15 ngày sau khi vợ qua đời, người đàn ông viết bức thư 6 trang, dài 10 nghìn chữ tỏ tình với cô gái yêu thầm 20 năm nhưng nhận câu trả lời chỉ có vài chữ “vỗ mặt”
Có những câu chuyện tình yêu khiến người ta phải suy nghĩ thật nhiều. Cứ ngỡ rằng, nó là lương duyên nhưng thật ra nó chỉ sống trong ảo tưởng của một người mà thôi.
Người đàn ông và hai cuộc hôn nhân không thỏa mãn
Cố Giáp Cương sinh năm 1893 ở Giang Tô (Trung Quốc). Ông là một nhà văn, nhà sử học danh tiếng bậc nhất và là một học giả quan trọng trong lịch sử phát triển học thuật của Trung Quốc hiện đại.
13 tuổi, ông được người lớn trong nhà hứa hôn với một cô gái họ Vu hơn 4 tuổi. Năm 1911, cặp đôi tiến hành kết hôn, lúc đó Cố Giáp Cương chưa đầy 18 tuổi.
Cuộc hôn nhân này không có nền tảng tình cảm, hai người đến với nhau chỉ vì gia đình sắp đặt. Sau khi kết hôn, họ Cố cũng ra sức để vun đắp tình cảm vợ chồng. Ông còn dạy vợ đọc và viết tên của chính mình.
Đôi vợ chồng đã có với nhau 2 người con gái. Cuộc sống vợ chồng bình lặng trôi, dù tình yêu không thể nảy sinh do chênh lệch về trình độ quá mức nhưng Cố Giáp Cương cũng luôn có trách nhiệm với vợ con.
Đến năm 1918, vợ ông qua đời vì sức khỏe yếu, để lại hai cô con gái. Sau khi vợ qua đời, họ Cố dù không có mấy tình cảm nhưng cũng rất buồn bã và thương xót.
Nhìn thấy ông đau khổ, những người bạn tốt của ông tìm cách mối mai để ông sớm bước vào một mối quan hệ khác, nhằm quên đi những trống vắng trong gia đình. Khi đó, họ giới thiệu cô nữ sinh có tên Yên Lý.
Lúc này, Yên Lý cũng biết đến danh tiếng của Cố Giáp Cương nên tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ. Ở chiều ngược lại, bạn bè của họ Cố cũng nhiều người khen ngợi nỗ lực trong học tập của bà.
Bởi thế, năm 1919, Cố Giáp Cương dẫn người nhà đến hỏi cưới Yên Lý. Họ tổ chức lễ thành hôn vào ngày 21/1/1919. Cuộc hôn nhân này rõ ràng khiến Cố Giáp Cương hài lòng hơn bởi dù sao Yên Lý cũng là một nữ sinh, có kiến thức cả về văn học lẫn lịch sử. Hai vợ chồng quấn quýt bên nhau 4 tháng. Đến tháng 9 cùng năm, Cố Giáp Cương quay lại Bắc Kinh làm việc, Yên Lý ở lại quê nhà Tô Châu và chăm sóc hai cô con gái của chồng cũng như đỡ đần cha mẹ chồng.
Khoảng cách hai nơi xa cách vời vợi nhưng may mắn thay, hai người có thể trao đổi thư từ với nhau. Ban đầu, Cố Giáp Cương cũng muốn hình thành nên mối quan hệ giữa hai người vừa là vợ chồng, vừa là tri kỷ. Ông cũng cố gắng dạy vợ thêm kiến thức, trau dồi thêm.
Tuy nhiên, Yên Lý không có nhiều thời gian cho điều đó. Bà phải phục vụ gia đình chồng, chăm sóc hai con nhỏ và chịu đủ trách nhiệm trong nhà. Thêm một điều khác, Yên Lý còn bị vô sinh. Bù lại, bà chu toàn hết việc nhà chồng, coi con chồng như con mình và cố gắng nuôi nấng, chăm sóc chu đáo.
Yên Lý ở xa thi thoảng phàn nàn nhiều chuyện với chồng nhưng Cố Giáp Cương luôn biết cách an ủi. Thậm chí, ông còn muốn vợ chụp ảnh gửi qua cho mình, ông sẽ giữ ảnh trong sách, trong túi để đi khắp nơi có thể nhìn thấy vợ mình.
Tuy nhiên, những nỗi niềm khao khát dành cho vợ của Cố Giáp Cương thay đổi vào năm 1924, khi ông đã gặp một cô gái Bắc Kinh có tên Đàm Mộ Ngu.
Người đàn ông và tình yêu kìm nén
Khi đó, họ Đàm đang học ở khoa Luật của Đại học Bắc Kinh. Ngay từ ánh mắt đầu tiên cả hai nhìn nhau, Cố Giáp Cương đã không thể kiểm soát được, sa vào lưới tình.
Cố Giáp Cương nhắc đến tên người con gái này trong nhật ký của mình. Tháng 4/1924, ông cùng vài người bạn và một số nữ sinh ở Đại học Bắc Kinh đi thăm thú cảnh quan tại Cung Điện Mùa Hè (Bắc Kinh). Khi đó ông đã bày tỏ cảm tình của mình: “Tôi thích cô Đàm nhất trong số những người bạn đồng hành. Cô ấy là người khéo léo và không khoan nhượng. Cô như một cây mận mùa Đông trong một con lạch hẻo lánh, khiến người ta sảng khoái”.
Ông yêu Đàm Mộ Ngu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Và ông đặc biệt chú ý đến bà ngay trong cuộc sống hằng ngày. Theo đó, cả hai có mối quan hệ thân thiết trong giai đoạn 1924-1926 vì việc học hành.
Nhận thấy tình yêu của bản thân, Cố Giáp Cương cố gắng kìm nén. Ông biết rằng vợ mình đang ở quê, cố gắng nuôi con và chăm sóc người già trong nhà, không thể nào để tình cảm này làm ảnh hưởng được.
Thế nhưng nói thì dễ, kìm nén được mới khó, ông đã viết thư gửi một người bạn để nói về những lo lắng của mình.
“Những năm gần đây tôi sống lí trí, tôi đã đấu tranh và quên đi cái gọi là tình cảm. Tôi chưa bao giờ quan tâm đến phụ nữ nhưng lần này tôi đã thấy một điều kỳ lạ. Cô ấy cực kỳ lạnh lùng, cực kỳ kiêu ngạo, cực kỳ can đảm, cực kỳ chăm chỉ và cực kỳ tình cảm… Ngay khi nhìn thấy cô ấy, tôi đã nảy sinh một tình yêu và sự tôn trọng mạnh mẽ.
Thật kỳ lạ, tôi không muốn kết hôn với cô ấy. Tôi không muốn có mối quan hệ sâu sắc hơn với cô ấy. Tôi chỉ nghĩ cô ấy dễ thương và chỉ nghĩ rằng tôi yêu cô ấy. Tôi không biết làm thế nào cả. Tôi không muốn cô ấy biết rằng tôi yêu cô ấy lại càng không muốn có được tình yêu của cô ấy. Lí trí và cảm xúc của tôi đã tách rời nhau rồi, tôi nên làm sao?”.
Có thể nói rằng, Cố Giáp Cương thật sự rất đau khổ bởi lí trí và tình cảm đang “đấu đá”. Cuối bức thư đó, ông cũng nhắn nhủ bạn rằng đừng kể cho bất cứ ai cả.
Một thời gian sau, Yên Lý đến Bắc Kinh sinh sống với chồng, chấm dứt mấy năm hai vợ chồng mỗi người một nơi. Lúc đó họ Cố làm việc tại Đại học Bắc Kinh, tiền lương không bao nhiêu mà còn hay nợ lương. Ông lại còn hay mua sách, điều này khiến cuộc sống gia đình thêm phần eo hẹp. May mà Yên Lý rất siêng năng và tiết kiệm, chu toàn những chuyện ở nhà để cho ông thoải mái với sự nghiệp.
Yên Lý không thể sinh con nhưng chăm sóc con riêng của chồng vô cùng chu đáo. Vì sự chu toàn và nhân hậu đó, Cố Giáp Cương lại chẳng dám làm điều gì tổn thương cho bà. Vì lẽ ấy, ông cố chôn chặt tình yêu dành cho Đàm Mộ Ngu.
Lời tỏ tình dài 6000 chữ
Năm 1926, Đàm Mộ Ngu tốt nghiệp, rời Bắc Kinh bôn ba khắp nơi. Đến năm 1929, bà và Cố Giáp Cương mới lại giáp mặt. Ông cũng viết nhật ký: “Tôi không gặp Mộ Ngu cũng đã 2 năm rưỡi. Tình cảm vốn chai sạn lại càng ngày càng sâu đậm. Khi gặp nhau hôm nay, tôi không chỉ muốn ngất xỉu mà còn choáng váng”.
Và cũng trong nhật ký, Cố Giáp Cương vài lần đề cập đến chuyện Đàm Mộ Ngu xuất hiện trong giấc mơ của mình. Tuy vậy, vì bản thân có vợ nên tình cảm ấy ông vẫn kìm nén, giữ nó bằng lí trí mạnh mẽ nhất.
Sự ngưỡng mộ, thầm yêu của Cố Giáp Cương dành cho Đàm Mộ Ngu cứ tồn tại dài lâu như thế. Đến năm 1943, Yên Lý qua đời vì bệnh tật.
Đến lúc này, Cố Giáp Cương nhận được tin Đàm Mộ Ngu sắp rời Bắc Kinh thời gian dài. Bởi vậy, 15 ngày sau khi vợ mất, ông đã viết bức thư tình dài gần 10 nghìn từ kể cho bà nghe mối tình dài 20 năm của mình. Từ năm 1923 đến 1943, ông vẫn luôn yêu thầm người phụ nữ ấy. Lúc đó, ông 50 tuổi còn Mộ Ngu 41 tuổi, vẫn độc thân.
Tuy nhiên, câu trả lời của Đàm Mộ Ngu cực kỳ “gắt”, thậm chí có phần phũ phàng: “Với anh thì nhất định phải có con trai, em là người năng động, không quản nổi việc nhà”.
Bà thẳng thừng nói rằng Cố Giáp Cương muốn thêm vợ chỉ vì chuyện chưa có con trai. Bản thân bà cũng không muốn kết hôn hay có tình cảm gì đặc biệt với ông cả.
Không chỉ thế, trong cuốn hồi ký sau này của Đàm Mộ Ngu, mô tả của bà về Cố Giáp Cương chỉ có vài dòng:
“Ông Cố có một trí nhớ đáng kinh ngạc. Một lần tôi đến gặp ông Hồ Thích, ông Hồ hỏi sự kiện lịch ở trang nào của một cuốn sách. Ông Cố đến tủ sách và lấy quyển đó ra chỉ đúng vị trí của nó ở tập mấy, trang và dòng nào”.
Sau tất cả, cái gọi là tình yêu của Cố Giáp Cương chỉ là mộng tưởng của chính ông. Đàm Mộ Ngu hoàn toàn không có chút tình cảm trai gái nào với ông hết cả.
Cuối cùng, thất vọng vì tỏ tình không thành công, Cố Giáp Cương đành kết hôn với mộ người phụ nữ họ Trương do bạn bè giới thiệu.
Dù không có được Đàm Mộ Ngu nhưng tình yêu của ông dành cho bà vẫn luôn tồn tại. Ông vẫn nghe ngóng tình hình của bà, háo hức vì những thông tin về người cũ.
Năm 1978, ở tuổi 85, khi lật lại cuốn nhật ký 54 năm trước của mình, đến đoạn ông và Đàm Mộ Ngu cùng đi thăm thú vào năm 1924, ông đã viết: “Ngàn giọt nước mắt trong quá khứ, 50 năm rơi lệ”.
Năm 1980, Cố Giáp Cương qua đời, mối tình hơn nửa thế kỷ của ông cũng vì vậy mà trôi qua.
Nguồn: Chinastory, Sohu