3 biến chứng cực nguy hiểm khi sinh con ở tuổi vị thành niên
Mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên khiến cả mẹ và bé có thể phải đối mặt với những biến chứng đáng tiếc.
Mới đây, thông tin nữ sinh lớp 7 tại Bắc Giang tự sinh con trong nhà tắm khiến nhiều người không khỏi xôn xao. Trong lúc đang ở nhà, em bất ngờ đau bụng dữ dội. Sau đó, em vào phòng tắm, sinh một bé trai nặng khoảng 2,7kg. Gia đình phát hiện và đã đưa 2 mẹ con đến Trung tâm Y tế để chăm sóc sức khỏe.
Được biết, sức khỏe của nữ sinh cùng con trai hiện ổn định. Mặc dù vậy, thông tin này vẫn khiến không ít người hoang mang. Nhiều người nghi ngại, một bé gái 15 tuổi đã mang thai, sinh con, thậm chí là tự mình sinh con không ai trợ giúp, liệu có thể gặp những hệ lụy sức khỏe tiềm ẩn hay không? Trước vấn đề này, giới chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo loạt tác hại đáng sợ.
1. Trẻ vị thành niên bị ảnh hưởng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có thể mất mạng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trẻ vị thành niên thuộc độ tuổi từ 10-19. Trong đó có vị thành niên bé, giữa và lớn. Ở độ tuổi này, trẻ đang trong quá trình phát triển về tâm sinh lý. Việc mang thai ở giai đoạn tuổi vị thành niên gây nhiều tác hại cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong đó, đáng lo ngại nhất là sức khỏe. Thậm chí, việc mang thai ở độ tuổi này có thể lấy đi tính mạng của các em bất cứ lúc nào.
Khi mang thai ở tuổi bị thành niên, trẻ phát triển thể chất bị hạn chế so với bạn bè đồng trang lứa. Lúc này, cơ thể của bé gái chưa sẵn sàng cho việc mang thai. Thêm việc chưa đủ hiểu biết, chưa trau dồi đầy đủ kiến thức mang thai, việc phải làm mẹ ở độ tuổi này khiến bé gái rất dễ gặp biến chứng như thiếu máu, thai lưu, đẻ non, sẩy thai... Nhất là khi lâm bồn, trẻ rất dễ bị băng huyết, nhiễm trùng, tiền sản giật.
BS Phương Huệ (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết thêm, việc làm mẹ sớm dễ khiến bé gái bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm và thiếu điều kiện tốt trong cuộc sống. Trong thực tế không thiếu các bạn gái cảm thấy chán nản, bị cách biệt với gia đình, bạn bè. Đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm, dễ dẫn đến những hành động nguy hiểm với trẻ sơ sinh.
Đáng nói, về mặt thể chất, cơ thể trẻ lúc này chưa phát triển đầy đủ. Ví dụ như tử cung, khung xương chậu... của trẻ vị thành niên còn nhỏ, chưa thích hợp cho việc mang thai và sinh con. Nếu xảy ra chuyện sinh đẻ ở lứa tuổi này sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Báo cáo từ WHO cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 16 triệu trẻ em từ 15-19 tuổi và khoảng 1 triệu bé gái dưới 15 tuổi sinh con tại những nước có thu nhập đầu người thấp hoặc trung bình. Những biến chứng khi mang thai và sinh con là nguyên nhân thứ hai gây tử vong cho bé gái ở tuổi vị thành niên từ 15-19 tuổi trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 3 triệu trẻ từ 15-19 tuổi trên thế giới trải qua nạo phá thai không an toàn.
2. Trẻ vị thành niên mất cơ hội học hành, hạn chế sự lựa chọn trong cuộc sống
Chuyên gia nhận định, việc mang thai ở tuổi vị thành niên làm mất đi cơ hội học hành của trẻ. Điều này cũng làm hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống, khiến các em rơi vào cảnh nghèo đói, khổ cực.
3. Đứa trẻ sinh ra dễ gặp bệnh tật, thậm chí tử vong
Theo WHO, đứa trẻ sinh ra từ người mẹ đang ở tuổi vị thành niên rất dễ bị suy dinh dưỡng, suy hô hấp, chưa kể nhiều bệnh do sức đề kháng yếu. Điều này là do bộ máy sinh sản của bà mẹ đang trong giai đoạn vị thành niên vẫn chưa hoàn thiện, chưa sẵn sàng cho việc sinh đẻ, bào thai dễ bị ngạt trong tử cung.
Cũng theo WHO, trẻ sinh ra từ người mẹ là trẻ vị thành niên có nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể so với trẻ sinh ra từ mẹ 20-24 tuổi.
BS Huệ nhận định, khi mang thai ở độ tuổi này, cả mẹ và bé đều có nguy cơ thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng ngay trong quá trình mang thai. Vì tâm lý giấu giếm, e sợ, thiếu hiểu biết của trẻ vị thành niên, đứa trẻ sinh ra rất dễ bị dị tật bẩm sinh.
Ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình, trẻ được sinh ra từ các bà mẹ dưới 20 tuổi phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn 50% trẻ được sinh ra ở người mẹ từ 20 tuổi trở lên. Hoặc, đứa trẻ sẽ bị chết trong vòng vài tuần đầu tiên so với những trẻ sinh ra từ các bà mẹ trong độ tuổi 20-29. Trẻ sơ sinh sinh ra từ các bà mẹ vị thành niên cũng phải đối mặt với nhẹ cân khi sinh, có nguy cơ ảnh hưởng lâu dài.
Chính vì thế, tuyệt đối không nên mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Gia đình và nhà trường cần có những biện pháp giáo dục kịp thời để "vẽ đường cho hươu chạy đúng", tránh xảy ra những trường hợp như trên.