một đứa trẻ có thông minh hay không có thể nhìn thấy ngay từ nhỏ, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, IQ của trẻ chủ yếu được quyết định bởi 2 yếu tố, di truyền từ cha mẹ và do sự rèn luyện có được. Do đó, ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ, một số phụ huynh đã chú trọng tới việc cải thiện IQ cho con mình.
Giáo sư Li Meijin là một chuyên gia trong lĩnh vực nuôi dạy con cái tại Trung Quốc. Trong một bài phát biểu, vị giáo sư này đã nhận định rằng, trẻ em có thông minh hay không chỉ cần nhìn vào 3 đặc điểm được thể hiện từ rất sớm sau đây:
1. Bàn tay
Trên cơ thể, bàn tay là nơi phân bố rất nhiều dây thần kinh, gấp 10 lần chân, do đó bộ phận này cũng được ví như bộ não thứ 2 của trẻ. Mọi cử động của tay đều cần cần não bộ xử lý. Do đó, nếu tay của trẻ càng linh hoạt thì chứng tỏ não bộ càng được kích thích nhiều, phần nào thể hiện rằng trẻ có hoạt động não bộ tốt hơn, có thể trở nên thông minh hơn.
Mặt khác, cho dù cha mẹ nhận thấy các ngón tay của con mình không linh hoạt thì cũng không cần quá lo lắng. Sự phát triển não bộ sẽ được rèn luyện và cải thiện mỗi ngày, trong suốt quá trình trẻ lớn lên. Khi thời gian qua đi, trẻ được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thì tay cũng được rèn luyện, góp phần kích thích não vận động nhiều hơn.
Dựa vào các dấu hiệu này, phụ huynh có thể phần nào biết được khả năng thông minh của con trong tương lai.
2. Trí nhớ
Khi vừa ra đời, mỗi đứa trẻ đều có những đặc điểm khác nhau, trong đó bao gồm cả sự phát triển não bộ. Có trẻ trí nhớ tốt, thông minh bẩm sinh, nhưng cũng có trẻ cần trải qua rèn luyện, học tập mới dần trở nên giỏi giang hơn.
Với những đứa trẻ có trí nhớ tốt ngay từ sớm, trẻ sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc học tập và phát triển bản thân so với bạn bè. Dựa vào những gì nghe được, nhìn thấy, trẻ sẽ lưu giữ mọi thứ trong ký ức rồi cứ thế học theo. Nếu nhận thấy con mình nhớ tốt, phụ huynh có thể cùng con thực hiện thêm các bài tập bổ trợ trí nhớ, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học của trẻ sau này.
Nếu cha mẹ nhận thấy trẻ có thể nhớ được những gì mình đã nói trong thời gian dài, khó quên, chứng tỏ chúng có trí nhớ tốt, nên duy trì và rèn luyện nếu không sẽ bị mai một dần.
Với những đứa trẻ có trí nhớ tốt ngay từ sớm, trẻ sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc học tập và phát triển bản thân so với bạn bè.
3. Nói chuyện hoạt bát
Trẻ biết nói sớm có thông minh không còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo Hiệp hội của Trẻ thiên tài; những đứa trẻ thông minh có thể bắt đầu nói sớm khi bé được 9 tháng tuổi.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, nếu một em bé có thể hiểu những gì người lớn nói và biết phát ra một vài từ trước 1 tuổi, điều đó có nghĩa là não của trẻ phát triển tốt.
Do đó, những đứa trẻ hoạt ngôn, thích nói và nói liên tục thường có khả năng ngôn ngữ mạnh mẽ, đại biểu cho sự thông minh và quá trình phát triển não bộ. Khi đó, cha mẹ hãy lắng nghe và cùng con trò chuyện để kích thích quá trình này hiệu quả hơn chứ đừng ngăn cản trẻ nói.
0-3 tuổi là giai đoạn phát triển trí não của trẻ nhanh nhất
Theo các chuyên gia chỉ ra, từ 0 đến 3 tuổi là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển trí não của bé. Ở giai đoạn này, 95% các quá trình và tế bào thần kinh của não bộ phát triển nhanh chóng, càng có nhiều quá trình xử lý, não bộ của trẻ sẽ càng linh hoạt hơn.
Đồng thời đây cũng là giai đoạn bé nhạy cảm đối với tất cả mọi thứ trên đời, không ngừng học hỏi cũng như phát triển khả năng ngôn ngữ, tính cách của bản thân.
Việc cha mẹ biết nắm bắt các đặc điểm phát triển của trẻ trong giai đoạn này có thể có tác động gấp bội trong việc cải thiện khả năng, trí thông minh của bé trong tương lai.
Bố mẹ tìm cách hỗ trợ để kích thích sự phát triển trí não của trẻ, giúp trẻ thông minh hơn.
Cách đơn giản nhất là kích thích các giác quan của trẻ như thị giác, xúc giác, thính giác, vị giác,… giúp trẻ phát triển các khớp thần kinh của não bộ. Các hoạt động thích hợp nhất là đọc sách, nghe các bài hát, chơi trò chơi.
Đặc biệt, sự giao lưu và trao đổi giữa các thành viên trong gia đình chính là những yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển ngôn ngữ và khả năng của trẻ. Thời gian đầu, bé chưa thể diễn đạt mọi thứ thành câu hoàn chỉnh, lúc này cha mẹ phải kiên nhẫn lắng nghe con nói, thể hiện sự quan tâm thì bé mới có hứng thú để giao tiếp.
Trong quá trình phát triển, mỗi trẻ đều có một “thước đo tiến trình” riêng, vậy nên cha mẹ không nên quá lo lắng khi thấy trẻ chậm hơn so với các bạn cùng tuổi. Điều quan trọng hơn hết mà cha mẹ nên làm là quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết trong việc nuôi dưỡng và đồng hành cùng con cái rèn luyện, học hỏi mỗi ngày.