20% nhân sự mới "bốc hơi" ngay ngày đầu đi làm với những lý do kém chuyên nghiệp khiến ai cũng ngán ngẩm
Những tưởng chuyện "bay màu" chỉ xuất hiện trong tình yêu, ai dè chốn công sở cũng quá trời những trường hợp như thế.
Theo khảo sát, 83% nhân viên của công ty đã từng nếm mùi biệt tăm biệt tích của nhân sự mới hoặc người ứng tuyển mà chẳng thèm để lại một lời giải thích. Mặt khác, những kẻ "bay màu" này phần nhiều không nằm ở người trẻ thiếu kinh nghiệm mà độ tuổi trung bình của họ là 34 tuổi, với 70% là công việc toàn thời gian. Có hai trường hợp thường thấy nhất là đồng ý bằng lời trong quá trình phỏng vấn nhưng không ký giấy tờ chính thức, hoặc đã thỏa thuận trên văn bản mà lại không xuất hiện ngày đầu tiên.
Vậy câu hỏi đặt ra, vì lý do gì mà họ lại biến mất không tung tích như thế?
Nghiên cứu đã chứng minh, nguyên nhân lớn nhất là bởi ứng viên đã tìm được công việc tốt hơn.
Hồng Nhung, một nhân viên hải quan xuất nhập khẩu đã kể lại quá trình "bốc hơi" đầy tội lỗi của mình. "Ban đầu mình nộp đơn vào 3 công ty, rồi cả 3 công ty gọi đi phỏng vấn. Trong đó công ty A là nơi mà mình vừa phỏng vấn xong thì họ đã quyết định nhận mình luôn. Vì bản thân đang rất cần việc làm nên mình đồng ý. Nhưng đến chiều hôm đó thì công ty B gọi điện thông báo đỗ, mà mức lương ở công ty B cao hơn công ty A nên mình cũng đồng ý. Rồi mọi chuyện lại bất ngờ hơn nữa khi công ty C gửi mail báo trúng tuyển vào lúc tối. Mình mới đặt công ty C và công ty B lên bàn cân. Dù mức lương ngang nhau nhưng công việc ở công ty C có vẻ nhàn hạ hơn nên cuối cùng, mình quyết định chọn công ty C là bến đỗ. Và mình cũng không hề báo lại với hai công ty kia vì ngại. Mình còn chặn cả số nhà tuyển dụng rồi!"
(Ảnh minh họa)
Paul Paule, phó chủ tịch cấp cao về nhân sự toàn cầu, phát biểu với CNBC Make It "Ứng viên ngày nay mới là người nắm thế chủ động, và họ nên có ý kiến một cách cởi mở nhằm giữ được sự chuyên nghiệp với nhà tuyển dụng." Thực sự việc biến mất không một lời nhắn cũng dễ hiểu. Hồng Nhung nói vì mình ngại, hơn nữa sợ bị nhà tuyển dụng chửi vì lỡ đồng ý trước đó nên đành im lặng rời đi.
Thế nhưng đôi khi sự biến mất của ứng viên lại bắt nguồn từ việc "lặn mất tăm" của nhà tuyển dụng.
Theo đó, quá trình tuyển dụng dài, chậm lê thê là lý do thứ nhì mà ứng viên thấy có vẻ mình đang bị lừa nên họ rút lui cho "sớm chợ". Một cuộc khảo sát từ công ty nhân sự và tìm kiếm Addison Group cho thấy 70% người xin việc sẽ mất hứng thú với công việc nếu họ không nhận được hồi âm từ HR trong vòng một tuần kể từ cuộc phỏng vấn đầu tiên.
Rất nhiều bạn sinh viên nói rằng họ đã có đi phỏng vấn thì nhân sự báo rằng kết quả được thông báo trong thời gian sớm nhất. Mặc dù vậy đợi gần 2 tuần mà chẳng có hồi âm nên họ nhanh chóng đi tìm việc khác. Do vậy, lời khuyên cho nhà tuyển dụng chính là khi có bất cứ sự cố gì làm trì hoãn quá trình tuyển dụng, thì phải thông báo ngay cho ứng viên và xin lỗi họ vì sự chậm trễ. Đồng thời hẹn họ vào một ngày phỏng vấn sớm nhất có thể.
(Ảnh minh họa)
Sau cùng, nếu như bạn là một ứng viên đang tìm việc làm, thì đừng bao giờ rời đi không một lời giải thích. Điều này sẽ gây hại cho chính sự nghiệp của bạn đó! Bởi biết đâu mai này giữa dòng đời ngược xuôi, bạn lại "va phải" đúng người tuyển dụng mà năm xưa bạn đã từng "xua đuổi". Ký ức xấu thường lưu trong não bộ rất lâu, đặc biệt hồ sơ của những ứng viên tồi còn có khi được xếp ngay ngắn trong "sổ đen" nữa đấy.
Nên là các nàng hãy nhớ, dù có thế nào, cũng phải liên lạc lại đàng hoàng trình bày lý do. Và đừng để bản thân có ấn tượng xấu trong mắt nhà tuyển dụng nhé!