2 điều phụ nữ nên tự hỏi bản thân trước khi tái hôn

AMT,
Chia sẻ

Dù là kết hôn lần đầu hay xây lại hạnh phúc từ con số 0 sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, phụ nữ cũng đừng quên tự hỏi chính mình 2 điều quan trọng này.

Không có gì đáng buồn và đáng sợ hơn việc chung sống với nhau rất lâu, để rồi nhận ra người mình từng chọn, người chung nhà, chung chăn chung gối với mình... lại hoàn toàn là một người xa lạ.

Cảm giác này có lẽ còn dữ dội hơn với những người phụ nữ đã từng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Để hạn chế tối đa khả năng "chọn sai" người bạn đời, các nhà tâm lý học đã đưa ra 2 lời khuyên, cũng là 2 điều mà phụ nữ nên tự hỏi bản thân trước khi quyết định bước chân vào hôn nhân. Không quan trọng là kết hôn lần đầu hay xây lại hạnh phúc từ con số 0 sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, 2 điều này có thể giúp bạn tìm được "người chồng hoàn hảo ít sai số nhất".

2 điều phụ nữ thông minh luôn tự hỏi bản thân trước khi tái hôn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

1. Đâu là những điều "mình mong muốn ở đối phương" và đâu là những điều "đối phương buộc phải có"?

Đôi khi, những thứ bạn muốn lại không thực sự là những thứ bạn cần. Đặt lời khẳng định này trong chuyện hôn nhân cũng không sai.

Đương nhiên, người phụ nữ nào cũng muốn có một người chồng với ngoại hình nam tính, thu nhập ổn định, sức khỏe tốt... Vậy chẳng lẽ tiêu chuẩn của tất cả phụ nữ trên thế giới này đều giống nhau sao? Không đâu! Sự khác biệt nằm ở "danh sách bắt buộc" và "danh sách mong muốn" của riêng mỗi người.

Danh sách bắt buộc là những giá trị mà đối tượng bạn đang muốn kết hôn chắc chắn phải có. Nếu không, bạn sẽ không hẹn hò, hay cam kết dài lâu với họ.

Danh sách mong muốn bao gồm những giá trị mà bạn mong chờ ở đối phương nhưng có thể thỏa hiệp để cả hai đều cảm thấy thoải mái.

Một ví dụ cụ thể mà Tiến sĩ Tâm lý học Duana Welch - Tác giả cuốn sách "Love Factually" đã đưa ra để giúp phụ nữ dễ hình dung hơn về sự khác biệt của danh sách bắt buộc và danh sách mong muốn: "Một số cô gái muốn một người bạn trai cao ráo, một số khác thì thực sự, thực sự muốn một anh chàng cao ráo. Nhưng nếu có ai đó đáp ứng đủ tất cả những tiêu chuẩn khác mà họ đề ra, nhưng không có chiều cao thì hầu hết mọi người vẫn thỏa hiệp với tiêu chuẩn này. Vậy thì với họ, chiều cao là một tiêu chuẩn thuộc danh sách mong muốn chứ không phải danh sách bắt buộc.

2 điều phụ nữ thông minh luôn tự hỏi bản thân trước khi tái hôn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Một ví dụ khác cũng khá dễ hiểu trong hôn nhân, đó là chuyện con cái. Một số người cực kỳ chắc chắn họ chỉ có thể hạnh phúc nếu đối phương muốn/không muốn có con. Điều này cần được ghi trong danh sách bắt buộc. Nhưng cũng có những người có thể thỏa hiệp với người bạn đời của họ bằng cách xin con nuôi hoặc cùng nuôi dưỡng con riêng của một trong hai người. Khi ấy, điều này lại được chuyển sang danh sách mong muốn."

Vì nhu cầu và thước đo hạnh phúc của mỗi người là khác nhau, nên sẽ không có một danh sách chung nào cho từng người.

Dẫu vậy, việc phân biệt đâu là điều "buộc phải có", đâu là điều "có thì tốt mà không có cũng không sao" là việc đầu tiên mà phụ nữ cần nắm rõ, để không nhầm lẫn về chính mình, cũng như đối tượng mà bản thân muốn gắn bó lâu dài trong tương lai.

Duana Welch cũng đưa ra một lời khuyên thiết thực: "Hãy suy nghĩ và viết ra tiêu chuẩn của bạn dưới dạng 2 cột. Một bên là Mong muốn, một bên là Bắt buộc. Nếu không, rất có thể bạn sẽ quên hoặc nhầm lẫn chúng với nhau vào… ngay sáng ngày hôm sau đấy!"

2. Đâu là những tiêu chuẩn/giá trị chung giữa mình và đối phương?

Khi đã có trong tay danh sách những tiêu chuẩn dành cho người bạn đời tương lai, việc tiếp theo phụ nữ cần làm là đánh giá xem những tiêu chuẩn ấy đã phù hợp hay chưa. Nói cách khác, đây chính là bước giúp bạn nhận ra bản thân có đang đòi hỏi những điều "trên trời" hay không.

Hãy nhìn lại danh sách trên một lần nữa. Bên cạnh mỗi tiêu chí bạn đặt ra cho người bạn đời tương lai, nếu bản thân bạn đang đáp ứng được tiêu chí đó, hãy đánh một dấu tick.

Ví dụ, "thu nhập cao" là tiêu chí nằm trong mục "bắt buộc" mà người yêu bạn phải có, nhưng bạn thậm chí còn đang nhận trợ cấp từ phụ huynh hàng tháng, thì đương nhiên, bạn không thể dành một dấu tick cho mục này được. Nhưng ngược lại, nếu bạn là một quý cô có thể rót hàng chục triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng, thì đừng ngần ngại mà hãy tick thật nhanh.

2 điều phụ nữ thông minh luôn tự hỏi bản thân trước khi tái hôn - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Nói một cách dễ hiểu, việc đánh giá bản thân liệu có đang yêu cầu những điều quá xa tầm với dành cho người bạn đời tương lai hay không, sẽ phụ thuộc vào tình trạng của chính bản thân bạn lúc đó.

Nếu bạn có thu nhập tốt, một ngoại hình ưa nhìn cùng trình độ học vấn cao, bạn hoàn toàn có quyền được kỳ vọng những điều tương tự, thậm chí là hơn thế ở người bạn đời của mình. Giờ thì hãy thử đếm xem bạn đã "thu" được bao nhiêu dấu tick từ việc nhìn nhận, đánh giá các tiêu chuẩn?

Nếu số lượng dấu tick chiếm một nửa, hoặc 2/3 các tiêu chí, hãy tự tin giữ vững bảng tiêu chuẩn hiện tại.

Nếu số lượng dấu tick không bằng 1/2 số lượng các tiêu chuẩn, theo Duana Welch: "Bạn không nên tự ti hay bỏ ngay đi các tiêu chuẩn này. Bạn vẫn có thể giữ nguyên nó và tìm cách cải thiện bản thân trước. Nếu bạn chưa tìm được việc làm, hãy kiếm việc. Nếu bạn chưa tốt nghiệp Đại học, hãy chăm chỉ học tập. Đó chỉ là một vài ví dụ, nhưng ý tôi là thay vì thay đổi các tiêu chuẩn, các cô gái nên thay đổi để bản thân mình hoàn thiện và trở nên tốt hơn".

Sau cùng, người bạn đời của cuộc đời bạn có thể không phải là một người hoàn hảo, hay một người đáp ứng được 100% các tiêu chuẩn bạn đặt ra. Nhưng điều ấy sẽ không còn là vấn đề nữa khi bạn hiểu ra rằng mọi sự mường tượng hay các tiêu chí đều sẽ trở nên vô nghĩa, nếu bạn luôn đòi hỏi những thứ bản thân không có, hoặc không nỗ lực để có.

Nói cách khác, khi bạn đã tự "lấp đầy" được những thiếu sót của bản thân, hoặc tự đáp ứng được hầu hết những tiêu chuẩn dành cho người tình tương lai, hãy cứ giữ nguyên tiêu chuẩn, ngẩng cao đầu và kiêu hãnh bước đi.

Chia sẻ